Nông dân Điện Biên dám làm để thoát nghèo, làm giàu
Mạnh dạn tiên phong xây dựng mô hình
Đến bản Nậm Kè (xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé), nơi sinh sống của 67 hộ đồng bào dân tộc Cống mới cảm nhận được những đổi thay trong đời sống của người dân nơi đây. Những ngôi nhà sàn khang trang, kiên cố, đường vào bản được đổ bê tông phẳng lì và rất nhiều gia đình đã có công cụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp.
Gia đình ông Lò Văn Vanh, ở bản Phiêng Vai (xã Nậm Kè) là một trong số những hộ hội viên sản xuất giỏi của địa phương. Nhìn vào cơ ngơi và mô hình sản xuất này, không ai có thể tin rằng chỉ ít năm trước đây, cuộc sống của gia đình ông Vanh còn gặp rất nhiều khó khăn, thu nhập hoàn toàn trông chờ vào mấy thửa ruộng và sự sinh sôi của vài con lợn, con gà được nuôi theo kiểu “được chăng, hay chớ”. Vì vậy, dù quanh năm vất vả, nhưng cuộc sống vẫn thiếu thốn đủ bề.
Với quyết tâm không cam chịu đói nghèo, năm 2016, được sự hỗ trợ từ Hội ND xã ông Vanh bàn với gia đình vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội mua trâu, bò nái về nuôi sinh sản. Chú trọng cập nhật kiến thức, kinh nghiệm chăm sóc, phòng, trị bệnh, đàn trâu, bò không ngừng gia tăng về số lượng theo từng năm. Không những thế, gần đây gia đình ông Vanh còn đầu tư xây dựng thêm chuồng trại để nuôi don và dúi nhằm cải thiện thu nhập. Với sự nhanh nhạy, cần cù, dám nghĩ, dám làm, mô hình chăn nuôi của gia đình ông Vanh đã đạt thu nhập ổn định trên 80 triệu đồng/năm.
Cũng như nhiều gia đình, cuộc sống của gia đình ông Nguyễn Quang Chiến, ở tổ 4, phường Sông Đà (thị xã Mường Lay) cũng gặp khó trăm bề. Năm 2016, nhận thấy nhu cầu rau sạch ngày một lớn, ông Chiến mạnh dạn tiên phong xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn trên diện tích gần 3.000m2. Với tất cả sự say mê, nhiệt huyết, quyết tâm thoát nghèo, nên ông Chiến mạnh dạn đưa những loại rau, quả hợp thị hiếu người tiêu dùng vào sản xuất. Ngoài trồng rau, ông Chiến trồng thêm thanh long để cải thiện thu nhập. Nhờ có hướng đi đúng và cách làm khoa học, hiện mỗi năm gia đình ông Chiến đạt thu nhập trên 100 triệu đồng, đồng thời giải quyết việc làm thường xuyên cho 2 lao động ở địa phương.
Với suy nghĩ rất tích cực: “Có sức khỏe thì phải tự lực vươn lên thoát nghèo và từng bước làm giàu, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ Nhà nước”, từ năm 2017 đến nay, với việc tập trung đầu tư vào trồng, chăm sóc gần 2ha dứa, cuộc sống của gia đình anh Lý A Dính, người dân tộc Mông (ở bản Huổi Hoi, xã Mường Mươn, huyện Mường Chà) đã có nhiều chuyển biến tích cực. Dự tính trong năm nay, nguồn thu nhập từ trồng dứa của gia đình anh Dính đạt không dưới 100 triệu đồng, sau khi đã trừ tất cả chi phí.
Trong khi ở rất nhiều nơi, không ít người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, thì ở xã biên giới Mường Mươn, huyện Mường Chà đã có 3 hộ nghèo viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo và gia đình anh Lý A Dính là một trong số những hộ làm đơn xin thoát nghèo đó.
Lan toả những tấm gương điển hình vượt khó thoát nghèo
Tại xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo, nơi có điều kiện tự nhiên tương đối khắc nghiệt, thì vẫn có những nông dân cần cù, sáng tạo, biết cách vượt qua đói nghèo để vươn lên trở thành tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế gia đình. Vài năm trước, dù cả 2 vợ chồng ông Mùa A Thào rất chịu khó làm lụng, nhưng do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất nên công sức bỏ ra thì nhiều mà hiệu quả kinh tế đem lại không tương xứng, mọi cố gắng cũng mới chỉ đảm bảo ở mức tạm đủ ăn, đủ mặc, mà chưa thể nghĩ đến chuyện làm giàu.
Từ khi Hội ND xã Tênh Phông vận động bà con trồng thảo quả, ông Thào là một trong những người tiên phong thực hiện. Nhận thấy khoanh nuôi, bảo vệ rừng tự nhiên kết hợp với mở rộng diện tích trồng thảo quả không tốn nhiều công sức; chỉ cần trồng 1 lần nếu được chăm sóc, bảo vệ tốt sẽ cho thu hoạch nhiều vụ hiệu quả kinh tế cao. Từ nguồn thu của cây thảo quả, ông Thào đã từng bước mở rộng quy mô phát triển kinh tế của gia đình. Ngoài thảo quả ông còn trồng thêm táo mèo, cây thông, cây dổi lấy hạt, trồng ngô, lúa và chăn nuôi. Từ chỗ quy mô rất khiêm tốn ban đầu, đến nay, diện tích cây thảo quả của gia đình ông Thào đã mở rộng lên 3ha; đàn trâu, bò đã phát triển số lượng lên 14 con. Các loại gia cầm giờ đây không chỉ đảm bảo đáp ứng nhu cầu cải thiện đời sống mà còn có thể cung cấp ra thị trường, góp phần tăng thêm thu nhập. 3 năm trở lại đây, tổng thu nhập của gia đình ông Thào đều đạt từ 180-200 triệu đồng mỗi năm.
Từ phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” do Hội ND tỉnh Điện Biên phát động, nhiều tấm gương, mô hình điển hình trong phát triển kinh tế đang ngày càng được lan toả, nhân rộng, tạo nên khí thế thi đua sôi nổi trong toàn thể hội viên ND trong tỉnh. Hiệu quả của phong trào đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Hội viên ND chủ động học hỏi, giúp đỡ nhau về kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, thay đổi tư duy làm nông nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm, phù hợp với nền kinh tế thị trường. Đảm bảo được nguồn thu nhập, đời sống người dân ngày càng ấm no hơn, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cũng từ đó ngày càng được giữ vững.
Hiện Hội ND Điện Biên có 129/129 cơ sở Hội, 1.447 chi hội đều triển khai thực hiện, có 25.000 hộ đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu ND SXKDG các cấp; đến nay đã có 3.150 hộ đạt danh hiệu ND SXKDG các cấp.
“Từ khi trồng thảo quả, các hộ dân bản Ten Hon có của ăn của để, đỡ vất vả, nghèo khó. 1ha thảo quả thu được khoảng 2 tấn quả tươi, 10kg quả tươi được 2 - 2,5kg khô. Những năm trước, thảo quả khô được giá 100.000 đồng/kg, có năm lên đến 115.000 đồng/kg, mang lại thu nhập đáng kể cho người dân. Thảo quả thường thu hoạch nửa cuối năm, giúp bà con có cái Tết ấm no, nhiều gia đình sửa được nhà ở kiên cố, vững chãi và mua sắm được đồ dùng gia đình trước khi đón năm mới”.
Ông Mùa A Lầu, Trưởng bản Ten Hon (xã Tênh Phông).