Nông dân Diễn Hùng khá giả từ nghề nuôi hươu lấy nhung
Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, người dân xã Diễn Hùng đã biết đến mô hình nuôi hươu lấy nhung nhưng số lượng còn rất ít, số hộ nuôi chỉ tính trên đầu ngón tay. Đến những năm của thập niên 90, khi kinh nghiệm dần được hình thành và nắm chắc được tập tính của con hươu cũng như cách chăm sóc, số hộ nuôi dần tăng lên nhưng ngặt nỗi là con hươu lại không phát huy được giá trị về kinh tế khi giá cả giảm sâu. Cũng từ đây, số hộ nuôi hươu bắt đầu giảm và chuyển hướng sang những vật nuôi truyền thống như bò thịt và đặc biệt là lợn.
Như “con tạo xoay vần” nghề nuôi hươu lại một lần nữa được người dân lựa chọn như một sự hữu duyên trong nghiệp chăn nuôi của mình. Kể từ năm 2005, khi mà giá trị kinh tế từ hươu được xem trọng, số hộ nuôi bắt đầu tăng lên và cho đến nay trở thành “thủ phủ” cung cấp nhung hươu trên địa bàn huyện cho thương lái khắp vùng.
Diễn Hùng thuộc xã đồng bằng ven biển, có diện tích tự nhiên gần 534ha, sản xuất nông nghiệp thuận lợi nên điều kiện thức ăn, nước uống cũng góp phần kích cầu nhân rộng mô hình nuôi hươu. Hiện nay, tổng đàn hươu của toàn xã khoảng 1.678 con với 184 hộ nuôi được nuôi tập trung chủ yếu ở 2 thôn Hùng Nghĩa và Hùng Phong. Trong những năm gần đây, mô hình nuôi hươu trên địa bàn xã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mặc dù nhung hươu biến động theo giá cả thị trường nhưng về cơ bản hơn hẳn các vật nuôi khác. Các hộ nuôi hươu không chỉ lấy nhung bán cho thương lái mà còn bán con giống nên nguồn thu nhập hàng năm rất ổn định.
Để tạo thương hiệu nhung hươu và hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế, Hội Nông dân các cấp đã định hướng các hộ thành lập Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi hươu nhằm mục đích hỗ trợ nhau về kỹ thuật chăm sóc, bắt hươu khi cắt lộc hoặc khi tiêm phòng,…Tổ hội có quy chế hoạt động riêng dựa trên nguyên tắc “5 cùng”, 3 tháng sinh hoạt 1 lần, mỗi hộ tham gia tổ hội đóng góp quỹ 100.000 đồng/năm.
Qua trao đổi, ông Lê Đình Phùng – Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Nhờ điều kiện tự nhiên của xã phù hợp nên việc nuôi hươu của các hộ gặp khá nhiều thuận lợi. Chẳng hạn như: Tận dụng từ các phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp như cây ngô, khoai, lạc…và tận dụng diện tích đất để trồng thêm cỏ. Từ những lợi thế có được, cấp ủy xã đã chỉ đạo tập hợp những hộ chăn nuôi có nhu cầu đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở một số địa phương khác. Để khuyến khích người dân nuôi hươu, Hội đồng nhân dân xã còn đưa ra Nghị quyết hỗ trợ 5 triệu cho hộ nuôi từ 3 đến 5 con hươu, 10 triệu với hộ nuôi từ 6 đến 10 con.
Nuôi hươu cũng phụ thuộc vào điều kiện thời tiết và kỹ thuật chăm sóc sẽ cho cân nặng nhung hươu nhưng bình quân mỗi cặp dao động từ 1,5 đến 2kg, cũng có những con đặc biệt cho nhung to. Điển hình như thời điểm cuối năm 2023 con hươu của gia đình ông Trần Quang Huấn ở thôn Hùng Nghĩa thu được cặp nhung có cân nặng 3,9kg và đây được đánh giá là cặp nhung hươu có cân nặng nhất vùng từ trước tới nay.
Qua quan sát, chuồng trại nuôi hươu có mái che, thông thoáng. Hươu đực, hươu cái được nuôi riêng từng chuồng. Để giữ vệ sinh trại hươu, người nuôi dùng tro trấu trộn lẫn rơm rạ để làm đệm lót cho các ô chuồng được sạch sẽ, định kỳ sẽ thay mới 1 lần.
Giá nhung hươu phụ thuộc vào đặc điểm, chất lượng. Chẳng hạn như nhung tam, nhung nhị, nhung non, nhung già. Mua nhung cũng tùy theo sở thích của người mua, nếu người mua để chơi, trưng bày thì mua loại nhung già còn mua bồi bổ là mua nhung non.
Phấn khởi khi nuôi hươu cho thu nhập ổn định hàng năm, anh Vũ Ngọc Sinh (1976) thôn Hùng Nghĩa - người đã có kinh nghiệm nuôi hươu trên 10 năm cho biết: “Gia đình tôi nuôi 25 con hươu trong đó có 6 con cái. Con cái từ khi được 3 tháng mua về nuôi 1,5 năm bắt đầu đẻ con, mỗi con hươu con bán với giá 15 triệu đối với con cái, 30 triệu đối với con đực. Tuy nhiên chăm hươu lấy nhung phải cho ăn thêm ngô, khoai, đậu… để tạo chất lượng cho nhung. Đặc biệt, giai đoạn hươu lên nhung thì bồi bổ thức ăn có hàm lượng tinh bột cao để nhung đạt trọng lượng cao, bán được giá. Còn đối với hươu sinh con thì chỉ cần ăn cỏ nên chi phí nuôi hươu đực lấy nhung sẽ cao hơn nuôi hươu cái đẻ con. Mỗi ngày cho ăn 2 lần sáng và chiều. Chi phí thức ăn nuôi 25 con hươu chưa tính công khoảng 50 triệu/năm. Nuôi hươu khỏe, không lo bệnh tật vì nó vốn là động vật hoang dã. Nuôi hươu của xã Diễn Hùng có đầu ra ổn định, khi nào hươu đến kì thu hoạch mình báo cho người mua họ đến xem để cắt nhung. Đối với việc nuôi hươu, mỗi năm thu nhập từ hươu từ 250 đến 300 triệu là bình thường”.
Nhìn chung nuôi hươu lấy nhung là nghề cho thu nhập cao mà không tốn nhiều thời gian, được nhiều bà con lựa chọn để phát triển kinh tế. Thời điểm bắt đầu vào vụ thu hoạch nhung hươu có giá bán trung bình là 10 đến 11 triệu đồng/kg nhung hươu. Để kích cầu người dân nuôi hươu, ngoài những chính sách của xã Diễn Hùng, Hội Nông dân huyện, tỉnh đã tiến hành cho người dân nuôi hươu vay nguồn Quỹ Hỗ trợ Nông dân tổng cộng 760 triệu đồng để tăng đàn, mở rộng quy mô.
“Hiện tại các thành viên trong tổ hội nghề nghiệp là những hạt nhân tiêu biểu trong hoạt động Hội và phong trào nông dân, có đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, văn hóa của địa phương”.
Ông Lê Đình Phùng – Chủ tịch Hội Nông dân xã Diễn Hùng.
- Sơn La: Nâng cao kỹ năng phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị cho cán bộ, hội viên nông dân
- Tổ chức thành công Hội thi “Nông dân Tuyên Quang với chuyển đổi số”
- Hải Dương: Giải bóng chuyền “Bông Lúa vàng” lần thứ XIII, cup Agribank năm 2024 sân chơi giải trí của nông dân
- Nông dân Nghệ An liên kết nuôi ong lấy mật theo chuỗi