Nông dân Hà Nội sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, góp sức xây dựng nền nông nghiệp Thủ đô hiện đại
Nhiều mô hình hay, cách làm mới, thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa
Thông qua nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), hàng nghìn lượt hộ nông dân trên địa bàn Thành phố Hà Nội đầu tư mở rộng sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, liên doanh, liên kết phát triển theo hướng hàng hóa, xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình kinh tế giá trị kinh tế cao; đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.
Các cấp Hội đã triển khai cho vay 157 dự án vay vốn xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác, hợp tác xã và 499 dự án xây dựng các chi, tổ hội Nông dân (ND) nghề nghiệp với số tiền hơn 496 tỷ đồng cho 11.368 hộ vay từ nguồn vốn Quỹ HTND Thành phố quản lý. Nguồn vốn Quỹ HTND các cấp được sử dụng ngày càng hiệu quả, thiết thực, hỗ trợ nhiều hộ nông dân vươn lên làm giàu.
Trong những năm qua, Quỹ HTND huyện Gia Lâm đã phát huy vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ vốn, giúp nông dân cải thiện sản xuất, tăng thu nhập và góp phần thực hiện các mục tiêu quốc gia như giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội.
Hiện tại, tổng nguồn vốn Quỹ HTND huyện quản lý đạt 43,9 tỷ đồng, trong đó quỹ cấp thành phố ủy thác là 32 tỷ đồng, quỹ huyện 9,4 tỷ đồng và 2,3 tỷ đồng vận động từ các xã. Quỹ đã giúp thành lập 188 tổ hợp tác với 1.652 thành viên, 11 hợp tác xã và 141 tổ hội nghề nghiệp, mang lại việc làm ổn định cho trên 20.000 hội viên với thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng trở lên. Đặc biệt, các hộ dân tham gia các dự án vay vốn đã hình thành chuỗi giá trị sản xuất, giúp ổn định giá cả và giảm tình trạng tư thương ép giá.
Xác định phải làm quy mô lớn, tạo ra sản phẩm hàng hóa thì người nông dân mới thoát nghèo nên bà Cao Thị Thủy ở Ứng Hòa đã vay 300 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn để đứng ra thuê đất, thành lập HTX Sản xuất kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết, huyện Ứng Hòa chất lượng cao. Từ chỗ chỉ cấy phần diện tích của gia đình, đến nay bà Thủy đã canh tác trên 300ha lúa thương phẩm, năng suất bình quân đạt từ 60 đến 70 tạ/ha.
HTX còn đầu tư nhiều tỉ đồng để mua sắm hệ thống máy sấy, máy xay, máy xát, máy đánh bóng, máy bắn màu công suất lớn thay thế cho hệ thống máy “hàng xáo” kiểu cũ để có thể lọc ra những hạt bị vỡ và tạp chất. Nhờ đó, hạt gạo sau chế biến vừa có hình thức đẹp, có chất lượng tốt đã đạt tiêu chuẩn để nhập vào các kênh siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch và trong tương lai là xuất khẩu.
Khi đã phát triển hơn, HTX mở rộng dần quy mô sản xuất, không chỉ liên kết với nông dân trong xã mà còn với các nông dân, HTX khác trong huyện Ứng Hòa. Tổng diện tích liên kết sản xuất lúa J02 của HTX khoảng 300-400 ha mỗi vụ. Với giá thu mua ổn định thóc tươi ngay tại trên đồng khoảng 7.000 đồng/kg (cao hơn giá lúa thông thường 400-500đ/kg) và năng suất cao hơn 20-30 kg/sào, nông dân liên kết cùng HTX đã có mức lãi khá, khoảng xấp xỉ 1 triệu đồng/sào. Người nông dân tham gia mô hình chuyên canh của bà Thủy đã không còn cảnh lo chạy ăn từng bữa, giờ đây họ đã có thu nhập cao.
Hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ số
Bên cạnh việc giúp nông dân vay vốn, các cấp Hội còn tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên, nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học, công nghệ; cung ứng vật tư, thiết bị nông nghiệp nhằm phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn Quỹ HTND. Theo đó, các cấp Hội phối hợp tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật cho gần 133.200 hội viên nông dân, cán bộ hợp tác xã, tổ hợp tác về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả, rau an toàn, chăn nuôi gia súc gia cầm và các biện pháp kỹ thuật phòng chống dịch bệnh...
Đồng thời, phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức, năng lực, kỹ năng số cho nông dân; hướng dẫn, hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong phát triển kinh tế nông nghiệp, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử cho 4.800 hội viên tham gia. Hội ND thành phố chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thị Hội xây dựng các mô hình sáng kiến “Mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số, hỗ trợ chuyển đổi số cho nông dân” theo Quyết định 4098/QĐ-UBND ngày 6/9/2021 của UBND Thành phố Hà Nội; Tuyên truyền, vận động hỗ trợ 7.400 hộ nông dân có tài khoản trên các sàn thương mại điện tử.
Đến nay, trên địa bàn thành phố đã hình thành được 400 vùng sản xuất chuyên canh, 159 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Các chuỗi liên kết đã góp phần rất lớn trong việc bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân vùng sản xuất rau. Ngoài ra, các cơ sở Hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên nông dân tham gia các điểm kết nối giới thiệu trưng bày và xúc tiến thương mại sản phẩm nông nghiệp và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Sản xuất nông nghiệp của Hà Nội chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng quy mô lớn, chuyên canh, hiên đại, năng suất chất lượng cao, thân thiện với môi trường.
HTX Nông nghiệp Xứ Đoài (xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai) đã đầu tư làm nhà màng cho toàn bộ diện tích nho và áp dụng phương pháp tưới nước nhỏ giọt cung cấp dinh dưỡng đến từng gốc nho, giữ ẩm cho đất và giảm chi phí công lao động.
Sau hơn 2 năm chăm sóc, đến nay cây nho hạ đen đã cho hiệu quả kinh tế cao, gấp hàng chục lần so với rau màu truyền thống. Đây cũng là cơ sở để chủ hộ trang trại nho Xứ Đoài mạnh dạn kêu gọi thêm vốn, tích tụ ruộng vườn để hình thành HTX Nông nghiệp Xứ Đoài. Nhờ được vay vốn ưu đãi, nhiều hội viện đã mạnh dạn đổi mới tư duy trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị cho nông sản Thủ đô, mang lại đời sống mới cho người nông dân, tạo ra diện mạo mới cho nền nông nghiệp Thủ đô.
Bà Đỗ Thị Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Hội ND huyện Quốc Oai cho hay: “Chúng tôi luôn hỗ trợ các hội viên tiếp cận ứng dụng công nghệ chuyển đổi số (CĐS) trong sản xuất nông nghiệp. Mô hình sản xuất nho hạ đen ở xã Cộng Hòa cũng đã triển khai phần mềm quản lý các đầu vào của trang trại như: quản lý phân bón và giúp người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc khi sử dụng sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bà Phạm Hải Hoa - Chủ tịch Hội ND TP Hà Nội cho biết, những tháng cuối năm 2024, Hội ND các cấp tiếp tục phát động thực hiện các phong trào thi đua, cuộc vận động trong cán bộ, hội viên nông dân, duy trì phối hợp với các ngành chức năng triển khai các chương trình, đề án về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân; xây dựng mô hình kinh tế tập thể, thành lập các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp; tích cực tham gia thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt là quan tâm hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX, tổ hợp tác tiếp cận vay vốn từ Quỹ HTND phát triển HTX và các nguồn vốn tín dụng khác để đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất, kinh doanh; xây dựng các điểm giới thiệu sản phẩm nông nghiệp và các ngành nghề truyền thống của khu vực kinh tế tập thể nhằm hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác quảng bá, liên doanh, liên kết, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa nông nghiệp.
- Tuyên Quang: Chi, tổ hội nghề nghiệp phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi
- Bà Rịa – Vũng Tàu: Triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững
- Nông dân Tam Đường mở rộng sản xuất nhờ vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân
- Kênh dẫn vốn, giúp nông dân yên tâm mở rộng sản xuất và làm giàu