Sống khỏe

Nông dân Vĩnh Phúc tham gia đẩy lùi bệnh lao

Phạm Quang Ninh - 07:12 29/10/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Thời gian qua, Hội Nông dân (ND) tỉnh Vĩnh Phúc đã tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân và nhân dân trên địa bàn hiểu rõ một số dấu hiệu nhận biết bệnh nhân lao và biết cách phòng, chống bệnh lao, nhằm kịp thời phát hiện điều trị sớm bệnh lao sẽ mang lại hiệu quả cao nhất, hạn chế lây nhiễm cho gia đình và cộng đồng.

Tuyên truyền phòng lao bằng lồng ghép tư vấn hỗ trợ nông dân
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống lao, Hội ND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Kế hoạch 209-KH/HNDT về tuyên truyền, vận động nông dân tham gia triển khai Chiến lược phòng chống lao giai đoạn 2021-2025 nhằm chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. 
Năm 2023, Tổ phòng chống lao Hội ND tỉnh Vĩnh Phúc triển khai công tác phòng chống lao tại 14 cơ sở Hội gồm: Xã Hương Sơn, Trung Mỹ và Phú Xuân (huyện Bình Xuyên); xã Yên Lập, Kim Xá, Yên Bình, Bình Dương và Thị trấn Thổ Tang (huyện Vĩnh Tường); xã Bản Giản, Đồng Ích (huyện Lập Thạch); xã Hồ Sơn, Thị trấn Hợp Châu (huyện Tam Đảo); xã Nguyệt Đức (huyện Yên Lạc).
Để nâng cao nhận thức của người dân về bệnh lao, Hội ND tỉnh đã tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia vào công tác phòng, chống lao. Từng bước nâng cao hiểu biết của người nông dân về phòng, chống lao là quyền lợi và trách nhiệm của mọi người, không dấu bệnh và không kỳ thị người mắc bệnh lao. 

Một buổi tọa đàm về phòng chống lao tại cộng động được Hội ND tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp thực hiện năm 2022.
Hội tăng cường hoạt động truyền thông với nhiều hình thức như: Tổ chức mít tinh, diễu hành sử dụng băng-rôn tại nơi công cộng, phát tờ rơi cho các hộ gia đình, tuyên truyền trên đài truyền thanh, truyền hình, trên báo, website, trên hệ thống loa truyền thanh của xã, phường, thị trấn; thôn, làng… Đưa công tác giáo dục truyền thông đi vào chiều sâu, vận động cam kết cộng đồng, xã hội hóa công tác phòng, chống lao; Phát huy vai trò của cán bộ chi, tổ hội khuyến khích nông dân phát hiện lao sớm và vận động người có dấu hiệu nghi mắc lao đến xét nghiệm tại các cơ sở y tế để cắt đứt nguồn lây lao trong cộng đồng.
Phát huy vai trò của các cấp Hội ND các cấp trong công tác phòng chống lao, bên cạnh phát hiện lao sớm người mắc lao, lao tiềm ẩn, giám sát điều trị đúng phác đồ, Hội đã vận động xóa bỏ kỳ thị, lồng ghép các hoạt động tư vấn, dịch vụ hỗ trợ nông dân để hỗ trợ bệnh nhân lao, gia đình bệnh nhân tổ chức sản xuất, chăn nuôi có hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống, có điều kiện chăm sóc sức khỏe, thực hiện điều trị thành công. 
Hội ND tỉnh Vĩnh Phúc duy trì sinh hoạt mô hình điểm ''Chi hội nông dân phát hiện sớm người nghi mắc lao vận động nông dân nghi mắc lao đi khám và điều trị lao theo DOTS'' tại các thôn và mô hình chi hội nông dân “Phát hiện lao sớm” để xoá bỏ kỳ thị, giáo dục đồng đẳng nhằm nâng cao nhận thức về phòng chống bệnh lao cho cán bộ, hội viên nông dân, từng bước nâng cao kiến thức tuyên truyền vận động hội viên nông dân để nhân rộng mô hình.
Hiệu quả của hoạt động phòng chống lao
Hội ND tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp dự án Quỹ toàn cầu Phòng chống lao tập huấn cho cán bộ Hội các cấp về công tác phòng chống lao khu vực nông thôn; tổ chức 2 hội nghị tuyên truyền công tác phòng chống lao cho chi hội trưởng cơ sở; lồng ghép 23 hội nghị cho 2.500 người tham gia tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT, hướng dẫn trồng cây nho, cây cà chua ghép…, chăn nuôi; giúp đỡ hội viên nông dân vay vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân, Ngân hàng Chính sách – Xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vay vốn để chăn nuôi phát triển sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội; tư vấn hỗ trợ các thông tin, kiến thức về phòng chống lao cho 2.574 người, nghi mắc lao vận động đi khám cho 2.512 lượt người; tổ chức thăm hỏi 960 lượt bệnh nhân ốm đau nghi mắc lao, điển hình có hộ ông Trần Văn Nhung và các bà Trần Thị Lương, Trần Thị Phương Lan (xã Bản Giản, huyện Lập Thạch); hộ Nguyễn Văn Hiển, Trần Văn Sinh (huyện Tam Đảo)… 
Để tăng cường công tác phòng chống lao, Hội ND các cấp trong tỉnh đã phối hợp với ban ngành liên quan thực hiện đồng bộ các hoạt động của chương trình phòng chống lao, tăng cường công tác kiểm tra giám sát từ xã đến thôn và từng người bệnh và góp phần đánh giá chính xác hiệu quả công tác phòng chống lao nâng cao chất lượng, khám chữa bệnh, có kế hoạch tổ chức đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác phòng chống lao. Tiến độ thực hiện kế hoạch dự án Quỹ toàn cầu vòng 9 phòng chống lao năm 2023 về cơ bản các nội dung, hạng mục trong dự án đã được tổ phòng chống Hội Nông dân tỉnh triến khai đảm bảo tiến độ, hiệu quả. Duy trì sinh hoạt tại các chi hội làm điểm để tiếp tục tuyên truyền, cung cấp thông tin diễn biến tình hình bệnh lao cho cán bộ hội viên nông dân. 
Đặc biệt, các trạm y tế cơ sở tham gia rất tích cực giúp tổ chức Hội ND cấp xã hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện dự án theo kế hoạch của chi hội phát hiện lao sớm. Nội dung hoạt động của Dự án vòng 9 toàn cầu phòng chống lao Việt Nam, được Tổ phòng chống lao Hội ND Vĩnh Phúc chấp hành nghiêm túc, đồng thời chỉ đạo sát sao việc triển khai thực hiện theo đúng nội dung mục đích mà Trung ương phê duyệt, các nội dung dự án hoàn thành theo đúng tiến độ thời gian. 
Trong quá trình triển khai Hội ND đã phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế và lãnh đạo các xã triển khai mô hình, gắn trách nhiệm chỉ đạo, duy trì hoạt động của mô hình cho Đảng ủy, UBND xã. Hàng quý lập kế hoạch theo dõi và đánh giá kết quả, tiến độ thực hiện dự án. Việc triển khai thực hiện dự án đã được cấp uỷ và chính quyền địa phương quan tâm giúp đỡ và được các ban ngành đoàn thể nhiệt tình ủng hộ, góp phần ngăn chặn hạn chế số người mắc bệnh lao; xây dựng được nhiều mô hình, điển hình tiên tiến tham gia tuyên truyền về công tác phòng, chống bệnh lao đạt kết quả tốt. 
Tuy nhiên, công tác phòng chống lao còn gặp một số khó khăn trong quá trình triển khai, đó là, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, đặc biệt là nông dân ở vùng khó khăn, miền núi, dân tộc còn hạn chế, một số người  mắc lao lại là những hộ có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, người nghi mắc lao dấu bệnh không tự khám xét nghiệm và điều trị sớm; một số người mắc bệnh lao đang điều trị, tâm lý mặc cảm, thường kỳ thị xa lánh, một số người quan niệm không muốn tiếp xúc với bệnh nhân mắc lao.
 Để tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân tham gia công tác phòng chống lao, thời gian tới các cấp Hội cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ sau: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống lao trong nông thôn, nông dân, duy trì các hoạt động mô hình chi Hội ND phát hiện lao sớm; Vận động nông dân tương trợ, giúp đỡ bệnh nhân lao có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt nhóm đối tượng lao kháng thuốc; Phối hợp với ngành Y tế tự duy trì và mở rộng các mô hình, khám lưu động; Triển khai phòng chống lao gắn với lồng ghép với nhiệm vụ thường xuyên của Hội...

Tin cùng chuyên mục
Tin khác