Thảo luận

Nông nghiệp làm gì để “cất cánh” với công nghệ cao?

Minh Sơn - 09:00 25/06/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn)- Quốc hội khóa XV vừa kết thúc Đợt 1 của Kỳ họp thứ 5. Hàng loạt vấn đề quốc kế dân sinh được đặt lên bàn nghị sự với những trao đổi, tranh luận, phân tích thẳng thắn ở nhiều góc độ. Nông nghiệp, nông thôn, nông dân cũng không nằm ngoài sự quan tâm nơi nghị trường.

 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu giải trình nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm tại Kỳ họp thứ 5 liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Ảnh Minh Sơn

Song, điểm khác ở chỗ không còn nhiều ý kiến liên quan câu chuyện “được mùa mất giá”, “giải cứu nông sản” mà thay vào đó là sự trăn trở về nền nông nghiệp công nghệ cao – là điểm tựa, cú huých mạnh cho nền nông nghiệp cất cánh, chiếm ưu thế trong cạnh tranh trên thị trường, gia tăng giá trị sản phẩm và thu nhập của người làm nông nghiệp.
Đổi mới tư duy để vượt khó 
Báo cáo của Chính phủ cho thấy, năm 2022, khu vực nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh lương thực quốc gia; KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nhất là công nghệ cao được chuyển giao và ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp ngày càng nhiều, là động lực chủ yếu tạo giá trị gia tăng và chuyển đổi mô hình tăng trưởng. 
Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được Bộ NN&PTNT nhấn mạnh tích cực triển khai và đạt nhiều kết quả, phát huy lợi thế so sánh, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng tăng trưởng. Chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất, cơ cấu kinh tế nông  nghiệp, nông thôn; nông nghiệp chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, năng suất và chất lượng ngày càng cao; an ninh lương thực quốc gia được  bảo đảm, góp phần quan trọng xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập và cải  thiện đời sống người dân nông thôn.  
Toàn ngành đã tổ chức quán triệt, tổ chức thực hiện chỉ đạo của  Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với quyết tâm cao, nỗ lực lớn vươn lên, thực  hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, sáng tạo, “đổi mới tư duy” để vượt qua khó khăn, thách thức từ các “tình huống bất bình thường” của thực tiễn sản xuất, kinh doanh nông- lâm- thủy sản nhằm đạt các mục tiêu phát  triển. Vì vậy, giá trị gia tăng toàn ngành (GDP) năm 2022 tăng cao nhất trong  những năm gần đây, đạt 3,36% (nông nghiệp tăng 2,88%; thủy sản tăng 4,43%, lâm nghiệp tăng 6,13%); tỷ lệ che phủ rừng 42,02%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới 73,06%; kim ngạch xuất khẩu toàn ngành trên 53,53 tỷ USD. 
Trước diễn đàn Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định khu vực nông nghiệp phát triển ổn định. Điều đó thể hiện trong 5 tháng đầu năm xuất khẩu gần 3,9 triệu tấn gạo, trị giá gần 2,1 tỷ USD (tăng 40,8% về lượng và tăng 52% về giá trị); năng suất lúa Đông Xuân ước tăng 1,5 tạ/ha; sản lượng ước đạt 20,2 triệu tấn; sản lượng thủy sản đạt trên 3,4 triệu tấn, tăng 1,4% so cùng kỳ.
Kết quả là tích cực, song ngành Nông nghiệp còn thiếu tự chủ, phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu dẫn đến khó khăn khi giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, ảnh hưởng đến thu nhập, sinh kế, đời sống của người sản xuất. Nơi nghị trường, nhiều ý kiến cũng đề nghị cần đặc biệt chú trọng đến các giải pháp cho ngành kinh tế quan trọng này, khi chiếm gần 20% GDP, liên quan rộng đến nhiều bộ phận xã hội trong cả nước, 54% dân số lao động và gần 35% diện tích đất của cả nước, vừa là ngành chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu lại đồng thời là ngành tạo ra lượng phát thải lớn chiếm 10 đến 25%.
Việt Nam đã làm chủ, áp dụng thành công nhiều công nghệ sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đem lại hiệu quả. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa đã tăng từ 19% vào năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020. Như Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt trả lời chất vấn trước Quốc hội, công nghệ cao ứng dụng cho nông nghiệp là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Bộ KH&CN kết hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT triển khai các biện pháp về khoa học, công nghệ, về đổi mới, sáng tạo, đặc biệt là công nghệ cao để ứng dụng, đạt hiệu quả cao nhất cho phát triển nông nghiệp.
Đến thời điểm này rất nhiều doanh nghiệp đã tham gia các chương trình, ứng dụng nhiều công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp. Trên 70% trong khoảng 690 vùng sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chí vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Có gần 2.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao. Con số phấn khởi được báo cáo trước Quốc hội là kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2022 đạt 53,2 tỷ USD (năm 2.000 là 41,25 tỷ USD). Đây là thành tựu chung của ngành Nông nghiệp, đương nhiên có phần đóng góp của khoa học, công nghệ.
Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp mới chỉ tập trung tại một số vùng sản phẩm có thế mạnh và một số doanh nghiệp lớn. Nhiều khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được thành lập nhưng triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật còn chậm, chưa hoạt động đầy đủ. Nói cách khác, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của nước ta còn khiêm tốn. 
Câu hỏi nguyên nhân do đâu, vướng mắc chỗ nào, giải pháp là gì trong thời gian tới, Việt Nam đang đứng ở đâu so với các nước trong khu vực và thế giới về ứng dụng công nghệ cao phát triển nông nghiệp, thậm chí cả trách nhiệm thuộc về ai, được nhiều Đại biểu Quốc hội đặt ra thẳng thắn khi thảo luận kinh tế - xã hội, góp ý dự thảo luật cũng như chất vấn các thành viên Chính phủ.
Đừng nghĩ sai mới có hướng đi đúng
Chủ trương đã rõ, mục tiêu được đặt ra, ý nghĩa và hiệu quả không thể phủ nhận, song cơ quan có trách nhiệm thừa nhận ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp vẫn còn nhiều rào cản. Trước hết cần nguồn vốn rất lớn để xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư sản xuất, đào tạo nhân lực nhưng việc tiếp cận nguồn vốn không đơn giản. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiềm ẩn nhiều rủi ro trong khi vẫn thiếu các công cụ phòng ngừa và hạn chế rủi ro (như bảo hiểm nông nghiệp, quỹ đầu tư bảo hiểm công nghệ cao). 

Đến nay, trên toàn quốc đã có 6.009/8.211 xã (73,2%) đạt chuẩn NTM; 837 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 105 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; bình quân cả nước đạt 17,1 tiêu chí/xã; 255 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM (đạt 39,6% số huyện cả nước). 18 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn NTM; công nhận 8.340 sản phẩm OCOP với 4.273 chủ thể tham gia.
63/63 tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm, công nhận 9.566 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 65,9% sản phẩm 3 sao, 33,3% sản phẩm 4 sao,  0,7% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 20 sản phẩm 5 sao. Đã có 4.973 chủ thể OCOP.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, để triển khai các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao một cách hiệu quả, hiện nay Bộ KH&CN phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNN đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ việc sửa Nghị định 99 về quy chế Khu công nghệ cao, trình Chính phủ ban hành thời gian tới, để có những chính sách, cơ chế rất đặc thù nhằm phát triển các khu công nghệ cao, trong đó có khu nông nghiệp công nghệ cao.
Làm rõ hơn vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là vấn đề được quan tâm, trăn trở rất nhiều. Đặt vấn đề phải chăng đang có sự nhầm lẫn “khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” với khu công nghiệp công nghệ cao, vì đa phần quy hoạch rồi kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà màng, nhà lưới, tưới nhỏ giọt, cộng thêm một chút tự động hóa, ông bày tỏ: “Tôi không nghĩ như vậy!”.
Khu nông nghiệp công nghệ cao là nơi nghiên cứu, thực nghiệm và lan tỏa những thành tựu mới nhất trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất chỉ là phụ. Những thành quả nghiên cứu, thực nghiệm có kết quả mới đưa ra vùng nông nghiệp hay chuyển giao cho bà con nông dân ở từng mức độ. “Đừng nhầm lẫn giống như khu công nghiệp là chúng ta cứ kêu gọi là người ta đến đó sản xuất” – ông nói.
Phân biệt nữa, theo ông Lê Minh Hoan, thế nào là “cao”? Có nước xem đó là nền nông nghiệp công nghệ, tức bất kỳ một công nghệ nào phù hợp với trình độ sản xuất, năng lực sản xuất ở từng thời điểm, tạo ra giá trị, chất lượng và đạt được giá trị tối ưu trên sản phẩm nông nghiệp để cạnh tranh được trên thị trường, tạo ra thu nhập cho người nông dân thì người ta đều xem đó là nông nghiệp công nghệ hay là nông nghiệp công nghệ cao. Chúng ta không thể lấy nông nghiệp công nghệ cao của những tập đoàn lớn để ứng dụng cho từng hộ nông dân trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long được, kể cả lĩnh vực thủy sản, chăn nuôi cũng thế.
Chia sẻ câu chuyện một tỉnh phía Bắc cũng muốn có khu nông nghiệp công nghệ cao, ông Lê Minh Hoan cho biết: “Tôi nói phải bình tĩnh, định vị lại nó là gì, phương thức đầu tư, hợp tác công tư thế nào, quản trị ra sao. Rất nhiều địa phương bây giờ bắt đầu đề nghị Chính phủ phải có vốn đầu tư hạ tầng, cho rằng do không có kinh phí đầu tư hạ tầng nên doanh nghiệp không vào. Tôi nghĩ không phải như vậy, chúng ta đừng nghĩ sai!”. 
Lý giải con đường đưa thành tựu khoa học, công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp đến với bà con nông dân, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đánh giá, có lẽ Trung tâm Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Thành phố Hồ Chí Minh là thành công nhất. Đó là nơi nghiên cứu, thực nghiệm, lan tỏa và kể cả đào tạo, huấn luyện cho những thành phần tiếp nhận thành quả nghiên cứu từ viện, trường nằm ở trong khu nông nghiệp công nghệ cao. Như vậy, lõi của khu nông nghiệp công nghệ cao phải từ các viện, trường và hệ sinh thái bên cạnh là các doanh nghiệp sẵn sàng đón nhận kết quả nghiên cứu để nhân ra và chuyển giao, cùng người nông dân hợp tác.
Hướng đi phải phù hợp đặc thù nông nghiệp Việt Nam
Những nông trại lớn đã tiếp cận ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao từ lâu. Nhờ thế chúng ta trở thành quốc gia xuất khẩu tới hơn 150 nước thế giới. Nhó đó ngành hàng lúa gạo đứng top đầu thế giới, cà phê cũng đứng nhất, nhì. 
Những thành tựu khoa học, công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp trong thời gian qua đạt được khá lớn. Minh chứng bằng sức sống của nền nông nghiệp là trụ đỡ, là lợi thế quốc gia như trong Nghị quyết của Đảng. Tuy nhiên, chắc chắn chúng ta không tự bằng lòng với kết quả đó.

Phòng nuôi cấy mô tại Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM Ảnh  Nguyễn Thủy
Câu hỏi khó nhất mà các đại biểu quan tâm làm sao phủ tri thức, khoa học công nghệ trên những cánh đồng, bờ ao của bà con nông dân. “Đây là câu hỏi mà tôi cũng rất trăn trở” – ông Lê Minh Hoan bày tỏ, đồng thời cho rằng phải chia ra nhiều cấp độ.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp và ngành Nông nghiệp cũng đang bắt đầu hành trình tìm kiếm con đường từ viện, trường ra các tổ chức khuyến nông để đưa đến cộng đồng thông qua những mô hình chuyển giao trực tiếp cho người dân, tạo ra giá trị cho nền kinh tế và thu nhập của người dân.
Muốn vậy, các viện, trường cũng phải mở ra, chứ không phải khép kín lại để chỉ nghiên cứu rồi để đó, rồi loay hoay. Bộ NN&PTNT cùng với Bộ KH&CN sẵn sàng tạo ra, kích hoạt một thị trường sau khi những sản phẩm đó nghiên cứu có thể khả thi, đi vào đời sống.
Điều mà vị tư lệnh ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn mong muốn là cần làm ở những cấp độ vừa phải, phù hợp với nguồn lực của đất nước “trong bối cảnh đang trong quá trình mày mò một con đường đi”. Cần có những cấp độ nghiên cứu từ trung ương, xuống địa phương, tới cộng đồng; kết hợp giữa nghiên cứu của các đơn vị sự nghiệp công lập với các doanh nghiệp, khi đó sức mạnh tăng thêm và các doanh nghiệp sẽ sẵn sàng thương mại hóa tất cả những sản phẩm, nghiên cứu để đưa đến người nông dân qua con đường ngắn nhất. 
Chúng ta phải nhìn nông nghiệp công nghệ cao với đặc thù của nền nông nghiệp Việt Nam để tìm ra hướng đi. Bên cạnh nghiên cứu của viện, trường còn có nghiên cứu của những người nông dân, “nhà khoa học chân đất”, kết hợp lại sẽ phủ tri thức, phủ khoa học công nghệ trên những cánh đồng, bờ ao của bà con nông dân.

Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 27/01/2021 của Thủ tướng Chính  phủ về việc Phê duyệt Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030: 
- Phát triển và làm chủ được một số công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp, ứng dụng có hiệu quả vào hoạt động sản xuất sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao quy mô hàng hóa. Tạo ra và đưa vào sản xuất được ít nhất 8-10 giống cây trồng vật nuôi chủ lực có năng suất cao, chất lượng tốt, khả năng chống chịu vượt trội; 8-10 quy trình công nghệ tiên tiến; 8-10 chế phẩm sinh học, vật tư, máy móc, thiết bị mới phục vụ sản xuất nông nghiệp. 
-Thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến để sản xuất một số sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao; góp phần đưa tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 đạt trên 20%, đến năm 2030 đạt 30%; góp phần thúc đẩy tốc độ tăng năng suất lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt bình quân từ 7,0 đến 8,0%/năm. 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác