Nông nghiệp Việt Nam: Nhìn lại 1 năm vượt khó
Năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng phát trên Thế giới đã làm trầm trọng thêm khó khăn đã có từ trước, chủ yếu làm giảm sút các hoạt động kinh tế, dẫn đến mất thu nhập, giảm sức mua hộ gia đình và gây gián đoạn hệ thống cung cấp lương thực, thực phẩm.
Năm 2021, đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, làm thay đổi sâu sắc trật tự, cấu trúc kinh tế và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Các nền kinh lớn là thị trường chủ yếu của nông sản Việt Nam vẫn phải chống chọi với đại dịch. Bên cạnh đó là những khó khăn do dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi cần thời gian dài để xử lý.
Tuy nhiên trong bối cảnh đó ngành Nông nghiệp vẫn đạt được những thành tựu nổi bật. Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng ngành Nông nghiệp năm 2021 đạt 2,9%, cao hơn mức tăng trưởng bình quân cả nền kinh tế (2,58%). Đây là lần thứ ba kể từ đổi mới, tăng trưởng nông nghiệp vượt tăng trưởng chung, tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong ổn định xã hội và là nền tảng quan trọng góp phần phát triển nền kinh tế đất nước nhất là trong những lúc khủng hoảng xảy ra. Hai lần tăng trưởng nông nghiệp vượt tăng trưởng chung trước đây là khi kinh tế Việt Nam gặp khó khăn thời điểm đổi mới và khủng hoảng tài chính châu Á cuối thập niên 1990.
Ngành Nông nghiệp đang chuyển dịch theo hướng gắn với thị trường. Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp từ năm 2013, đến năm 2021 (xem hình 1), tỷ trọng giá trị gia tăng lĩnh vực thủy sản tăng từ 20,4 lên 22%, tỷ trọng giá trị gia tăng lĩnh vực lâm nghiệp tăng từ 3,7 lên 4,4%, tỷ trọng giá trị gia tăng lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi giảm từ 75,9 xuống 72,6% trong tổng GDP ngành Nông nghiệp. Mục tiêu an ninh lương thực được đảm bảo vững chắc, là điều đặc biệt ý nghĩa về chính trị, xã hội trong thời kỳ khó khăn. Mặc dù diện tích gieo trồng lúa giảm khoảng 39 nghìn héc-ta so với năm 2020 nhưng do tăng năng suất nên sản lượng lúa cả năm 2021 đạt 43,9 triệu tấn, tăng 1,1 triệu tấn; đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước, chế biến, sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu.
Với thị trường xuất khẩu, tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại song phương và đa phương, xây dựng và triển khai các giải pháp mở cửa thị trường, thúc đẩy lưu thông, thương mại nên giá trị xuất khẩu nông sản năm 2021 đạt mức cao kỷ lục 48,7 tỷ đô la Mỹ, tăng 14,9% so với năm 2020. Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là 4 thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam và đều tăng mạnh tỷ trọng trong tổng giá trị xuất khẩu năm 2021. Giá trị xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng 27,3%, (tăng 23,2%), Trung Quốc chiếm 19,3% (tăng 13,6%); Nhật Bản chiếm 6,9% (tăng 4,7%) và Hàn Quốc chiếm 4,4% (tăng 11,4%) (xem hình 2).
Với thị trường trong nước, nhờ các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, chủ động phối hợp, hỗ trợ giữa các bộ ngành và các địa phương trong công tác giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ, xúc tiến thương mại nông sản đặc sản địa phương, tổ chức kết nối tiêu thụ nông sản vào các hệ thống siêu thị và đẩy mạnh tham gia các sàn thương mại điện tử uy tín nên đã giúp khắc phục được phần nào hậu quả do đứt gãy chuỗi cung ứng cả trong và ngoài nước. Vai trò của kinh tế số mang lại nhiều tác động tích cực khi giúp cung cấp nhiều thông tin hơn, tiết kiệm thời gian, giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh, thúc đẩy chuyển đổi phương thức sản xuất, kinh doanh.
Trong năm 2021 đã thành lập mới 1.250 hợp tác xã nông nghiệp, nâng tổng số lên 19.100 hợp tác xã và 78 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp; thành lập mới và trở lại hoạt động 1.640 doanh nghiệp, nâng tổng số lên trên 14.400 doanh nghiệp nông nghiệp. Xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung ứng nông sản an toàn với 1.644 chuỗi (tăng 32 chuỗi so với năm 2020) với sự tham gia của trên 150 hợp tác xã, 300 doanh nghiệp, bao gồm một số tập đoàn lớn.
Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới tăng từ 62,2% vào cuối năm 2020 lên 68,2% vào cuối năm 2021, số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn tăng từ 178 lên 211 đơn vị. Có thêm 3 tỉnh, thành phố với 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn. Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP có tốc độ phát triển mạnh mẽ, số lượng địa phương tham gia, số lượng, chất lượng sản phẩm liên tục tăng; đã đánh giá, phân hạng và công nhận 5.320 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (gấp 1,66 lần so với năm 2020).
Năm 2021 cũng là năm của đổi mới cách tiếp cận, thay đổi tư duy và định hình tương lai nông nghiệp nông thôn, thể hiện trong văn kiện Đại hội Đảng XIII và được cụ thể hóa trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các văn bản Chiến lược của từng lĩnh vực. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn được khẳng định có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Nông nghiệp là lợi thế, nền tảng bền vững của quốc gia. Nông thôn là địa bàn phát triển kinh tế quan trọng, không gian chính gắn với tài nguyên thiên nhiên, nền tảng văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước. Nông dân là lực lượng lao động và nguồn tài nguyên con người quan trọng.
Mặc dù vậy, năm 2021 cũng là một năm đầy khó khăn, thách thức. Nhập khẩu tăng, đặc biệt là kim ngạch nhập khẩu các nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước tăng kỷ lục như kim ngạch nhập khẩu đậu tương là 1,2 tỷ đô la Mỹ, tăng 52,1%; ngô 2,9 tỷ đô la Mỹ, tăng 20,3%; lúa mì 1,36 tỷ đô la Mỹ, tăng 80,6%; hạt điều 4,2 tỷ đô la Mỹ, tăng 133%; phân bón 1,47 tỷ đô la Mỹ, tăng 54,4%; thức ăn chăn nuôi 4,86 tỷ đô la Mỹ, tăng 26,5% so với năm 2020, thặng dư thương mại nông sản giảm, chi phí sản xuất trong nước tăng do giá các sản phẩm nguyên liệu đầu vào tăng mạnh như giá nhập khẩu bông tăng 23,8%, giá hạt điều thô tăng 16,5%, giá lúa mì tăng 14,1%, ngô tăng 44,9%, giá phân bón các loại tăng 28,5%, giá đậu tương tăng 41,5%. Chi phí logistics cho thương mại nông sản tăng quá cao, đặc biệt là giá vận chuyển container trên một số tuyến chính đều tăng trên 100%, có nơi trên 200%. Năm 2020, giá cước container hàng xuất khẩu sang bờ Đông nước Mỹ chỉ khoảng 3.500-4.000 đô la Mỹ/ container, cuối năm 2021 đã tăng lên 18.000 đô la Mỹ/ container). Điều này ảnh hưởng rất lớn tới thu nhập người nông dân và đơn vị sản xuất kinh doanh. Xuất khẩu nông sản trong năm 2021 đạt kỷ lục nhưng vẫn còn tình trạng đóng băng tại cửa khẩu biên mậu tại một số thời điểm và những ngày cuối năm 2021 có hàng ngàn xe hàng bị tắc lại tại các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc, ảnh hưởng nặng nề tới các doanh nghiệp và người nông dân (xem hình 3).
Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 đã ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống của người lao động, doanh nghiệp và hộ gia đình cả nước nói chung và trong khu vực nông nghiệp nói riêng. Thủy sản là lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch Covid-19. Tăng trưởng lĩnh vực thủy sản liên tục giảm từ 6,30% năm 2019 xuống 3,08% năm 2020 và nhờ sự nỗ lực toàn ngành năm 2021 đã đạt tăng trưởng dương 1,73% năm 2021 những vẫn còn rất thấp so với giai đoạn trước đại dịch Covid-19 (xem hình 4).
Khai thác hải sản bị ảnh hưởng, sản lượng khai thác đạt thấp vì nhiều tỉnh ven biển giãn cách xã hội, nhiều tàu cá ngừng sản xuất. Nuôi trồng thủy sản giảm thả nuôi vì thiếu giống, thiếu hụt nguyên liệu đầu vào như thức ăn, chế phẩm sinh học, lao động. Thị trường xuất khẩu thủy sản sang các nước đều giảm mạnh dẫn đến việc thu mua trong nước bị thu hẹp, giá bán sản phẩm giảm 15-20% so với năm 2020.
Nông thôn Việt Nam ngày càng phát triển, nhưng những khó khăn mang tính dài hạn vẫn chưa được khắc phục. Xu hướng già hóa lao động nông nghiệp, nông thôn vẫn tiếp tục. Người nông dân vẫn còn ít được đào tạo để làm việc một cách chuyên nghiệp. Chuyển dịch cơ cấu lao động sang công nghiệp dịch vụ hút đáng kể số lao động có kĩ thuật trong nông nghiệp, nhanh hơn tốc độ đào tạo của ngành. Sản xuất nông nghiệp chịu nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, thị trường nên rất khó thu hút đầu tư doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp lớn có thể làm đầu tàu cho chuỗi giá trị và giúp nông sản Việt Nam tiến lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Hạ tầng nông thôn những năm qua được cải thiện tốt nhưng ở những vùng sâu, vùng xa vẫn còn yếu và chưa kết nối với khu vực đô thị. Ô nhiễm môi trường nông thôn chưa có giải pháp xử lý triệt để và cần có chương trình dài hạn cho vấn đề này.
Dự báo năm 2022, tác động từ đại dịch Covid-19 có thể nhẹ hơn nhờ tăng diện bao phủ vaccine và cách ứng phó chủ động, bài bản hơn của cả hệ thống chính trị, xã hội thích nghi hơn với điều kiện bình thường mới. Việc kiểm soát tốt Covid-19 ở các nước đối tác chính của Việt Nam và xu hướng mở cửa để tái hội nhập sẽ tạo điều kiện cho thương mại nông sản. Tái cơ cấu nông nghiệp sẽ tiếp tục phát triển theo chiều sâu. Chuyển đổi số phát triển nhanh và là một trong những khâu đột phá lớn, góp phần tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Nông nghiệp tiếp tục hy vọng sẽ là động lực tăng trưởng kinh tế trong năm 2022, với mục tiêu tăng trưởng ngành trên 3%, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 50 tỷ đô la Mỹ. Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới sẽ được phê duyệt và các hoạt động sẽ tiếp tục được triển khai mạnh mẽ trên cả nước sẽ góp phần thúc đẩy khu vực nông thôn.
Tuy vậy cần cảnh giác với những nguy cơ tiềm ẩn như những biến thể virus Corona mới có khả năng làm giảm hiệu quả của vaccine, tăng trưởng kinh tế thế giới không đồng đều, chưa vững chắc, tỷ lệ lạm phát dự báo tăng mạnh, biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, cực đoan hơn, thiên tai khó lường, rủi ro hạn hán và xâm nhập mặn. Trong khi đó ngân sách Chính phủ khó khăn sau thời gian dài dành ưu tiên cho các gói hỗ trợ, chính sách tiền tệ phải tập trung cho mục tiêu kiểm soát lạm phát nên dư địa cho can thiệp chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn không còn nhiều.
Bên cạnh đó, những bất ổn về thị trường (cả xuất và nhập khẩu) sẽ là những thách thức rất lớn đối với toàn ngành và cần có những biện pháp kịp thời hơn, cần có sự phối hợp chủ động giữa các bộ ngành, địa phương trong công tác tiêu thụ nông sản cho bà con. Đây vẫn là vấn đề then chốt cần quan tâm trong năm 2022 nếu muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng ngành Nông nghiệp 3% và đạt kim ngạch xuất khẩu nông sản 50 tỷ đô la Mỹ.
- Cà Mau: GRDP nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước
- Bình Dương phấn đấu trở thành đô thị loại I và thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030
- Đến năm 2030, phấn đấu trên 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn trái áp dụng IPHM
- Vĩnh Long: Định hướng cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới