Học hỏi làm giàu

Nữ nông dân Ka Dong làm kinh tế giỏi

Đồng Xuân - 07:17 09/11/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Đó là chị Đinh Thị Bằng, dân tộc Ka Dong ở thôn Ra Long, xã Sơn Mùa (huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi). Nhờ siêng năng, chịu khó và ham học hỏi, biết vận dụng kiến thức khoa học kỹ thuật để trồng trọt, chăn nuôi mà mỗi năm chị thu lãi hơn 300 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 lao động nông nhàn ở địa phương với mức lương dao động từ 3 triệu – 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Chị Đinh Thị Bằng trong rừng keo lai của gia đình.

Tận dụng lợi thế để phát triển kinh tế 

Về thôn Ra Long hỏi thăm chị Đinh Thị Bằng thì ai cũng biết vì chị là một phụ nữ có tiếng siêng năng, cần cù và làm kinh tế giỏi. 

Trò chuyện với chúng tôi, chị Đinh Thị Bằng chia sẻ: “Tôi sinh ra và lớn lên ở xã vùng cao này nên tôi luôn thấu hiểu cuộc sống lam lũ, khổ cực của bà con dân tộc Ka Dong qua nhiều thế hệ nơi đây. Bản thân gia đình tôi trước đây cũng làm không đủ ăn. Chính vì thế tôi luôn trăn trở và mong muốn làm thế nào để thoát khỏi đói nghèo, vươn lên làm giàu trên chính quê hương của mình”. 

Tận dụng lợi thế của vùng đất đồi núi để phát triển kinh tế, chị Bằng bàn với chồng tích cực chăn nuôi và khai hoang diện tích đất mỗi ngày một ít, diện tích trồng keo đã lên đến hơn 10ha. Nhờ tích cực tìm hiểu và tích lũy kiến thức học được từ sách, báo, đài phát trên loa truyền thanh, chị áp dụng phương thức “lấy ngắn nuôi dài”, ngoài trồng keo chị còn trồng thêm chuối xen kẽ trồng mì (sắn), vừa có thêm thu nhập lại có nguồn thức ăn cho đàn gia súc.

Với bản tính cần cù, siêng năng và ham học hỏi, năm 2013, chị Đinh Thị Bằng đã được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ tham gia lớp học nghề thú y tại địa phương. Sau 3 tháng học nghề, chị Bằng đã vận dụng kiến thức học được và bắt tay vào việc mở rộng chuồng trại để chăn nuôi heo. Nhờ có kiến thức đã học nên công tác phòng, trừ dịch bệnh cho heo chị đã làm tốt và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Dựa trên những kết quả đạt được, chị bàn với chồng vay mượn vốn để đầu tư mở rộng chuồng trại và tăng đàn gia súc và khai hoang đất đồi để trồng rừng, lập trang trại. Đến năm 2015, gia đình chị Bằng chẳng những thoát nghèo mà rất khấm khá so với nhiều người dân trong làng. 

Nhờ cần cù và biết tiết kiệm chi tiêu nên vợ chồng chị có số vốn kha khá để mua thêm đất sản xuất và đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi. “Đến nay, gia đình tôi đã có 49,5ha rừng trồng keo lai; một đàn bò với 35 con lớn, nhỏ và chăn nuôi thêm heo nái và nhiều gà, vịt để tăng thêm nguồn thu nhập, giải quyết nhu cầu chi tiêu hàng ngày cho gia đình” - chị Đinh Thị Bằng phấn khởi cho hay.

Nhờ biết làm kinh tế với tư duy nhạy bén nên chị Bằng luôn là người năng động, biết tính toán hợp lý trong đầu tư sản xuất, chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế của năm sau cao hơn năm trước. Tính riêng từ năm 2020 đến nay mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng kinh tế gia đình chị Bằng vẫn giữ mức thu nhập ổn định, hàng năm sau khi trừ chi phí chị thu lãi hơn 300 triệu đồng và giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 lao động nông nhàn ở địa phương với mức lương giao động từ 3 triệu - 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Chị Đinh Thị Bằng chụp hình lưu niệm cùng đoàn đại biểu nông dân tỉnh Quảng Ngãi trong dịp đi tham dự Hội nghị biểu dương “Nông dân điển hình tiên tiến” toàn quốc lần thứ VII tại T4hủ đô Hà Nội.

Tích cực tham gia công tác xã hội

Không chỉ làm kinh tế giỏi mà chị Đinh Thị Bằng còn tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương. Chị là tấm gương nữ nông dân tiêu biểu trong các phong trào thi đua do chính quyền, đoàn thể phát động, chị luôn là người đóng góp đạt và vượt mức các nguồn quỹ như Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Vì người nghèo, Quỹ tham gia phòng chống dịch Covid-19 và đóng góp nhiều công sức trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương…  Có thể nói, chị Bằng được xem là một “mạnh thường quân” ở địa phương trong tổ chức hoạt động thiện nguyện. Từ những việc làm thiết thực của chị Đinh Thị Bằng nên người dân trong thôn luôn tin yêu, quý trọng. Chị được toàn thể bà con nhân dân trong xã tín nhiệm bầu là đại biểu Hội đồng Nhân dân xã qua các khóa VIII, IX, X và là công dân tiêu biểu trong phong trào Bảo vệ an ninh và trật tự an toàn ở địa phương. 

Ngoài ra, từ năm 2015 đến nay, chị luôn đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện và tỉnh; được nhận bằng khen, giấy khen của UBND xã, huyện…

Với những kết quả đạt được, trong năm 2022, chị Đinh Thị Bằng được bình chọn là một trong 6 nông dân xuất sắc tiêu biểu của tỉnh Quảng Ngãi, đại diện cho hội viên, nông dân đồng bào dân tộc thiểu số đi tham dự Hội nghị biểu dương “Nông dân điển hình tiên tiến” toàn quốc lần thứ VII tại Thủ đô Hà Nội. Trong dịp này chị Đinh Thị Bằng vinh dự được Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc nhiều năm liền trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2017 - 2022. 
 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác