Nông dân Hà Tĩnh hứng thú với mô hình nuôi cua nước lợ trong hộp nhựa
Những ngày cuối tháng 5, miền Trung nắng nóng như chảo lửa, người nuôi cua lo sợ tài sản của mình công cốc vì thời tiết thì anh Nguyễn Thanh Sơn lại thong thả chăm từng con cua, ngắm nhìn chúng lớn lên mỗi ngày và dễ dàng kiểm soát chúng qua mỗi lần cho cua ăn.
Vừa đi vừa nhìn mấy chú cua bò trong hộp nhựa, chị Phan Thị Lý vợ anh Sơn cho hay: “Đầu năm 2023, sau khi tìm hiểu các mô hình thông tin trên mạng gia đình bắt đầu mạnh dạn đầu tư gần 700 triệu đồng để xây dựng nhà nuôi cua. Với hệ thống nhà xưởng, hơn 300 hộp nhựa, máy bơm nước, máy diệt khuẩn, xây bể lắng”….
Chị Lý chia sẻ: Xuất phát từ kinh nghiệm nuôi cua quảng canh trong 3 năm nay nên bản thân hiểu được đặc tính của loài cua nước lợ. Tuy nhiên, nuôi cua quảng canh rất khó kiểm soát về dịch bệnh và chế độ ăn dẫn đến tỷ lệ con giống bị hao hụt chiếm hơn 40%, ảnh hưởng đến nguồn thu nhập. Nuôi cua trong hộp nhựa như thế này có nhiều lợi thế là mình kiểm soát được cua. Thức ăn là cá tươi có sẵn tại địa phương, giá rẻ, không tốn nhiều công lao động và đầu ra dễ tiêu thụ. Giá bán dao động từ 500.000đồng- 600.000 đồng/kg.
Trại nuôi cua công nghệ cao được gia đình chị đầu tư rất bài bản bằng hệ thống chuồng nuôi hộp nhựa. Mỗi hộp nhựa hình chữ nhật với chiều dài 40cm, rộng 22cm và cao 30cm, được chia thành 2 ngăn, mỗi ngăn nuôi 1 con. Cua có đặc tính ít vận động và ăn thịt lẫn nhau nên phải nuôi tách biệt để đảm bảo an toàn.
Đặc biệt, hệ thống có ưu điểm nổi bật là không cần nhiều lượng nước nhờ nguyên lý tuần hoàn, sục khí tạo oxy. Khi đưa nước vào hộp nuôi cua, thức ăn thừa và chất cặn bẩn thải ra và đi qua hệ thống lọc thô, sau đó ra bể vi sinh và hệ thống khử khuẩn.
Cua giống được chị Lý mua từ những người dân địa phương đánh bắt về bán, sau khoảng 45-60 ngày nuôi có thể bán khi trọng lượng mỗi con trung bình đạt 3-4gam. Nuôi cua trong hộp nhựa ước tính lãi gấp 3-4 lần và tiết kiệm được chi phí thức ăn, thu hoạch nhanh.
Nhấc con cua lên chị Lý cho biết: Việc nuôi cua nước lợ phải thường xuyên kiểm tra và đo các chỉ số nước nhằm đảm bảo điều kiện sống cho cua bởi trong hộp nhựa quan trọng nhất là nguồn nước phải đảm bảo đủ độ pH, độ mặn và nhiệt độ môi trường nước phù hợp, dao động từ 25 - 30 độ C.
Anh Phan Văn Thắng - Công nhân phụ trách kỹ thuật nuôi cua mô hình: "Nuôi cua trong hộp mỗi ngày chỉ cho ăn 1 lần. Thức ăn là những loại cá tươi, được mua của các ngư dân đánh bắt dưới biển về. Sau đó, thức ăn thừa được dọn sạch để đảm bảo vệ sinh. Sau hơn 1 tháng nuôi, nhờ đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, cua nuôi trong hộp nhựa sinh trưởng nhanh, tỷ lệ sống cao, đạt hơn 90%. Cứ 15 ngày cua lột một lần, mỗi lần lột, trọng lượng sẽ tăng 50g - 100g”.
Nói về thị trường tiêu thụ, chị Lý cho rằng: Hiện tại, đầu ra của sản phẩm là các nhà hàng trên địa bàn trong tỉnh. Họ đặt hàng trước nên khi của đến kỳ thu hoạch là mang đến cho họ. Mỗi kilogam cua thịt được bán với giá dao động từ 500 - 600 nghìn đồng, cua lột có giá cao hơn cua thịt vì có chất dinh dưỡng cao gấp 20% so với cua thịt.
Mô hình nuôi cua trong hộp nhựa của anh Phạm Thanh Sơn là mô hình tiên phong trên tỉnh Hà Tĩnh, mở ra hướng đi mới, có nhiều triển vọng. Đặc biệt mô hình phù hợp với những hộ gia đình muốn đầu tư nhưng chật hẹp về diện tích. Mô hình này đáp ứng nhu cầu về sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn và phù hợp với kinh tế hộ gia đình.