OCOP tạo khí thế mới cho làng nghề
Sau hơn 2 năm triển khai, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (tiếng Anh là One commune, one product- viết tắt là OCOP) đã lan tỏa đến mỗi làng xã. Đây là cơ hội tốt để các địa phương có nhiều làng nghề truyền thống nâng tầm giá trị sản phẩm, tạo đột phá về thương hiệu để nâng cao thu nhập cho người làm nghề.
Phát huy giá trị làng nghề
Theo Hiệp Hội Làng Nghề Việt Nam (HHLNVN) cho biết, Chương trình OCOP đã góp phần phát triển làng nghề, hướng tới bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tại các làng quê Việt Nam.
Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Bởi vậy, việc lấy các sản phẩm đặc trưng có lợi thế ở mỗi địa phương làm đối tượng để hỗ trợ phát triển là một lợi thế cho sản xuất hàng hóa tại hơn 5 nghìn làng nghề, làng có nghề trong cả nước.
Cũng theo HHLNVN, lâu nay, các làng nghề với những sản phẩm khá đặc trưng vùng miền đã khẳng định vị trí của mình trong việc phát triển kinh tế đất nước, tăng thu nhập, giải quyết nhiều lao động ở khu vực nông thôn. Quá trình tham gia các hoạt động của Chương trình OCOP đã giúp một số làng nghề nâng cao được giá trị sản phẩm, khẳng định thương hiệu, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, từ khi triển khai OCOP đã tập trung hỗ trợ phát triển nâng cao giá trị các sản phẩm đặc sản của nông thôn, đặc biệt là gắn kết với công tác bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống ở nông thôn. Các sản phẩm thủ công nghiệp truyền thống Huế có vị trí quan trọng để tạo sự hấp dẫn và ấn tượng đối với khách du lịch.
Để khai thác tiềm năng 92 làng nghề, trong đó có 42 làng nghề truyền thống, ngành Du lịch tỉnh này đã mạnh dạn kết nối các tour du lịch đến các làng nghề, điểm tham quan. Đây là cách kết hợp khai thác tiềm năng du lịch di sản vốn có của Huế, bởi khách du lịch đến làng nghề không chỉ mua sắm, xem các nghệ nhân làm ra sản phẩm mà còn muốn tìm hiểu những giá trị phi vật thể tồn tại hàng nghìn năm.
Khoác lên tấm áo mới
Để làng nghề không chỉ gắn với một không gian làng xã hạn hẹp, nhiều địa phương đã vận dụng nhiều cách làm sáng tạo để khai thác nguồn lực, chính sách hỗ trợ từ OCOP nhằm tạo cho nghề truyền thống những sắc thái mới.
Với lợi thế có 1.350 làng nghề truyền thống và làng có nghề, Hà Nội rất tiềm năng phát triển Chương trình OCOP. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, sản phẩm của các làng nghề ngày nay hướng tới thiết kế mang vẻ hiện đại mà vẫn giữ được những đặc trưng riêng. Đáng chú ý, nhiều sản phẩm tham gia vào Chương trình OCOP được sản xuất từ các làng nghề truyền thống, tập trung ở các nhóm lĩnh vực như vải – may mặc, đồ lưu niệm, nội thất và hàng thủ công mỹ nghệ.
Mỗi sản phẩm của làng nghề truyền thống đều mang dáng dấp và vẻ đặc trưng riêng của vùng miền. Như làng nghề mây tre đan Phú Vinh (xã Phú Vinh, huyện Chương Mỹ), việc đan mây tre đã gắn bó với người dân nơi đây từ lâu đời. Các sản phẩm đan truyền thống làng Phú Vinh tuy hình dáng tuy đơn giản, mộc mạc nhưng đòi hỏi kỹ thuật đan tinh xảo, tỉ mỉ, trau chuốt và không có yếu tố của máy móc. Từ đó tạo nét khác biệt cho các sản phẩm này so với những sản phẩm trên thị trường, nhất là kỹ thuật đan.
Theo ông Nguyễn Văn Tĩnh – Giám đốc Công ty TNHH Mây tre đan Việt Quang cho biết, các sản phẩm tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” muốn đạt sao phải qua tuyển chọn rất kỹ về kỹ thuật đan, cách đóng gói sản phẩm… Việc này đã tạo động lực cho các làng nghề từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm. Riêng làng nghề Phú Vinh có nét đặc trưng về xiên mây, đan tranh ảnh bằng mây, đan tết các loại hoa văn mà ở các làng nghề khác không có.
Còn tại làng nghề gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm) – một trong những làng nghề có số lượng nghệ nhân đông nhất cả nước đã và đang phát triển nhiều sản phẩm độc đáo, tinh xảo và đạt chất lượng cao. Hiện các sản phẩm của Làng nghề Bát Tràng không chỉ đáp ứng thị trường tiêu thụ trong nước mà còn tiếp cận tới nhiều thị trường khó tính và khắt khe trên thế giới, từ đó đưa thương hiệu gốm Bát Tràng ngày càng phát triển.
Đúc kết kinh nghiệm để lan tỏa
Từ những cách vận dụng OCOP trong việc phát triển làng nghề, theo HHLNVN, trong thời gian triển khai đã bộc lộ một số hạn chế. Nguyên nhân là do tư tưởng và nhận thức của nghệ nhân, thợ thủ công và thậm chí của chính quyền các cấp chưa thật đầy đủ và sâu sắc về mục tiêu và phương thức hoạt động của Chương trình OCOP. Điều này dẫn đến sự chậm trễ vào cuộc do đó chưa phát huy được hết khả năng nội tại của nhiều làng nghề. Để khắc phục vấn đề này thì công tác thông tin, tuyên truyền cần phải chú trọng hơn nữa cả về nội dung và hình thức, không phải chỉ đối với địa phương, làng nghề mà còn đối với cả các cấp chính quyền, đoàn thể, các doanh nghiệp trong và ngoài nước làm cho tất cả các đối tượng đều nhận rõ được những lợi thế của từng địa phương, từng làng nghề để khai thác tiềm năng triệt để.
Mặt khác, vẫn còn rất nhiều làng nghề mà các sản phẩm đặc thù còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa chú trọng đến việc thiết kế cải tiến mẫu mã… Do vậy, thời gian tới cần mạnh dạn đầu tư hơn nữa để hỗ trợ nghệ nhân các làng nghề trong khâu thiết kế mẫu mã, tạo nên những sản phẩm truyền thống có chất lượng cao, phù hợp với thị trường là điều cần thiết.
“Tuy nhiên, tại các làng nghề truyền thống, việc cập nhật theo thị trường luôn phải dựa trên những giá trị văn hóa đã được gây dựng từ lâu đời. Bên cạnh việc người tiêu dùng sử dụng hiệu quả công năng của sản phẩm, thì việc lưu truyền những giá trị văn hóa truyền thống cũng vô cùng quan trọng. Thiết nghĩ đây cũng nên là một tiêu chí khi đánh giá các sản phẩm OCOP” đại diện HHLNVN cho biết.
Để lan tỏa những giá trị OCOP và thúc đẩy nghề truyền thống, đại diện HHLNVN cũng đề xuất xây dựng mô hình các bảo tàng làng nghề gắn với Trung tâm thiết kế sáng tạo phát triển sản phẩm OCOP đồng thời cần có những ưu đãi đặc biệt đối với những địa bàn khó khăn để phát huy các sản phẩm độc đáo, riêng biệt, nâng cấp chất lượng để có thể vươn ra thị trường trong nước và quốc tế.
Các làng nghề với những sản phẩm khá đặc trưng vùng miền đã khẳng định vị trí của mình trong việc phát triển kinh tế đất nước, tăng thu nhập, giải quyết nhiều lao động ở khu vực nông thôn. Quá trình tham gia các hoạt động của Chương trình OCOP đã giúp một số làng nghề nâng cao được giá trị sản phẩm, khẳng định thương hiệu, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.
Bình Châu