Phát huy nguồn lực xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu
Khơi nguồn lực sức dân
Ông Phùng Danh Âu, Bí thư Đảng ủy xã Phạm Trấn (huyện Gia Lộc) cho biết, phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương đã đi vào từng thôn, xóm, từng hộ gia đình. Mỗi cán bộ, đảng viên và người dân đã không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước mà tự giác tham gia chương trình.
Theo ông Phùng Danh Âu, có được kết quả trên là nhờ địa phương đã quan tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế, tiếp tục tái cơ cấu và chuyển đổi mạnh mẽ nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân ở nông dân. Cùng với đó, xã quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn được phân bổ từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới kết hợp với phát huy nguồn lực sẵn có của địa phương và huy động nguồn lực trong cộng đồng dân cư.
Khi triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, xã đã tập trung cao và đổi mới công tác tuyên truyền để người dân hiểu vai trò, lợi ích thiết thực của xây dựng nông thôn mới. Nhân dân xã Phạm Trấn đã hiến đất chỉnh trang đồng ruộng, làm đường giao thông ngoài đồng trên 9.000 m2 đất nông nghiệp, hiến trên 350 m2 đất ở, đóng góp trên 8,3 tỷ đồng, nguồn xã hội hóa số tiền trên 1 tỷ đồng để làm đường giao thông trục chính trong thôn và các công trình phúc lợi của địa phương. Đảng ủy xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, mở rộng diện tích nhà màng nhà lưới. Đến nay, xã có trên 30 ha diện tích nhà màng, nhà lưới, nâng cao giá trị, chất lượng các loại cây trồng, cho thu nhập từ 90 - 120 triệu đồng/sào/năm. Tích cực tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, địa phương có 5 sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao trở lên. Các tiêu chí về văn hóa xã hội, giáo dục, y tế, dân số, an ninh - quốc phòng và các tiêu chí khác đều được thực hiện tốt.
Theo ông Phùng Danh Âu, trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, mọi công việc đều được bàn bạc, công khai, dân chủ tới nhân dân. Xã đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cấp ứng dụng trong các hoạt động quản lý, điều hành, nâng cao sự tương tác và tham gia của người dân. Địa phương đã tạo các kênh truyền thông hai chiều, vừa đảm bảo mục tiêu tuyên truyền vừa tiếp nhận thông tin, phản ánh của người dân về quá trình thực hiện phong trào tại địa phương.
Tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí
Ông Vũ Văn Cấp, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Gia Lộc cho biết, năm 2023, huyện đã chỉ đạo tập trung xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025. Căn cứ vào kế hoạch của huyện, các địa phương chủ động rà soát, đánh giá mức độ đạt, chưa đạt của các tiêu chí trong bộ tiêu chí quy định về xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, từ đó, xây dựng kế hoạch thực hiện.
Năm 2023, các địa phương đã tu bổ, nâng cấp, mở rộng được 48 tuyến đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng; quan tâm nâng cấp cơ sở vật chất, tiếp tục hoàn thiện các hạng mục và công trình phụ trợ của các nhà trường. Người dân huyện đã hiến trên 3.300 m2 đất, hơn 1.400 ngày công lao động để mở rộng các tuyến đường giao thông; đóng góp 6.007 triệu đồng để nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông trong thôn, xóm. Gia Lộc có 8 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao gồm: Nhật Tân, Phạm Trấn, Thống Nhất, Quang Minh, Gia Khánh, Thống Kênh, Toàn Thắng, Hồng Hưng. Đến thời điểm này, huyện đã thẩm tra và đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị tỉnh thẩm định 3 xã Gia Tân, Tân Tiến, Hoàng Diệu đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, hai xã Thống Nhất, Phạm Trấn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Đại diện lãnh đạo huyện Gia Lộc cho biết, trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, việc phát triển sản xuất nâng cao thu nhập của người dân là nội dung được địa phương đặc biệt quan tâm. Đến nay, huyện đã quy hoạch được 37 vùng lúa, diện tích trên 600 ha và 41 vùng sản xuất chuyên canh trên 600 ha (trong đó 15 vùng sản xuất theo quy trình VietGAP và 1 vùng sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP). Các vùng chuyên canh rau màu đạt giá trị từ 550 - 600 triệu đồng/ha. Hiện, địa phương có 281.000 m2 nhà màng, nhà lưới với giá trị sản xuất đạt trung bình 1,8 - 2,5 tỷ đồng/ha/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện ước giảm còn 1,17%.
Ghi nhận những nỗ lực trong xây dựng nông thôn mới nói riêng và trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung, Chủ tịch nước đã quyết định tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Gia Lộc đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ 2018 - 2022, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Năm 2024, huyện Gia Lộc tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Gia Lộc Vũ Văn Cấp cho biết, đối với các xã chưa hoàn thành tiêu chí nông thôn mới theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025, huyện chỉ đạo tập trung rà soát đánh giá đúng mức độ hoàn thành của tiêu chí; xây dựng kế hoạch cụ thể, lộ trình thực hiện, phấn đấu 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn này. Với các xã phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu, huyện chỉ đạo các địa phương huy động và phát huy nội lực của địa phương, nhất là tạo nguồn thu để có kinh phí đầu tư nâng cao chất lượng các tiêu chí.
Đối với các xã còn lại, huyện tập trung rà soát đánh giá mức độ hoàn thành của tiêu chí theo bộ tiêu chí xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu; căn cứ vào tình hình và điều kiện cụ thể của địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện. Cùng với đó, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tích cực đẩy mạnh tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong đoàn viên, hội viên để thực hiện tốt mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; trong đó, tập trung triển khai hiệu quả các cuộc vận động gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới.
Theo TTXVN/Vietnam+