Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Chà (tỉnh Điện Biên):
Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện
Chú trọng đầu tư hạ tầng
Ông Trần Hồng Quân - Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Chà cho biết: Mường Chà là huyện nghèo của tỉnh Điện Biên, các xã trên địa bàn đều thuộc diện đặc biệt khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao… nhưng những năm qua Đảng bộ, chính quyền và người dân huyện Mường Chà đã luôn đồng lòng chăm lo cho giáo dục. Trong 19 tiêu chí để xây dựng xã đạt nông thôn mới có 2 tiêu chí về giáo dục luôn được quan tâm, thực hiện trước.
“Từ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, xã hội hóa, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân, hạ tầng (trường, lớp học, sân chơi, nhà ở nội trú...) đã được sửa chữa, xây dựng mới kịp thời đáp ứng được nhu cầu dạy và học; cùng với đó các thầy, cô giáo luôn cố gắng vượt khó hoàn thiện trình độ chuyên môn (đạt chuẩn và trên chuẩn) đáp ứng nhu cầu giảng dạy. Vì vậy chất lượng giáo dục trong sự nghiệp “trồng người” của huyện Mường Chà ngày một nâng cao”, ông Quân cho hay.
Đưa chúng tôi đi thăm 1 vòng quanh trường, thầy giáo Đỗ Văn Hùng – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Mường Tùng (xã Mường Tùng, huyện Mường Chà) phấn khởi cho biết: Những năm trước đây giáo viên và học sinh của nhà trường thực hiện công tác giảng dạy và học tập rất khó khăn bởi thiếu cơ sở vật chất. Nhưng những năm trở lại đây được sự quan tâm của UBND huyện Mường Chà, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Chà, chính quyền các cấp và doanh nghiệp, người dân... cơ sở vật chất của nhà trường đã được đầu tư đồng bộ (Phòng học, phòng chức năng, phòng nội trú, nhà bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh) đã được đầu tư; qua đó đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu cho hoạt động giảng dạy và học tập của Nhà trường.
Theo lãnh đạo Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Mường Tùng thì cơ sở vật chất được đầu tư rất quan trọng đối với việc dạy và học của thầy và trò Nhà trường trong thời gian qua, bởi trên địa bàn có nhiều em học sinh, gia đình cách Nhà trường 35-40km, đường xá đi lại khó khăn đặc biệt khi trời mưa, nhiều học sinh không thể tới trường. Vì vậy việc có được chỗ ăn-chỗ nghỉ tại trường là rất quan trọng, đảm bảo cho việc học tập, việc lên lớp đúng giờ và phụ huynh học sinh cũng yên tâm hơn khi gửi con em đến trường học tập.
Cùng với việc cơ sở vật chất được đầu tư khang trang; các thầy, cô giáo Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Mường Tùng cũng đã chủ động nâng cao trình độ đáp ứng tiêu chuẩn giáo dục (hiện nay Nhà trường có 34 quản lý, giáo viên đều đạt trình độ đại học)... trong năm học 2021-2022 Nhà trường đã đạt chất lượng giáo dục mức độ 2 và chuẩn Quốc gia mức độ 1; trong học kỳ I (năm học 2023-2024) nhà trường cũng đã có 10 học sinh đạt học sinh giỏi cấp huyện, 2 học sinh được giải cấp tỉnh, số học sinh khá giỏi đạt 35%...
Những kết quả đạt được trong công tác dạy và học ở Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Mường Tùng thời gian qua là minh chứng rõ nét trong việc thực hiện hiệu quả các chính sách, tiêu chí về giáo dục trong xây dựng nông thôn mới ở xã Mường Tùng nói riêng và huyện Mường Chà nói chung.
Gắn chương trình với trách nhiệm người đứng đầu
Ông Trần Hồng Quân - Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Chà cho biết thêm: Trên cơ sở hướng dẫn của UBND tỉnh Điện Biên; Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên; Huyện ủy, HĐND-UBND huyện Mường Chà cùng các phòng, ban liên quan về thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Chà cùng các Nhà trường trên địa bàn đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương để thực hiện các tiêu chí về giáo dục trong xây dựng nông thôn mới; các trường học đã chủ động kiểm tra, rà soát cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện, công trình nước sạch, nhà vệ sinh, thiết bị phục vụ hoạt động thể dục thể thao, vui chơi, giải trí của cho học sinh... Từ đó đã xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiên.
Công tác tuyên truyền, đã được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Chà tích cực đẩy mạnh, triển khai sâu rộng tới trên 1.200 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên với nhiều hình thức (trong các cuộc họp, văn bản, chương trình...). Từ đó, tạo sự đồng thuận về chủ trương trong thực hiện 02 tiêu chí của Giáo dục về xây dựng nông thôn mới.
Để triển khai hiệu quả chương trình, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Chà đã tích cực, đẩy mạnh nội dung xây dựng nông thôn mới gắn với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các Trường học; theo đó Ban Giám hiệu các trường học đã đưa chương trình chung sức xây dựng nông thôn mới vào công tác, nhiệm vụ trong tâm theo từng năm học.
Là địa phương còn gặp nhiều khó khăn chính vì vậy các chế độ chính sách đối với nhà giáo, học sinh đã luôn được ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Chà quan tâm, tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời, khoa học và đảm bảo đúng quy định. Đặc biệt khi thực hiện tốt chính sách đối với học sinh kịp thời đã góp phần quan trọng vào việc huy động học sinh ra lớp và duy trì tỷ lệ chuyên cần, nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ và chất lượng giáo dục toàn diện.
Cùng với đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Chà đã phối hợp với các đơn vị trên địa bàn để thực hiện hiệu quả Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông” trên địa bàn huyện Mường Chà. Chỉ đạo các trường có cấp THCS đẩy mạnh công tác phân luồng, định hướng giáo dục tiếp cận nghề nghiệp cho học sinh; giúp học sinh có thái độ đúng đắn về học nghề và chủ động lựa chọn các loại hình học nghề sau khi tốt nghiệp THCS cho phù hợp.
Đối với những trường đã đạt chuẩn quốc gia, Phòng Giáo dục và Đào tạo cùng Nhà trường đã có kế hoạch tiếp tục giữ vững và nâng cao tiêu chí trường chuẩn, đảm bảo đạt chuẩn bền vững. Còn những trường chưa đạt chuẩn, cũng đã chủ động rà soát, đối chiếu với các tiêu chuẩn thông tư của Bộ GD&ĐT và xây dựng kế hoạch, lộ trình đạt chuẩn Quốc gia.
Với những giải pháp đồng bộ đó đến nay tại huyện Mường Chà: Trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100%; học sinh 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%; tỷ lệ học sinh 6-10 tuổi ra lớp đạt 100%; tỷ lệ huy động học sinh 11 tuổi ra lớp đạt 98,1%; tỷ lệ học sinh 11-14 tuổi học THCS đạt 98,1%; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%; tốt nghiệp THCS đạt 98,4%; tốt nghiệp THPT đạt 100%; Hoàn thành phổ cập giáo dục Tiểu học mức độ 3; Xóa mù chữ mức độ 2; 34 trường học (đạt kiểm định chất lượng và chuẩn Quốc gia)…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Chà vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như: Hiện nay một số phòng, lớp học tại một số trường trên địa bàn chưa đáp ứng được nhu cầu dạy học (các công trình nhà ở bán trú cho học sinh, công trình phụ, vệ sinh…) một số công trình hạ tầng được đầu tư từ lâu nay đã xuống cấp cần sửa chữa; số lượng giáo viên một số môn học (tin học, tiếng Anh) còn thiếu so với định mức quy định... Chính vì vậy cũng rất cần sự quan tâm của các ngành chức năng, các đơn vị giúp sức để sự nghiệp “trồng người” huyện Mường Chà ngày một tốt hơn.
- Phấn đấu đến năm 2030 đào tạo 50.000 nhân lực có trình độ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn
- Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị miễn giảm học phí, hỗ trợ sinh viên bị thiệt hại do bão số 3
- Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam xây dựng chương trình đào tạo mới gắn với lợi ích của nông dân
- Hào hứng chào đón năm học mới tại ngôi trường mang tên người anh hùng áo vải Lương Văn Nắm