Phú Yên: Nông dân tăng thu nhập nhờ chi, tổ hội nghề nghiệp
Hiệu quả từ các mô hình
Tại xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa, sau khi rà soát, khảo sát, nắm rõ tình hình từ chi hội, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của hội viên, Hội Nông dân xã đã chọn Chi hội thôn Sơn Nghiệp để thành lập một chi hội nghề nghiệp cây ăn quả và một tổ hội nông nghiệp trồng quýt đường với 26 hội viên tham gia.
Theo lãnh đạo Hội Nông dân xã Sơn Thành Tây cho biết, trước đây, khi chưa tham gia vào các chi hội, tổ hội nghề nghiệp, các hộ gia đình sản xuất đơn lẻ, sản phẩm không đạt yêu cầu, sản phẩm tuy nhiều nhưng chưa gắn kết để tạo thành sản phẩm hàng hóa, vì vậy thị trường tiêu thụ không ổn định. Sau khi tham gia vào các chi hội, tổ hội, các hội viên được chuyển giao khoa học kỹ thuật, được hỗ trợ vốn vay để đầu tư cây giống, phân bón, cải tạo đất... sản xuất chuyên canh. Cũng trên diện tích ấy, nhưng khi đã có chung một nguồn cung, sản phẩm các loại trái cây của tổ hội trở thành hàng hóa có tính cạnh tranh cao với đầu ra ổn định.
Lãnh đạo Hội ND tỉnh Phú Yên tham quan mô hình chi hội nghề nghiệp nuôi trồng thủy sản tại xã Xuân Hải, TX. Sông Cầu.
Tổ hội nghề nghiệp sản xuất nấm rơm ở phường Hòa Vinh, TX Đông Hòa cũng là điểm sáng của Hội Nông dân địa phương. Ông Trần Văn Thảo – thành viên tổ hội nghề nghiệp sản xuất nấm rơm phường Hoà Vinh chia sẻ: “Khi nghe Hội Nông dân phường vận động thành lập tổ hội nghề nghiệp làm nấm rơm, tôi đăng ký tham gia ngay. Tham gia sinh hoạt ở tổ hội nghề nghiệp giúp tôi học hỏi thêm những cách làm hay, sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình trồng và chăm sóc nấm, đồng thời được hỗ trợ vay vốn để mở rộng quy mô sản xuất…”.
Tạo liên kết sản xuất hàng hóa tập trung
Ông Phan Xuân Hạnh – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Phú Yên cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW ngày 5/8/2019 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về "Đẩy mạnh xây dựng chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp", thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng mô hình chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Bám sát Nghị quyết, Hội Nông dân tỉnh Phú Yên đã cụ thể hóa thành chỉ tiêu giao, hướng dẫn Hội Nông dân các huyện, thành phố và cơ sở tổ chức khảo sát, lựa chọn, xây dựng các chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp bảo đảm tiêu chí và nguyên tắc “5 cùng”: Cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng chịu trách nhiệm; cùng hưởng lợi.
Nhiệm kỳ 2018-2023, toàn tỉnh Phú Yên đã kết nạp mới được 20.951 hội viên, đã thành lập mới 49 chi hội và 63 tổ hội nghề nghiệp với 8.546 thành viên tham gia. Sau khi được thành lập, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh Phú Yên đã tạo điều kiện để các chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp hoạt động hiệu quả như: Tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi; mời các kỹ sư, chuyên gia ở các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ đến tuyên truyền, hướng dẫn khoa học kỹ thuật, công nghệ mới; tổ chức tham quan, học tập các mô hình sản xuất có hiệu quả; kết nối với các doanh nghiệp, HTX trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm…
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Phú Yên cho biết: Mục tiêu chung là tập hợp các hội viên cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề vào các chi, tổ hội nghề nghiệp. Từ nền tảng các mô hình chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp hoạt động hiệu quả, Hội Nông dân tỉnh Phú Yên ướng tới thành lập tổ hợp tác, HTX để xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.
Ra mắt Chi hội nông dân nghề nghiệp chăn nuôi heo xã An Cư, huyện Tuy An.
Nhiệm kỳ qua, toàn tỉnh xây dựng 230 mô hình nhóm, hộ, tổ liên kết làm ăn có hiệu quả; hỗ trợ đưa 76 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử của tỉnh; hướng dẫn nông dân thành lập 13 HTX với 260 thành viên tham gia và 9 tổ hợp tác với 142 thành viên tham gia. Điển hình như Tổ hợp tác Sơn Ngọc, xã Hòa Quang Bắc là một trong những mô hình kinh tế tập thể phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn huyện Phú Hòa.
Ông Huỳnh Văn Tánh, Tổ trưởng Tổ hợp tác Sơn Ngọc, xã Hòa Quang Bắc cho hay, đơn vị hiện có diện tích sản xuất gần 50ha với hơn 50 thành viên trồng các các giống cây ăn quả chủ lực, được thị trường ưa chuộng như mít, mãng cầu, cam, dừa, đu đủ…, mang lại thu nhập bình quân 50 - 200 triệu đồng/hộ/năm. Khi tham gia Tổ hợp tác, các thành viên hỗ trợ nhau vốn, giống cây trồng, kỹ thuật, kinh nghiệm làm ăn; góp tiền làm đường ống dẫn nước từ núi Lỗ Chài về tưới cho các vườn cây ăn quả. Đặc biệt, với sự đồng hành của Tổ hợp tác và địa phương, các chủ trang trại đã mạnh dạn nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, cho thu nhập cao.
Điển hình là anh Ngô Quốc Dũng, thành viên Tổ hợp tác Sơn Ngọc. Tuy mới lập trang trại cách đây 3 năm, nhưng hiện nay, trang trại của anh có gần 3ha với đầy đủ loại cây mãng cầu, đu đủ, dừa, cam, mỗi năm cho thu nhập gần 1 tỷ đồng. Hay như mô hình của HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din ở thị trấn Phú Hòa, huyện Phú Hòa do Hội Nông dân tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập đã thực hiện thành công sản xuất sản phẩm từ khóm (dứa) theo chuỗi giá trị từ cung cấp cây giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến, đến tiêu thụ sản phẩm. Anh Nguyễn Hoàng Chương – Giám đốc HTX Đồng Din cho biết: HTX đã liên kết với các hộ dân trồng khóm thông qua Tổ trưởng tổ khóm để thu mua khóm cung cấp cho HTX. Đến nay, vùng nguyên liệu khóm đạt chuẩn sản xuất hữu cơ của HTX Đồng Din đã trên 400ha. Đến nay, HTX Đồng Din đã có 9 sản phẩm từ cây khóm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 3 sao, 4 sao. Những sản phẩm này đang được tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài nước, mang lại doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.