An ninh nông thôn

Quảng Ninh: Hoạt động Hội góp phần tăng đồng thuận trong nông thôn

Bích Ngọc - 07:14 02/11/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Trong thời gian qua, các cấp Hội Nông dân (ND) tỉnh Quảng Ninh đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, hội viên ND. Trong đó, việc phối hợp với các cấp, ngành trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo (KNTC) của ND có hiệu quả đã góp phần giảm mâu thuẫn, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Triển khai hoạt động phù hợp 
Theo ông Nguyễn Văn Đường - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh: Toàn tỉnh hiện có trên 99.000 hội viên nông dân. Trong 5 năm qua, các cấp Hội trong tỉnh đã kết nạp mới 9.500 hội viên. Hiện toàn tỉnh có 13 Hội ND cấp huyện, 152 cơ sở hội, 1.237 chi hội.
 Thực hiện chỉ đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và  chỉ đạo của Tỉnh ủy Quảng Ninh, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã hướng dẫn các cấp Hội Nông dân xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật sát theo chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế của từng địa phương. 
Trên cơ sở thực hiện nghiêm các quy định của Trung ương, của tỉnh, đặc biệt Quyết định 81/2014/QĐ-TTg về việc phối hợp giữa các Bộ, ngành, UBND các cấp với các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong việc tiếp công dân, giải quyết KNTC của nông dân, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp hội nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, tham gia đối thoại giải quyết KNTC đặc biệt là các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy kinh tế phát triển. 
Từ đầu năm 2023, Hội Nông dân tỉnh ban hành 2 kế hoạch triển khai xây dựng 3 mô hình điểm“Hội Nông dân tham gia tiếp công dân, giải quyết KNTC của nông dân gắn với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và tham gia giám sát, phản biện xã hội” tại phường Tuần Châu (thành phố Hạ Long), xã Hạ Long (huyện Vân Đồn) và xã Thanh Sơn (huyện Ba Chẽ). Cùng với đó là các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện mô hình.

Làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật giúp người dân người dân xã Kỳ Thượng (TP. Hạ Long, Quảng Ninh) yên tâm sản xuất. 
Ngoài việc ban hành các văn bản chỉ đạo, cán bộ Hội các cấp còn trực tiếp tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tham gia các tổ công tác liên ngành của tỉnh kiểm tra, rà soát công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, kiến nghị, phản ánh của công dân; chỉ đạo các cấp Hội tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tổ chức tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ KNTC, pháp luật về đất đai, giải phóng mặt bằng, dân sự… tới cán bộ, hội viên nông dân.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật được Hội Nông dân các cấp triển khai sôi nổi. Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức 11 buổi với 610 hội viên tham gia; phát 500 cuốn tài liệu tự biên soạn, 100 đầu sách pháp luật cho các câu lạc bộ Nông dân với pháp luật, 3.000 tờ rơi, tờ gấp; 80 tin, bài. Tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như thông qua sinh hoạt chi, tổ hội, Bản tin công tác Hội, sân khấu hóa qua các nội dung thi Nhà nông đua tài, các tiết mục văn nghệ... góp phần giúp hội viên nông dân hiểu luật, giảm khiếu nại, khiếu kiện.
Xây dựng mô hình điểm về giải quyết khiếu nại tố cáo
Ông Nguyễn Văn Đường cho biết: Với sự vào cuộc tích cực, chủ động, các cấp Hội đã góp phần đưa các chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước kịp thời đến với nhân dân, góp phần bảo vệ quyền lợi ích chính đáng của người nông dân. 
Năm 2022, Hội Nông dân tỉnh đã kiến nghị và được UBND tỉnh chấp nhận ban hành quyết định về việc thành lập Hội đồng tiếp công dân của tỉnh và ban hành quy chế tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân tỉnh để đảm bảo rõ thành phần, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, cá nhân, rõ cơ chế phối hợp. Chỉ tính năm 2022, Hội đã tham gia góp ý kiến vào 81 dự thảo văn bản về chủ trương, cơ chế, chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Từ năm 2018-2023, Hội Nông dân tỉnh đã chủ trì thực hiện 5 cuộc giám sát chuyên đề và phối hợp tham gia 18 cuộc giám sát khác; cấp huyện tham gia 164 cuộc, cấp cơ sở tham gia 687 cuộc. Các cấp Hội đã tổ chức trên 780 buổi tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho gần 30.000 lượt hội viên nông dân; phát hành trên 5.000 tờ rơi tuyên truyền pháp luật. Các cấp Hội đã tham gia trên 5.000 buổi tiếp dân; trực tiếp giải quyết trên 500 đơn thư, phối hợp giải quyết trên 700 đơn thư KNTC, kiến nghị. Chủ động phối hợp tổ chức hòa giải trên 289 vụ mâu thuẫn phát sinh ngay tại cơ sở. Triển khai và duy trì tốt mô hình “Hội Nông dân tham gia tiếp công dân, giải quyết KNTC của nông dân gắn với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và tham gia giám sát, phản biện xã hội” tại một số cơ sở.
Hiện nay, Hội đang duy trì hiệu quả hoạt động 11 câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” với hơn 550 thành viên tham gia làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại địa phương, qua đó tuyên truyền, vận động cho hội viên nông dân chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, địa phương thông qua các buổi sinh hoạt chi hội, hội nghị thôn, khu.

Một buổi sinh hoạt của các thành viên của CLB Nông dân với Pháp luật phường Minh Thành (TX.Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh). Ảnh: Ngọc Nam
Trên cơ sở những kết quả đạt được, năm 2023, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục xây dựng 3 mô hình điểm “Hội Nông dân tham gia tiếp công dân, giải quyết KNTC của nông dân gắn với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và tham gia giám sát, phản biện xã hội”. Thông qua việc xây dựng CLB “Nông dân với pháp luật” với đội ngũ cộng tác viên, nhóm nòng cốt và trang bị sách pháp luật, tham gia hòa giải mâu thuẫn trong nội bộ nông dân; trợ giúp  pháp lý, tư vấn pháp luật nhằm giảm bớt khiếu kiện của nông dân, tham gia tiếp và giải quyết đơn thư, KNTC của nông dân, tổ chức đối thoại, giải thích những thắc mắc của nông dân, thực hiện Pháp lệnh dân chủ cơ sở, tham gia giám sát, phản biện xã hội góp phần xây dựng thôn, ấp, bản, làng văn hóa, góp phần xây dựng nông thôn mới… 
Đối với các nhóm cộng tác viên ở thôn, khu trực tiếp tìm hiểu nắm bắt các mâu thuẫn, vướng mắc pháp luật và tham gia cùng các tổ hòa giải của địa phương tuyên truyền, vận động, tư vấn kiến thức pháp luật cho các đối tượng giúp hòa giải các mâu thuẫn trong nông dân ngay tại các chi, tổ hội và phản ánh nội dung trên với cấp ủy, chính quyền địa phương. 100% các thôn, khu dân cư có chi hội nông dân đều cử cán bộ hội tham gia tổ hòa giải.
Có thể nói, việc triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được các cấp Hội ND trong tỉnh được thực hiện chủ động, tích cực, cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành nên đã góp phần xây dựng hình ảnh hội viên nông dân sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, góp phần giữ vững an ninh, trật tự xã hội của địa phương, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ở địa bàn khu dân cư, ổn định trật tự xã hội, xây dựng gia đình nông dân văn hóa, thôn, khu văn hóa. 
“Trong thời gian tới, các cấp Hội sẽ tiếp tục mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ Hội nhằm làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, giải quyết khiếu nại, mâu thuẫn từ cơ sở, không có khiếu kiện vượt cấp” – ông Nguyễn Văn Đường thông tin. 

Thực hiện Quyết định số 81/2014/QĐ - TTg

Tin cùng chuyên mục
Tin khác