Tư vấn pháp luật

Quy định mới về hỗ trợ đất đai đối với người dân tộc thiểu số

Lê Chiên (ghi) - 12:00 09/08/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngày 30 tháng 7 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 102/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 8 năm 2024. Trong đó có một số chính sách liên quan đến hộ nghèo, người dân tộc thiểu số và quy định việc giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại… Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thanh Hà (Công ty Luật SBLAW) đã trao đổi cụ thể để làm rõ thêm.
Quy định mới về hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh minh họa

Bạn đọc Lò Văn Tịnh (Quảng Ninh): Đề nghị cho biết chính  sách hỗ trợ đất của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định của Luật Đất đai mới?

Khoản 1, 2.2 Điều 16, Luật đất đai quy định trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số

1. Có chính sách bảo đảm đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng.

2. Có chính sách hỗ trợ đất đai lần đầu cho cá nhân là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, phù hợp với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng để bảo đảm ổn định cuộc sống như sau:

a) Giao đất ở trong hạn mức và được miễn, giảm tiền sử dụng đất;

b) Cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở trong hạn mức giao đất ở và được miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với đất có nguồn gốc được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận hoặc được thừa kế, tặng cho, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật;

c) Giao đất nông nghiệp trong hạn mức không thu tiền sử dụng đất;

d) Cho thuê đất phi nông nghiệp không phải là đất ở để sản xuất, kinh doanh và được miễn, giảm tiền thuê đất;

đ) Diện tích giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính cho tổng diện tích đất được Nhà nước giao, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong quá trình thực hiện các chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

3. Có chính sách hỗ trợ đất đai để bảo đảm ổn định cuộc sống cho cá nhân là người dân tộc thiểu số đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất quy định tại khoản 2 Điều này nhưng nay không còn đất hoặc thiếu đất so với hạn mức mà thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như sau:

a) Trường hợp không còn đất ở thì được giao tiếp đất ở, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở trong hạn mức giao đất ở và được miễn, giảm tiền sử dụng đất. Trường hợp thiếu đất ở thì cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở trong hạn mức giao đất ở và được miễn, giảm tiền sử dụng đất;

b) Trường hợp không còn hoặc thiếu đất nông nghiệp thì được giao tiếp đất nông nghiệp trong hạn mức không thu tiền hoặc cho thuê đất phi nông nghiệp không phải là đất ở để sản xuất, kinh doanh và được miễn, giảm tiền thuê đất.

Tại Điều 8, Nghị định số 102/2024/NĐ-CP quy định:

- Việc hỗ trợ đất đai đối với cá nhân là người dân tộc thiểu số quy định tại khoản 3 Điều 16 Luật Đất đai thực hiện như sau:

+ Đối với trường hợp không còn đất ở thì được giao đất ở hoặc được chuyển mục đích sử dụng đất từ loại đất khác sang đất ở; người sử dụng đất được miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích trong hạn mức giao đất ở theo quy định của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh.

Trường hợp thiếu đất ở so với hạn mức giao đất ở thì được chuyển mục đích sử dụng đất từ loại đất khác sang đất ở và được miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích trong hạn mức giao đất ở;

+ Đối với trường hợp không còn đất nông nghiệp hoặc diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng không đủ 50% diện tích đất so với hạn mức giao đất nông nghiệp của địa phương thì được giao tiếp đất nông nghiệp trong hạn mức.

Bên cạnh đó, còn quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc hỗ trợ đất đai đối với cá nhân là người dân tộc thiểu số

Bạn đọc Trần Văn Định (Kon Tum): Gia đình tôi thuộc hộ nghèo, khi được Nhà nước giao đất có được miễn tiền sử dụng đất không?

Điểm b, khoản 1, Điều 18, Nghị định số 103/2024/NĐ-CP ngày 30 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ “Quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất” nêu: “1. Miễn tiền sử dụng đất khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất (cấp Giấy chứng nhận) trong hạn mức đất ở cho người sử dụng đất trong các trường hợp sau:

“b) Người nghèo, hộ gia đình hoặc cá nhân là người dân tộc thiểu số sinh sống tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo”.

Theo quy định này thì để được miễn tiền sử dụng đất phải có 2 điều kiện là: Người nghèo và sinh sống tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo.

Tuy nhiên điểm b, khoản 1, Điều 19 Nghị định số 103/2024/NĐ-CP quy định: “Giảm 50% tiền sử dụng đất khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất đối với người nghèo, hộ gia đình hoặc cá nhân là người dân tộc thiểu số tại các địa bàn không thuộc địa bàn quy định tại điểm b khoản 1 Điều 18 Nghị định này”.

Đồng bào dân tộc Hướng Hóa (Quảng Trị) khai thác tiềm năng đất đai, phát triển sản xuất. Ảnh Ngọc Khánh

Bạn đọc Nguyễn Văn Hùng (Thanh Hóa): Tôi không đồng ý với quyết định thu hồi đất, tôi đã làm đơn khiếu nại đến các cơ quan có thẩm quyền. Trong khi khiếu nại của tôi chưa được trả lời thì tôi có phải chấp hành lệnh cưỡng chế không?

Câu hỏi của bạn là băn khoăn của nhiều người. Điều 40, Nghị định số 102/2024/NĐ-CP quy định việc: Khiếu nại quyết định thu hồi đất, quyết định cưỡng chế như sau:

- Người có đất thu hồi, tổ chức, cá nhân có liên quan có quyền khiếu nại về việc kiểm đếm bắt buộc, cưỡng chế thực hiện kiểm đếm bắt buộc, thu hồi đất, cưỡng chế thu hồi đất theo quy định của pháp luật về khiếu nại.

Trong khi chưa có quyết định giải quyết khiếu nại thì vẫn phải tiếp tục thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc, cưỡng chế thực hiện kiểm đếm bắt buộc, quyết định thu hồi đất, quyết định cưỡng chế thu hồi đất. Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có kết luận việc thu hồi đất là trái pháp luật thì phải dừng cưỡng chế nếu việc cưỡng chế chưa hoàn thành; hủy bỏ quyết định thu hồi đất đã ban hành và bồi thường thiệt hại do quyết định hành chính gây ra (nếu có).

- Đối với trường hợp việc thu hồi đất có liên quan đến quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân khác trong việc sử dụng đất thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn tiến hành kiểm đếm bắt buộc, cưỡng chế thực hiện kiểm đếm bắt buộc, thu hồi đất, cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất theo quy định mà không phải chờ cho đến khi giải quyết xong quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc sử dụng đất giữa người có đất thu hồi và tổ chức, cá nhân đó theo quy định của pháp luật có liên quan.

Trường hợp bạn đã có đơn khiếu nại quyết định thu hồi đất nhưng chưa có quyết định giải quyết khiếu khiếu nại thì bạn vẫn phải tiếp tục thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc, cưỡng chế thực hiện kiểm đếm bắt buộc, quyết định thu hồi đất, quyết định cưỡng chế thu hồi đất.

* THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 81/2014/QĐ-TTG

Tin cùng chuyên mục
Tin khác