Tư vấn pháp luật

Quy định về truy cứu trách nhiệm hình sự liên quan đến khai thác trái phép thủy sản

Lê Chiên (ghi) - 07:48 24/08/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Vừa qua Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP “Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản”. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2024.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mai (Trưởng Bộ môn Kỹ năng tham gia giải quyết các vụ án hình sự, Học viện Tư pháp) đã giải đáp một số nội dung liên quan đến quy định này.

Khai thác thủy sản xa bờ. Ảnh minh họa 

Bạn đọc Phạm Bé Năm (Cà Mau): Ngư dân mải việc làm ăn, ít có điều kiện nghe đài, đọc báo, đôi khi được đi họp nghe phổ biến nhưng chỉ nhớ được những vấn đề cơ bản. Đề nghị cho biết những việc làm nào trong khai thác thủy sản bị coi là khai thác thủy sản trái phép?

Theo Khoản 1, Điều 2, Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP thì:

1. Khai thác thủy sản trái phép là thực hiện một hoặc nhiều hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp quy định tại Khoản 1 Điều 60 của Luật Thủy sản, bao gồm:

- Khai thác thủy sản không có giấy phép;

- Khai thác thủy sản trong vùng cấm khai thác, trong thời gian cấm khai thác; khai thác, vận chuyển thủy sản cấm khai thác; khai thác loài thủy sản có kích thước nhỏ hơn quy định; sử dụng nghề, ngư cụ khai thác bị cấm;

- Khai thác trái phép loài thủy sản thuộc Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm;

- Khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam;

- Khai thác thủy sản vượt sản lượng theo loài, khai thác sai vùng, quá hạn ghi trong giấy phép;

- Che giấu, giả mạo hoặc hủy chứng cứ vi phạm quy định liên quan đến khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản;

- Ngăn cản, chống đối người có thẩm quyền thực hiện kiểm tra, giám sát sự tuân thủ các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản;

- Chuyển tải hoặc hỗ trợ cho tàu đã được xác định có hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp, trừ trường hợp bất khả kháng;

- Không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ hoặc không vận hành thiết bị thông tin liên lạc và thiết bị giám sát hành trình theo quy định;

- Không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định;

- Tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác thủy sản bất hợp pháp;

- Không ghi, ghi không đầy đủ, không đúng, không nộp nhật ký khai thác thủy sản, không báo cáo theo quy định;

- Sử dụng tàu cá không quốc tịch hoặc mang quốc tịch của quốc gia không phải là thành viên để khai thác thủy sản trái phép trong vùng biển quốc tế thuộc thẩm quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực;

- Sử dụng tàu cá để khai thác thủy sản không theo quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong vùng biển quốc tế không thuộc thẩm quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực.

Khai thác thủy sản của ngư dân xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. 

 Bạn đọc Nguyễn Thanh Hùng (Thái Bình): Khi nào việc vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thiết bị giám sát hành trình tàu cá bị truy cứu trách nhiệm hình sự? Và bị truy cứu về tội gì? 

Điều 8 Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP quy định:

Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây gây cản trở hoặc rối loạn khả năng quản lý, giám sát, điều hành của cơ quan có thẩm quyền nhằm khai thác thủy sản trái phép thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử quy định tại Điều 287 của Bộ luật Hình sự, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

1. Tháo gỡ, tàng trữ, vận chuyển từ 02 thiết bị giám sát hành trình của tàu cá khác trở lên;

2. Xóa, làm tổn hại hoặc thay đổi phần mềm, dữ liệu điện tử hoặc ngăn chặn trái phép việc truyền tải dữ liệu hoặc gây rối loạn hoạt động của thiết bị giám sát hành trình tàu cá.

(Điều 287 của Bộ luật Hình sự quy định “Tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử”)

Bạn đọc Đào Văn Huy (Hà Tĩnh): Đưa tàu ra vùng biển nước ngoài đánh bắt thủy sản bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp nào?Tôi chỉ là thuyền viên trên tàu, việc đưa tàu cá ra đánh bắt ở vùng biển nước ngoài tôi không có quyền quyết định. Vậy tôi có phạm tội không?

Điều 3 Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP quy định về “Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi xuất cảnh đi khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam” như sau:

Người chỉ huy cao nhất trên tàu cá không làm thủ tục xuất cảnh cho tàu cá, thành viên tàu cá và ngư dân theo quy định hoặc có làm thủ tục xuất cảnh nhưng sau khi xuất cảnh đã tẩy, xóa số đăng ký tàu cá hoặc viết số đăng ký tàu cá không đúng với thông tin do cơ quan có thẩm quyền cấp để thành viên tàu cá, ngư dân khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về xuất cảnh quy định tại Điều 347 của Bộ luật Hình sự, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm. (Điều 347 của Bộ luật Hình sự quy định “Tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép”)

Bạn chỉ là thành viên trên tàu cá, khi tàu cá khai thác thủy sản ở ngoài vùng biển Việt Nam thì người chỉ huy cao nhất trên tàu phảỉ có trách nhiệm làm thủ tục cho tàu cá, thành viên tàu cá và ngư dân theo quy định. Việc không làm thủ tục xuất cảnh cho tàu, cho bạn theo quy định là lỗi của người chỉ huy cao nhất trên tàu. Theo quy định trên thì bạn sẽ không bị chịu trách nhiệm hình sự.

Ngoài những quy định trên Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP còn hướng dẫn việc truy cứ trách nhiệm hình sự đối với một số tội khác như: Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi khai thác thủy sản vi phạm quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Điều 5); Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển thủy sản nguy cấp, quý, hiếm (Điều 6);Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép thủy sản, dùng thủ đoạn gian dối mua, bán thủy sản (Điều 10)…

*THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 81/2014/QĐ-TTG

Tin cùng chuyên mục
Tin khác