Hội Nông dân Hà Giang hỗ trợ nông dân liên kết trồng cam theo hướng VietGAP
Hỗ trợ nông dân liên kết trồng cam theo chuỗi giá trị, tăng thu nhập
Tháng 6/2019, Chi hội nghề nghiệp trồng cam thôn Vĩnh Ban, xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang được Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Hà Giang quan tâm đầu tư nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân (HTND) cho vay thực hiện dự án “Chăm sóc cây cam theo hướng VietGAP”, tổng số tiền 500 triệu đồng cho 13 hộ vay, thời hạn sử dụng vốn 03 năm. Mục tiêu giúp hội viên nông dân liên kết phát triển sản xuất theo hướng hàng hoá, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho nông dân. Tạo thêm việc làm, thúc đẩy các phong trào của Hội, thu hút hội viên, củng cố xây dựng tổ chức Hội cơ sở vững mạnh.
Cán bộ Hội Nông dân hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân trồng cam VietGAP tại xã Vĩnh Phúc.
Khi triển khai xây dựng dự án, Quỹ HTND tỉnh đã yêu cầu Hội Nông dân xã quan tâm từ khâu khảo sát nhu cầu vay vốn của nông dân, bình xét lựa chọn công khai, ưu tiên đối tượng là hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG) các cấp có nguồn lực, có ý chí và khát vọng làm giàu để đầu tư nguồn vốn cho vay xây dựng mô hình. Tổ chức tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, nội dung hoạt động Quỹ HTND tới cán bộ, hội viên và nông dân nói chung, đặc biệt là các hộ vay vốn thực hiện dự án để hiểu rõ về quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ khi tham gia sử dụng nguồn vốn.
Để phát huy hiệu quả nguồn vốn trước khi giải cho vay, Quỹ HTND tỉnh phối hợp với Hội Nông dân huyện, xã tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP cho các hộ vay vốn thực hiện dự án. Hàng quý thông qua các cuộc sinh hoạt nhóm, Hội Nông dân xã phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng, giới thiệu hướng dẫn tài liệu khoa học kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cam theo hướng VietGAP và thâm canh hữu cơ cho các hộ tham gia dự án. Kết hợp tư vấn hỗ trợ nông dân các thủ tục quy trình thành lập tổ hợp tác, Hợp tác xã, hướng dẫn việc đăng ký xây dựng tem nhãn sản phẩm...
Từ nguồn vốn Quỹ cho vay kết hợp với vốn tự có, các hộ đã đầu tư chăm sóc 16 ha cam khoảng 6.400 cây chủ yếu là cam vàng, bước đầu đã cho kết quả khả quan, năng suất, sản lượng tăng đều hàng năm, giá bán tương đối ổn định, giao động từ 10 - 12 ngàn đồng/kg, có thời điểm giá lên tới 24 ngàn đồng/kg; Lợi nhận bình quân đạt từ 50-70 triệu đồng/hộ/năm, có hộ mức thu nhập khá 200 - 300 triệu đồng/năm đã trừ chi phí; Giải quyết việc làm ổn định cho các hộ vay vốn và lao động nông nhàn tại địa phương theo mùa vụ, tập hợp thu hút nhiều hội viên mới vào Hội.
Nhân rộng mô hình, hình thành vùng cam có chất lượng cao của huyện
Anh Hà Cao Bằng, thành viên Chi hội Nông dân nghề nghiệp chia sẻ: “Những năm trước chưa tham gia vào Chi hội nghề nghiệp, việc đầu tư sản xuất thế nào, khoa học kỹ thuật ra sao, chăm sóc cây cam như thế nào các hộ tự tìm hiểu, năm được mùa lại mất giá, thu nhập không được là bao, có năm do ảnh hưởng của thiên tai dịch bệnh, sản xuất thua lỗ, không có tiền đầu tư chăm sóc. Sau khi tham gia vào Chi hội Nông dân nghề nghiệp, tôi cùng các hộ được Hội Nông dân tập huấn khoa học kỹ thuật, được chia sẻ học hỏi kinh nghiệm, được tư vấn, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm; Đặc biệt là được Quỹ HTND cho vay 60 triệu đồng, đầu tư chăm sóc 02 ha cam, thu nhập của gia đình tôi năm 2021 đạt gần 200 triệu đồng”.
Vườn cam của nông dân đang mùa thu hoạch
Dự án “Chăm sóc cây cam theo hướng VietGAP” đã góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao nhận thức về khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất cho các hộ nông dân. Mô hình “liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản” đã có tác dụng hỗ trợ hội viên, nông dân thúc đẩy sản xuất phát triển tạo tền đề cho cung cách làm ăn mới, hướng sản xuất tới thị trường. Mô hình đã được nhân rộng các thôn khác trong xã làm theo, hiện nay trên địa bàn xã có 445,6 ha diện tích cam được chứng nhận VietGAP, hình thành vùng cam có chất lượng cao của huyện.
Dự án đã đạt được các chỉ tiêu chủ yếu đề ra, chứng minh thực tế rằng việc lựa chọn đúng cây trồng, đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, liên doanh liên kết phát triển sản xuất theo hướng hàng hoá tập trung theo mô hình kinh tế tập thể; chung mua, chung bán sẽ tiết giảm chi phí đầu vào, tăng giá thành lợi nhuận. Dự án đã trang bị thêm kiến thức khoa học kỹ thuật và phương pháp ứng dụng khoa học kỹ thuật cho người dân, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo việc làm nâng cao thu nhập. Đặc biệt thông qua nguồn vốn Quỹ cho vay đã củng cố duy trì tốt hoạt động Chi hội Nông dân nghề nghiệp trồng cam của xã hiện tại với trên 30 thành viên tham gia.
Hiệu quả từ nguồn vốn Quỹ HTND đã góp phần củng cố và xây dựng tổ chức Hội Nông dân cơ sở vững mạnh, làm nòng cốt cho phong trào nông dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, giúp nhau giảm nghèo, làm giàu, xây dựng nông thôn mới.
- Hà Giang: Kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu tại Thủ đô
- Hà Giang: Nuôi dê Bách Thảo - sinh kế lâu dài cho nông dân vùng cao
- Thanh Hoá: Nông dân được học tập, chia sẻ kinh nghiệm xử lý rác thải thân thiện với môi trường
- Lào Cai: Hỗ trợ hơn 1 tấn cá giống giúp nông dân khôi phục sản xuất sau bão Yagi