Lễ hội – Văn hoá truyền thống

Sôi động Ngày hội văn hóa dân tộc Dao

07:33 20/08/2023 GMT+7
Ngày 19/8, Ngày hội văn hóa dân tộc Dao năm 2023, đã chính thức diễn ra tại xã Tân Phượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái với nhiều hoạt động sôi động, hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân và du khách tới tham dự.

Ngay từ sớm đồng bào các dân tộc và du khách đã diện những bộ trang phục đẹp nhất đến với Ngày hội văn hóa dân tộc Dao tại trung tâm xã Tân Phượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.

Đây là lần đầu tiên Ngày hội văn hóa dân tộc Dao được tổ chức tại xã Tân Phượng, cũng như tại huyện Lục Yên nên ai cũng rất hào hứng, phấn khởi, nhất là với đồng bào Dao địa phương.

soi dong ngay hoi van hoa dan toc dao hinh anh 1

Sản phẩm nông sản địa phương

soi dong ngay hoi van hoa dan toc dao hinh anh 2

 

Chị Triệu Thị Tích, ở thôn Khe Pháo – thành viên của đội thi làm trang phục dân tộc Dao nói: "Đây là năm đầu tiên Ngày hội dân tộc Dao được tổ chức tại xã, đây là niềm vinh dự rất lớn của tôi và bà con nhân dân trong xã. Về mảng thi thêu thùa, chị em chúng tôi muốn giới thiệu đến mọi người về tầm quan trọng của thiên nhiên, các loại động vật đối với dân tộc Dao chúng tôi. Ví dụ hình cây cổ thụ nó tượng trương cho vùng núi và luôn mang đến màu xanh, bóng mát cho quê hương".

Chương trình Ngày hội chia ra làm 2 phần: Phần lễ tái hiện nghi thức đón dâu (chíp sình cha) và nhảy lửa (pút tồng) của người Dao – đây là một trong những nghi lễ quan trọng bậc nhất đối với người Dao đỏ nói riêng, cộng đồng dân tộc Dao nói chung.

soi dong ngay hoi van hoa dan toc dao hinh anh 3

Đông đảo người dân và du khách đến với lễ hội

soi dong ngay hoi van hoa dan toc dao hinh anh 4

 

soi dong ngay hoi van hoa dan toc dao hinh anh 5

 

Phần hai là phần hội với các hoạt động chính như kịch, các tiết mục hát, múa mang đậm phong tục, tập quán, văn hóa dân tộc Dao; thi làm trang phục, trình diễn trang phục dân tộc Dao; các trò chơi dân dân như kéo co, đẩy gậy, đi cà kheo; trưng bày, giới thiệu sản vật địa phương…

Điểm nhấn của Lễ hội chính là phần trích đoạn đón dâu của đoàn nhà trai với dẫn đầu đoàn là ban nhạc gồm kèn, trống, chiêng và chũm chọe hợp thành; hay trích đoạn phần nhảy lửa, những người đàn ông sau khi được thầy cúng làm “phép” và tắm “nước tiên” với đôi chân trần nhảy vào lửa, nằm lên than, bốc than hồng lên người mà không bị bỏng hay cháy quần áo.

Anh Hoàng Trung Khánh, du khách đến với lễ hội nói: "Đây là đầu tiên tôi được đến với Tân Phượng để tìm hiểu thiên nhiên, bản sắc văn hóa và con người của Tân Phượng. Riêng đám cưới người Dao tôi thấy rất đặc sắc, quần áo rất là đẹp và đa sắc màu".

 

soi dong ngay hoi van hoa dan toc dao hinh anh 6

Trò chơi dân gian thu hút nhiều du khách

Ông Triệu Văn Nhơn, Bí thư Đảng ủy xã Tân Phượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái cho biết,  xã có hơn 93% là dân tộc Dao đỏ,  do vậy Ngày hội chính là dịp để quảng bá và bảo tồn nét đẹp văn hóa của đồng bào: "Chúng tôi xác định tổ chức ngày hội văn hóa dân tộc Dao để lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc, cũng như phát huy các các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch.  Đồng thời giới thiệu, quảng bá để du khách thập phương biến đến Tân Phương là nơi có phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp và văn hóa dân tộc Dao độc đáo. Năm nay là năm đầu tiên tổ chức, tuy nhiên cũng có nhiều du khách biết đến và tới dự, vì vậy trong năm tới chúng tôi sẽ có những thay đổi để hấp dẫn hơn và mở rộng hơn".

soi dong ngay hoi van hoa dan toc dao hinh anh 7

Bà con dân tộc Dao l phấn khởi khi Ngày hội văn hóa dân tộc mình được tổ chức ngay tại quê hương

soi dong ngay hoi van hoa dan toc dao hinh anh 8

Không gian trong lễ hội

Tham gia Ngày hội văn hóa dân tộc Dao còn có đồng bào các dân tộc ở các xã lân cận của tỉnh Hà Giang và Lào Cai.  Đây là cơ hội để các địa phương trao đổi kinh nghiệm, học tập, nâng cao nhận thức trong việc xây dựng, bảo tồn văn hóa các dân tộc Việt Nam nói chung, dân tộc Dao nói riêng.

Theo VOV

Tin cùng chuyên mục
Tin khác