Tiêu điểm

Tập trung nguồn lực nâng cao hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo thiên tai

07:11 21/04/2023 GMT+7
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh sự cần thiết phải tập trung nguồn lực, nâng cao hơn nữa năng lực, hiệu quả của công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, để công tác này chính xác hơn, kịp thời hơn.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023 diễn ra chiều 20/4 tại Hà Nội - Ảnh: VGP/Hải Minh

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu quan điểm trên trong điều kiện tình hình thiên tai có xu hướng diễn biến cực đoan và khó đoán định, dẫn đến hệ lụy khó lường hơn nếu dự báo không tốt.

Phó Thủ tướng gợi ý, cần xem xét hợp nhất Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai để giảm đầu mối, tạo điều kiện thuận lợi khi phối hợp giữa Trung ương và địa phương.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phải thường xuyên rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh các quy định, chương trình về phòng, chống thiên tai cho phù hợp với sự thay đổi nhanh chóng của tình hình thiên tai.

Cùng với đó, cần tăng cường công tác phối hợp trong khâu chuẩn bị; làm tốt hơn nữa công tác thông tin, truyền thông nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng về phòng chống thiên tai; huy động nguồn lực ngoài nhà nước cho công tác này.

Phó Thủ tướng trao đổi với Phó Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam, Patrick Haverman - Ảnh: VGP/Hải Minh

Đối với các địa phương, cần lồng ghép nội dung phòng, chống với thiên tai vào trong các quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương mình nhằm hạn chế tối đa rủi ro, thiệt hai do thiên tai, Phó Thủ tướng lưu ý.

Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ, đồng hành của các tổ chức, cán nhân trong và ngoài nước, cũng như các tổ chức quốc tế trong việc phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai tại Việt Nam.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2022, tình hình thiên tai trên thế giới diễn ra rất phức tạp với quy mô lớn chưa từng có, phạm vi ảnh hưởng rộng, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, điển hình như nắng nóng, hạn hán kéo dài, nghiêm trọng nhất trong vòng 500 năm tại châu Âu; siêu bão Ian đổ bộ vào Mỹ cuối tháng 9 làm 154 người chết; lũ lụt lịch sử trong tháng 7-8 tại Pakistan làm gần 1.700 người thiệt mạng…

Thiên tai năm 2022 đã làm 30.700 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế trên 224 tỷ USD. Đặc biệt, đầu năm 2023, tại khu vực miền Nam và miền Trung Thổ Nhĩ Kỳ, giáp biên giới với Syria đã xảy ra 2 trận động đất với độ lớn 7,8 và 7,5 độ Fichter gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng: 53.000 người chết, 130.000 người bị thương và hơn 6.200 toà nhà bị sập đổ, thiệt hại kinh tế trên 105 tỷ USD.

Phó Thủ tướng trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống thiên tai, trong đó có UNDP tại Việt Nam và UNICEF tại Việt Nam - Ảnh: VGP/Hải Minh

Tại Việt Nam, thiên tai xảy ra cực đoan, trái quy luật ngay từ những tháng đầu năm và trên các vùng miền cả nước với 21/22 loại hình thiên tai, 1.072 trận thiên tai được thống kê.

Một số đợt thiên tai cực đoan, dị thường trong năm 2022 có thể kể đến: Mưa lớn kéo dài tại miền Bắc trong các tháng 4, 5, 6; miền Trung hứng chịu liên tiếp 3 cơn bão đổ bộ và mưa lũ sau bão gây thiệt hại nặng nề; 247 trận động đất xảy ra trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum; đê biển Tây, tỉnh Cà Mau bị sạt lở do sóng lớn…

Thiên tai trong năm đã làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỷ đồng, gấp 1,6 lần thiệt hại về người và 3,4 lần thiệt hại về kinh tế so với năm 2021.

Dự báo trong năm 2023, nắng nóng có thể gay gắt hơn, vì vậy các địa phương cần đề phòng khả năng xảy ra thiếu nước, chú trọng phòng ngừa cháy nổ, hỏa hoạn.

Theo Chính phủ

Tin cùng chuyên mục
Tin khác