Tây Ninh: Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm dẫn đầu khu vực Đông Nam bộ
Theo Cục Thống kê, tỉnh Tây Ninh, hoạt động kinh tế - xã hội các tháng đầu năm 2024 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt; xung đột, rủi ro bất ổn chính trị, kinh tế, xã hội gia tăng trong nhiều khu vực và trên phạm vi toàn cầu; thiên tai, hạn hán, bão lũ, biến đổi khí hậu ngày càng khó lường...
Năm 2024 là năm Tây Ninh triển khai nhiều giải pháp, tạo bước đột phá để hoàn thành các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đưa ra nhiều giải pháp kịp thời, đúng hướng, thống nhất từ Chính phủ, đến chính quyền các cấp ở địa phương, sự đồng thuận và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh khởi sắc tích cực ở hầu hết các lĩnh vực.
Kết quả kinh tế của tỉnh 6 tháng đầu năm duy trì đà tăng trưởng khá, xếp thứ 17/63 tỉnh, thành phố cả nước và dẫn đầu các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm đạt nhịp độ tăng trưởng tăng 7,90% so cùng kỳ, trong đó khu vực tăng trưởng cao nhất là công nghiệp xây dựng tăng 11,02%; thương mại dịch vụ tăng 7,09%; còn khu vực nông lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 3,74%; phần thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm, tăng 2,63% thấp hơn cùng kỳ năm trước.
Đóng góp nhiều nhất vào mức tăng trưởng chung của GRDP 6 tháng đầu năm là khu vực công nghiệp xây dựng, với 4,77 điểm %; kế đến là khu vực thương mại dịch vụ, với 2,25 điểm %; khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chỉ đóng góp 0,75 điểm %. Phần thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm, cũng đóng góp 0,13 điểm %. Kết quả từng quý, GRDP quý I có tốc độ tăng khá cao 8,52%, đà tăng trưởng có chậm lại ở quý II là 7,36%.
Về cơ cấu kinh tế của tỉnh 6 tháng đầu năm, khu vực công nghiệp - xây dựng vẫn là khu vực kinh tế chiếm tỷ trọng cao nhất 47,0% trong GRDP, kế đến là khu vực dịch vụ 31,49%, khu vực nông - lâm nghiệp - thủy sản tiếp tục xu hướng giảm trong cơ cấu và chiếm tỷ trọng 16,96%, phần thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 4,55%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn 6 tháng ước đạt 6.375 tỷ đồng, đạt 57,43% dự toán năm, tăng 14,85% so cùng kỳ. Tổng chi ngân sách 6 tháng ước đạt 4.991 tỷ đồng, đạt 44,69 % dự toán, giảm 2,70% so cùng kỳ.
- Đắk Lắk đưa Cổng Thông tin điện tử của tỉnh lên Zalo
- Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới "Tri thức, đạo đức, sức khoẻ và trách nhiệm"
- Đồng bào các dân tộc “chung tay xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh, bền vững”
- Khai mạc Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La lần thứ IV, năm 2024