Khởi nghiệp sáng tạo

Thành công từ khát khao xây dựng quê hương giàu đẹp

Phan Nguyệt - 07:24 10/08/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - (Tapchinongthonmoi) Sau khi trở thành kỹ sư nông nghiệp, chị Trần Thị Luôn (Vĩnh Hựu, Gò Công Tây, Tiền Giang) quyết định về quê và khởi nghiệp với nghề nông. Bởi chị nghĩ rằng với những kiến thức có được sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn của người nông dân vốn vất vả quanh năm. Chắt chiu và cần mẫn, chị đã sản xuất thành công nấm Đông trùng hạ thảo, mở ra cơ hội làm giàu cho mình và đóng góp cho quê hương.
Chị Trần Thị Luôn nuôi cấy ĐTHT trong phòng thí nghiệm tại Công ty Thiên Ân.

Công việc ý nghĩa của cuộc đời

Chị Trần Thị Luôn sinh ra và lớn lên trong một vùng quê thuần nông. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh (HCM), bằng sự kiên trì, học hỏi chị đã có được một công việc ổn định ở TP. Hồ Chí Minh. Sau 4 năm làm việc, chị dần dần định hình những việc mình có thể làm phù hợp với kinh tế nông nghiệp. Cũng trong thời điểm đó, nghề chăn nuôi của người dân quê chị gặp khó khăn từ đó càng thôi thúc chị phải tìm kiếm những hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp. 

“Tôi nhận ra đây là lúc mình phải trở về và đóng góp công sức tại quê nhà. Với kiến thức về nông nghiệp có được, tôi quyết định lập kế hoạch sản xuất nấm ăn, gồm: Nấm bào ngư, nấm rơm, nấm mèo ..., nhằm giúp cho người dân quê tôi có thêm thu nhập. Trong quá trình tìm tòi, học hỏi, tiếp cận với công nghệ mới, tôi nhận ra nấm đông trùng hạ thảo là một loại nấm dược liệu quý hiện đã được nuôi trồng nhân tạo thành công trong nhà kín. Như một sức hút kỳ lạ, đông trùng hạ thảo (ĐTHT) đã đến với tôi từ đó” chị Luôn chia sẻ. 

Theo chị Luôn, ĐTHT từ xa xưa đã được biết là một loại dược thảo quý cho sức khỏe con người nhưng rất hiếm và đắt. Vì thế, người thu nhập trung bình rất khó tiếp cận đông trùng hạ thảo. Xuất phát từ việc tìm mua ĐTHT dùng cho người thân bị bệnh quá đắt và khó tìm được sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nên chị đã có ý tưởng nuôi cấy ĐTHT tại địa phương mình. 

Tuy nhiên khi bắt tay vào thực hiện ý tưởng cũng là lúc chị phải đổi mặt với rất nhiều khó khăn. Chị có may mắn là được sự hỗ trợ về giống, tài liệu nghiên cứu của các thầy ở các trường đại học, viện nghiên cứu và một người bạn đang công tác tại một trường đại học ở Thái Lan, cộng với kinh nghiệm tích lũy từ nghề sản xuất nấm bào ngư trước đây... nên thuận lợi cho việc nghiên cứu. Tuy nhiên, khi đưa vào thực nghiệm là quá trình tốn rất nhiều thời gian, công sức và chi phí. Do phải điều chỉnh nhiều lần các yếu tố của phòng nuôi cấy (nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng…) cùng các thông số của nguyên liệu đầu vào (cơ chất) nhằm tạo ra thành phẩm (quả thể nấm) đạt chất lượng như mong muốn (hoạt chất ổn định, nấm quả thể có màu vàng cam, mềm, dai, cao từ 5 - 7cm). 

“Tôi lao vào tìm tòi nghiên cứu, học hỏi, tìm nguồn tài liệu trong và ngoài nước, kết hợp ứng dụng thành tựu mới trong lĩnh vực công nghệ sinh học, tôi quyết tâm sản xuất cho kỳ được loại nấm quý này. Với sự kiên trì nhẫn nại, hạnh phúc trào dâng khi tôi cầm bản xét nghiệm dược chất trong tay với kết quả dược tính cao. Và tự tin hiểu rằng, mình đã kiểm soát được quy trình nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo” chị Luôn tự hào cho biết thêm.

Bằng niềm tin và sự đam mê, sau hơn 2 năm miệt mài nghiên cứu, chị Luôn đã nuôi cấy thành công nấm đông trùng hạ thảo và hoàn thiện quy trình công nghệ nuôi trồng. Sau khi đưa ra thị trường, sản phẩm được khách hàng đánh giá cao. Cở sở nấm của chị cũng mở rộng quy mô để tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Các sản phẩm ĐTHT của Công ty Thiên Ân đạt giải Nhất cuộc thi “Sản phẩm nông sản tiêu biểu”.

Tạo vị thế vững chắc từ chất lượng sản phẩm

Sản xuất thành công dòng nấm quý, nhưng chị Luôn lại đối mặt với bài toán nan giải khác đó là vấn đề đưa sản phẩm ra thị trường. Bởi, để tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm nấm tươi, yêu cầu bảo quản, vận chuyển đòi hỏi rất cao. Để tháo gỡ khó khăn này, chị Luôn quyết định thành lập Công ty TNHH Đông trùng hạ thảo Thiên Ân, với sứ mệnh tạo thương hiệu cho sản phẩm và chế biến các sản phẩm sau thu hoạch từ ĐTHT. Công ty đã đầu tư 34 phòng nuôi nấm (30m2/phòng) và 4 phòng ủ tối (60m2/phòng) cơ chất. Mỗi phòng có thể nuôi được 5.000 hộp phôi nấm, cuối đợt thu hoạch từ 45 - 50kg nấm quả thể (giá bán khoảng 4 triệu đồng/kg).

Theo chị Luôn, để sản phẩm gần gũi hơn với người tiêu dùng, giá thành hợp lý, sao cho tất cả các đối tượng nhất là những người có thu nhập thấp cũng có thể sử dụng được, nên chị tiếp tục bước qua lĩnh vực chế biến, một lần nữa chị có được cơ hội ứng dụng thành tựu của sự phát triển về công nghệ thực phẩm. Và các dòng sản phẩm như: Nước đông trùng hạ thảo, Sốt đông trùng hạ thảo, Tổ yến chưng đông trùng hạ thảo, rượu đông trùng hạ thảo… ra đời phục vụ cho sức khỏe cộng đồng trước những nguy cơ bệnh tật ngày càng phổ biến do nhiều nguồn thực phẩm bẩn cũng như vấn đề ô nhiễm gây ra. Hiện tại, các sản phẩm ĐTHT do Công ty Thiên Ân sản xuất đã được Trung tâm Dịch vụ Phân tích thí nghiệm TP. Hồ Chí Minh (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh) chứng nhận đáp ứng các chỉ tiêu về lý, hóa, vi sinh.  

Các sản phẩm đông trùng hạ thảo do Công ty Thiên Ân sản xuất có giá bán thấp hơn nhiều so với một số sản phẩm cùng loại trên thị trường. Lý giải điều này, chị Luôn cho biết là nhờ giải pháp tiết tiệm chi phí đầu tư. Hiện Công ty tự thiết kế và xây dựng hạng mục nhà xưởng, thiết bị và sử dụng cơ chất nuôi cấy từ nguồn gốc thực vật có sẵn (để thay thế nhộng tằm) đã giúp tiết giảm đáng kể giá thành sản xuất. Ngoài ra, do quy trình nuôi cấy nấm trong điều kiện vô trùng và được giám sát nghiêm ngặt (nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng… được duy trì giống như những gì đang diễn ra ngoài tự nhiên) nên cơ chất và phôi giống nuôi cấy có tỷ lệ thành công cao, chất lượng sản phẩm khá đồng đều cũng giúp giảm chi phí sản xuất. 

Hiện nay cơ sở sản xuất của chị Luôn đang tạo việc làm thường xuyên cho gần 50 lao động, với mức thu nhập từ 6 - 7 triệu đồng/tháng và hàng trăm lao động thời vụ, thu nhập từ 150 - 200 ngàn đồng/ngày công. 

Vừa qua, để hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19, gia đình chị Luôn đã ủng hộ 52,5kg ĐTHT sấy khô (trị giá 28 triệu đồng/kg) phục vụ các bệnh nhân và nhân viên y tế của các bệnh viện dã chiến trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Với những nỗ lực đóng góp cho quê hương, chị Luôn đã được trao tặng Bằng khen của UBND tỉnh Tiền Giang và của T.Ư Hội Nông dân Việt Nam. 

Năm 2020, các sản phẩm ĐTHT của Công ty Thiên Ân đã được cấp chứng chỉ sản phẩm OCOP 4 sao của huyện Gò Công Tây; là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Tiền Giang; đạt giải Nhất cuộc thi “Sản phẩm nông sản tiêu biểu” tại Phiên chợ Tuần nông sản an toàn thực phẩm và Tuần hàng Việt...

Tin cùng chuyên mục
Tin khác