Thúc đẩy thay đổi tư duy của nông dân Việt Nam từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp
Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ người nông dân chưa thay đổi tư duy, thiếu năng lực, tâm thế làm chủ nên quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới vẫn còn hạn chế, yếu kém. Điều đó đặt ra vấn đề phải thúc đẩy thay đổi tư duy của người nông dân, trong đó, vai trò của Hội Nông dân Việt Nam rất quan trọng.
Một số nhận thức về tư duy, tư duy sản xuất nông nghiệp và tư duy kinh tế nông nghiệp
Theo Từ điển tiếng Việt của Trung tâm từ điển học, tư duy có nghĩa là giai đoạn cao của quá trình nhận thức, đi sâu vào bản chất và phát hiện ra tính quy luật của sự vật bằng những hình thức như biểu tượng, khái niệm, phán đoán và duy lý.
Với nhận thức khái quát về tư duy như trên ta có thể hiểu tư duy sản xuất nông nghiệp là quá trình nhận thức các quy luật khách quan về đời sống sinh học của thực vật, động vật nhất là các loại cây trồng, vật nuôi; quy luật chuyển hóa của nguyên vật liệu sản xuất, quy trình sản xuất nông nghiệp và sử dụng tài nguyên vật liệu để gia tăng năng suất và sản lượng sản phẩm nông nghiệp. Tư duy sản xuất nông nghiệp có hạn chế cơ bản là người sản xuất không chú trọng đến nhu cầu thị trường, chỉ sản xuất thứ mình có chứ không sản xuất thứ thị trường cần, do đó hàng hóa không thể bán được giá cao. Sẵn sàng sử dụng các loại giống, phân bón, các loại thuốc để gia tăng năng suất mà không chú trọng đến chất lượng và sự an toàn của sản phẩm. Chỉ quan tâm đến việc tăng sản lượng mà không quan tâm tìm cách gia tăng giá trị sau thu hoạch thường bán sản phẩm thô nên không có lợi nhuận cao. Khi thu hoạch thường phó mặc cho người mua và không chú ý đến xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, truy xuất nguồn gốc. Tư duy sản xuất nông nghiệp là sản phẩm của thời bao cấp, đã trở thành thói quen cho đến nay một bộ phận không nhỏ người nông dân vẫn chưa thay đổi.
Tư duy kinh tế nông nghiệp trước hết cũng là quá trình nhận thức các quy luật khách quan về đời sống sinh học của thực vật, động vật nhất là các loại cây trồng, vật nuôi; quy luật chuyển hóa của nguyên vật liệu sản xuất, quy trình sản xuất nông nghiệp và sử dụng tài nguyên vật liệu để gia tăng năng suất và sản lượng sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, tư duy kinh tế nông nghiệp khác hẳn với tư duy sản xuất nông nghiệp ở chỗ:
Nông dân sử dụng hiệu quả nguồn lực hữu hạn trong nông nghiệp để sản xuất sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường và đạt được lợi nhuận cao nhất có thể.
Nông dân phải căn cứ nhu cầu của thị trường để xác định chủng loại, tiêu chuẩn sản phẩm cần sản xuất. Theo tư duy này dẫn dắt người nông dân phải biết người tiêu dùng cần loại sản phẩm nông nghiệp hàng hóa nào? Tiêu chuẩn như thế nào? Từ đó, xác định kết quả đầu ra với chủng loại, tiêu chuẩn sản phẩm nông nghiệp hàng hóa phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng.
Quá trình sản xuất nông nghiệp phải bảo đảm chất lượng để đạt tiêu chuẩn, yêu cầu của khách hàng. Theo đó, người nông dân phải phân tích, so sánh những sản phẩm nông nghiệp hàng hóa mình đã sản xuất được so với nhu cầu người tiêu dùng để tìm cách đáp ứng bằng việc thay đổi cách nghĩ, cách làm, cách tổ chức quy trình sản xuất, thay đổi nguyên liệu đầu vào, thay đổi giống cây trồng, vật nuôi.
Nông dân luôn tìm cách giảm chi phí hợp lý trong quá trình sản xuất. Với tư duy này, người nông dân sẽ phải có cách nghĩ và hành động cụ thể, làm giảm tất cả những gì có thể nếu không ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm. Bắt đầu từ giá và chất lượng nguyên liệu, cải tiến quy trình để giảm chi phí trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến, vận chuyển. Mục tiêu là lợi nhuận cao nhất có thể nên người nông dân phải tìm cách hạ giá thành, tăng năng suất đúng theo khả năng sinh học bình thường của cây trồng, vật nuôi và tăng giá bán hợp lý.
Nông dân luôn tìm cách tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp hàng hóa sau thu hoạch, như: phân loại, làm sạch, đóng gói, thiết kế nhãn hiệu hàng hóa, sau đó tiến hành sơ chế, chế biến và chế biến sâu, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, truy xuất nguồn gốc…
Chủ động tiêu thụ sản phẩm với giá hợp lý, cụ thể là người nông dân phải chủ động giới thiệu, quảng bá và mang sản phẩm hàng hóa đến với người tiêu dùng chứ không phải để người tiêu dùng tìm đến mua sản phẩm của mình. Chủ động tìm kiếm khách hàng bằng nhiều kênh bán hàng hoặc liên kết tiêu thụ sẽ bán được sản phẩm với giá hợp lý từ đó nâng cao doanh thu và gia tăng lợi nhuận.
Tư duy kinh tế nông nghiệp dẫn dắt nông dân luôn quan tâm nâng cao năng lực cạnh tranh. Họ muốn bán được hàng thì phải xem xét trên thị trường đã có ai cùng bán sản phẩm cùng loại, cùng thời điểm với mình và cùng phân khúc khách hàng hay không? Đặc trưng sản phẩm của họ thế nào? Cách họ xúc tiến bán hàng và bán hàng, thanh toán và hậu mãi ra sao? Từ đó, người nông dân phải tìm cách cạnh tranh với đối thủ hoặc tìm thị trường ngách để sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của mình.
Tóm lại, với tư duy kinh tế nông nghiệp sẽ dẫn dắt người nông dân sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, áp dụng khoa học công nghệ để sản xuất sản phẩm có năng suất cao, chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu của thị trường và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Một số thành tựu và hạn chế trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhất là sự thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp của người nông dân, sự nghiệp phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới đã đạt được nhiều thành tựu rất to lớn. Cụ thể:
Ngành Nông nghiệp chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, năng suất và chất lượng ngày càng cao; toàn ngành đã và đang được cơ cấu lại gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt được nhiều kết quả. Từ đó, phát huy lợi thế so sánh, sử dụng nguồn lực hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng tăng trưởng. Sản xuất kinh doanh nông nghiệp phát triển mạnh theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần quan trọng xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân nông thôn. Hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, như: Sản xuất lúa gạo ở đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long; chè ở vùng trung du miền núi phía Bắc, tỉnh Lâm Đồng; cà phê, cao su ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ; cá tra, tôm ở đồng bằng sông Cửu Long, duyên hải miền Trung…
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giai đoạn 2008 - 2020, tốc độ tăng tưởng GDP của ngành Nông nghiệp đạt 3,01%/năm, năm 2021 đạt 2,9% và năm 2022 đạt 3,0%. Quy mô xuất khẩu nông sản tăng nhanh: Năm 2020 đạt 42,34 tỷ đôla Mỹ, năm 2022 đạt 53,2 tỷ đôla Mỹ. Nghị quyết Hội nghị lần thứ Năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khẳng định: “Nông nghiệp tiếp tục phát triển cả quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao, khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia”.
Hội viên nông dân phường Quảng Long (TX. Ba Đồn, Quảng Bình) áp dụng khoa học kỹ thuật giúp tăng năng suất cây trồng. Ảnh Hải Long
Công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn phát triển nhanh, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập của người dân nông thôn. Cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn chuyển đổi tích cực theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Số hộ nông thôn hoạt động công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng nên tỷ trọng thu nhập của các hộ cũng thay đổi theo hướng tích cực. Theo Tổng cục Thống kê: Số hộ nông thôn hoạt động công nghiệp, xây dựng và dịch vụ năm 2020 chiếm 45%, tăng 10,59% so với năm 2011; Tỷ trọng thu nhập từ hoạt động sản xuất nông nghiệp trong cơ cấu thu nhập hộ/tháng ở nông thôn giảm từ 39% năm 2008 xuống còn khoảng 18,5% năm 2020. Các trung tâm thương mại - dịch vụ, công nghiệp chế biến và bảo quản nông - lâm - thủy sản ở nông thôn được đầu tư và đi vào hoạt động. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt được nhiều kết quả tích cực. Dịch vụ ở nông thôn, nhất là dịch vụ thủy lợi, thú y, bảo vệ thực vật, cấp nước sạch, xử lý rác thải sinh hoạt, thương mại, cung ứng vật tư, tiêu thụ nông sản có bước phát triển mới.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều thành tựu to lớn, làm thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn Việt Nam: Hạ tầng cơ sở thiết yếu được nâng cấp theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết nối với đô thị, phục vụ ngày càng tốt hơn cho sản xuất và đời sống; nông thôn khang trang, văn minh, hiện đại; hệ thống chính trị cơ sở được củng cố. Khu vực nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, thu nhập và điều kiện sống của người dân được cải thiện và nâng cao, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Theo đánh giá của Đảng và Nhà nước, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt kết quả “to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử”.
Những thành tựu to lớn trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới có nhiều nguyên nhân, trong đó phải khẳng định vai trò chủ thể của người nông dân được phát huy, tư duy sản xuất kinh doanh nông nghiệp không ngừng đổi mới theo hướng chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, chủ động tham gia hợp tác, liên kết, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế, phát triển ngành nghề nông thôn, xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu to lớn đạt được, sự nghiệp phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới còn hạn chế, yếu kém:
Nông nghiệp phát triển thiếu bền vững, năng suất lao động thấp, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm; chưa thực sự chuyển mình theo hướng công nghiệp, hiện đại, gắn với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Quy hoạch sản xuất còn chủ quan, duy ý chí, chưa bám sát, dự báo đúng nhu cầu của thị trường. Tổ chức sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào việc sử dụng nhiều tài nguyên, lao động, vật tư đầu vào; sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết; việc tích tụ, tập trung ruộng đất cho phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn chưa đạt yêu cầu.
Kinh tế nông thôn còn hạn chế, công nghiệp và dịch vụ nông thôn chậm phát triển, chưa tạo động lực thu hút đầu tư cho phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiệu quả; chưa thúc đẩy mạnh mẽ quá trình phân công và phân công lại lao động nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập và tích luỹ cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa; khả năng tạo ra nhiều công ăn việc làm và thu nhập cho số đông dân cư, nâng cao đời sống của người dân, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái còn nhiều bất cập.
Khoảng cách chênh lệch khá lớn về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các địa phương, giữa các vùng, miền; tư duy ngành Nông nghiệp và người nông dân còn chú trọng tăng quy mô, sản lượng trong sản xuất mà chưa quan tâm nhiều đến nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm; một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến tiêu chí môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giữ gìn an ninh trật tự xã hội nông thôn.
Một trong những nguyên nhân của hạn chế, yếu kém nói trên là do vẫn còn một bộ phận không nhỏ người nông dân còn thiếu năng lực, tâm thế làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Phần lớn cư dân nông thôn thường mang trong mình tâm lý cam chịu hoàn cảnh, trông chờ, ỷ lại vào sự chỉ đạo, hỗ trợ của chính quyền. Họ thiếu khả năng sáng tạo, tinh thần tự chủ và năng lực liên kết, phối hợp hành động. Đây là những trở ngại tự thân, khiến nông thôn mặc dù có lực lượng lao động đông đảo nhưng trì trệ, thiếu kỹ thuật nên năng suất lao động và thu nhập thấp. Quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới chỉ thành công bền vững khi người nông dân thay đổi. Đó là sự thay đổi quan trọng nhất, bởi họ là người trực tiếp của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Vai trò của Hội NDVN trong việc thúc đẩy thay đổi tư duy cho người nông dân trong thời gian tới
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh”(2). Muốn vậy, người nông dân phải thực sự là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Người nông dân phải được tiếp cận tư duy kinh tế nông nghiệp, bồi bổ tri thức, kỹ năng giúp người nông dân tiếp cận cách thức sản xuất, kinh doanh hiệu quả, làm giàu bền vững. Vì vậy, trong việc này, vai trò của Hội Nông dân Việt Nam rất quan trọng thể hiện ở một số nội dung sau đây:
Một là, tuyên truyền, vận động người nông dân nhận thức rõ mình là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới, từ đó phát huy lòng yêu nước, khát vọng làm giàu, tự mình thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm; chủ động và tích cực tham gia cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại; chủ động tham gia hợp tác, liên kết trong sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển nông nghiệp toàn diện, thực chất và hiệu quả; chủ động và tự giác từng bước chuyển đổi ngành nghề, phát triển đa dạng các hoạt động thương mại, dịch vụ hỗ trợ sản xuất và phục vụ dân sinh, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; tích cực tham gia, đóng góp vào sự thành công của công cuộc xây dựng nông thôn mới, trong đó chủ động tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, đóng góp ý kiến xây dựng các đề án quy hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, các thiết chế văn hóa theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, làm cho diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, văn minh. Khi người nông dân chủ động, tự giác, tích cực tham gia quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới tạo cơ sở vững chắc cho sự thay đổi tư duy, hình thành tư duy mới - tư duy kinh tế nông nghiệp.
Hai là, tăng cường đào tạo nâng cao trình độ, học vấn, xây dựng người nông dân văn minh, có năng lực tổ chức sản xuất tiên tiến, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Tổ chức có hiệu quả các dịch vụ tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ, tạo việc làm cho nông dân; định hướng hỗ trợ nông dân thay đổi tư duy trong sản xuất, kinh doanh, lấy giá trị, hiệu quả làm mục tiêu phát triển, đồng thời thúc đẩy liên kết, hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường đào tạo, tập huấn cho nông dân các kiến thức mới về nông nghiệp, khoa học công nghệ, pháp luật, quản trị và quản lý sản xuất kinh doanh, chuyển đổi số, kinh tế số; kỹ năng sản xuất tiên tiến, kỹ năng marketing, bán hàng, sử dụng công nghệ, thiết bị điện tử, dịch vụ công tạo sự chuyển biến căn bản về trình độ kiến thức và bản lĩnh của nông dân. Đặc biệt quan tâm đến việc trang bị những kiến thức cơ bản về thị trường nông sản cho nông dân - một trong những yêu cầu cơ bản để có được tư duy kinh tế nông nghiệp.
Đẩy mạnh các hoạt động đào tạo nghề cho nông dân theo hướng “chuyên nghiệp hóa nông dân” gắn với nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp, hợp tác xã để nông dân chủ động tham gia các liên kết chuỗi giá trị nông sản với các mô hình liên kết phù hợp. Tranh thủ các hoạt động hợp tác quốc tế, các đối tác nước ngoài hợp tác đầu tư phát triển nông nghiệp ở Việt Nam tạo điều kiện cho nông dân học tập kinh nghiệm, tiếp thu công nghệ tiên tiến để phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Ba là, đẩy mạnh việc chuyển từ hỗ trợ các hộ kinh tế cá thể sang hỗ trợ kinh tế tập thể sẽ tạo động lực cho sự hợp tác, liên kết giữa những người nông dân. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ người nông dân chuyển từ mô hình sản xuất hộ gia đình sang hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn; phát triển đa dạng các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao gắn với quy trình kỹ thuật chuẩn và mã vùng sản xuất. Hợp tác và liên kết, định vị được thị trường và đáp ứng những quy mô, tiêu chuẩn của thị trường là một trong những điều kiện giúp người nông dân thay đổi tư duy. Tập trung các nguồn lực hỗ trợ nông dân đầu tư, áp dụng các thiết bị cơ giới tiên tiến, các loại hình nhà kính, nhà lưới, chuồng trại chăn nuôi hiện đại gắn với các quy trình sản xuất tiên tiến, công nghệ cao, chuyển đổi số; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, đăng ký, bảo hộ quyền sở hữu đối với các sản phẩm nông sản. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Bốn là, tạo điều kiện để người nông dân thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất, tiếp cận trực tiếp với tư duy kinh tế nông nghiệp bằng cách đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu gương nông dân giỏi điển hình, mô hình hợp tác, liên kết tiêu biểu để tạo sức lan tỏa; tuyên tuyền về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, chuyển đổi số. Tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỷ luật lao động, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ tư duy của nông dân từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ tham gia xây dựng các chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi giá trị ngành hàng; tích cực tham gia liên kết, hợp tác sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, chủ động tham gia mô hình kinh tế tổ hợp tác, hợp tác xã. Đồng thời, tạo điều kiện, hỗ trợ các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi phát triển mạnh làm đầu tàu hướng dẫn, hỗ trợ các hộ nông dân khác, phát huy vai trò hạt nhân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Năm là, tiếp tục đề xuất với Đảng, Nhà nước, các bộ ban ngành ban hành những chính sách mới với cơ chế phù hợp khuyến khích nông dân giải phóng nguồn lực để tổ chức sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn. Cụ thể:
Khuyến khích nông dân đẩy mạnh tập trung, tích tụ đất nông nghiệp, tham gia thị trường cho thuê đất nông nghiệp; tạo mọi điều kiện thuận lợi để nông dân được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch. Bảo đảm sự công bằng về trách nhiệm, quyền lợi giữa nông dân và doanh nghiệp trong hợp tác, liên kết sản xuất kinh doanh nông nghiệp, thu hút nông dân tham gia hợp tác, liên kết, phát triển kinh tế tập thể, bảo đảm không “đứt, gãy” trong hợp tác, liên kết. Phát huy hiệu quả liên kết “4 nhà” (Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà nông - Nhà doanh nghiệp) bền vững ở tất cả các khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản; tăng cường liên kết giữa Nhà nước - tổ chức nghiên cứu - doanh nghiệp - tổ chức chuyển giao và nông dân để đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh.
Sáu là, tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân trực tiếp tham gia quá trình xây dựng và phát triển văn hóa nông nghiệp sản xuất lớn để dần thay thế cho văn hóa nông nghiệp sản xuất nhỏ. Văn hóa nông nghiệp sản xuất lớn là môi trường để tư duy kinh tế nông nghiệp nảy nở và phát huy. Tuyên truyền để hội viên, nông dân hiểu rõ về giá trị văn hóa mới được hình thành trong quá trình sản xuất lớn để họ hiểu rõ hơn vai trò chủ thể của họ trong quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời tiếp thu những giá trị văn hóa, như: Chủ động, sáng tạo, tinh thần doanh nghiệp, trách nhiệm, trung thực, chuyên nghiệp, hợp tác, khoa học, dân chủ, công bằng, dám mạo hiểm… trong quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Qua thực tiễn lao động sáng tạo của người nông dân, Hội cần tập trung xây dựng mẫu hình người nông dân mới, hiện đại, văn minh để hình thành hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực người nông dân văn minh, từng bước vươn lên khắc phục những hạn chế của người nông dân bị ảnh hưởng nặng nề của tư duy nông nghiệp sản xuất nhỏ.
*Nguyên Phó Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật
Tài liệu tham khảo:
(1). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr 88-89.
(2). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr 124.
Xem: Nguyễn Tiến Cương: Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong tình hình mới, https://tuyengiao.vn.
Xem: Tổng cục Thống kê: Niên giám năm 2020.
Xem: Tổng cục Thống kê: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2021, https://www.gso.gov.vn
Xem: Tổng cục Thống kê: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022, https://www.gso.gov.vn
- Cà Mau: Sẽ xây mới, sửa chữa 4.400 căn nhà
- Mở ra nhiều cơ hội để các doanh nghiệp trong nước tiếp cận với các công nghệ, giải pháp, sản phẩm tiên tiến, hiện đại
- Việt Nam đang có nhiều thuận lợi trong việc thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm
- An Giang: Ứng dụng chuyển đổi số là chìa khóa góp phần tạo nên một nền nông nghiệp thông minh, bền vững, hiệu quả