Thúc đẩy triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đồng thời tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn
Để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 100/2023/QH15 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Các Bộ, cơ quan: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), Ủy ban Dân tộc theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan chủ dự án thành phần để thông báo mức vốn sự nghiệp năm 2024 và 2025 cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương theo đúng quy định tại Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ; hoàn thành trong tháng 7/2023.
Các Bộ, cơ quan: NN&PTNT, LĐTB&XH, Ủy ban Dân tộc theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan chủ dự án thành phần nghiên cứu, xây dựng sổ tay hướng dẫn chi tiết, tích hợp cụ thể các văn bản hướng dẫn, quy trình, thủ tục và bộ hồ sơ Mẫu cho từng dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của các chương trình mục tiêu quốc gia; hoàn thành trong quý III/2023 và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
Bộ Y tế khẩn trương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, NN&PTNT, Ủy ban Dân tộc và các địa phương liên quan lựa chọn một số dự án về đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi để tập trung hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện điểm tại một số địa phương có điều kiện phù hợp; tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện, rút ra các bài học kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và phổ biến, nhân rộng mô hình trên địa bàn cả nước; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý IV/2023.
Ủy ban Dân tộc khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan chủ dự án thành phần rà soát tổng thể Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I, xây dựng hồ sơ đề xuất điều chỉnh nội dung Quyết định phê duyệt Chương trình theo đúng quy định, trình tự, thủ tục của pháp luật về đầu tư công; báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong tháng 8/2023. Trên cơ sở đề xuất của Ủy ban Dân tộc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước để tổ chức thẩm định theo quy định; hoàn thành thẩm định trong tháng 9/2023.
Bộ LĐTB&XH khẩn trương nghiên cứu, đề xuất tiêu chí xác định người lao động có thu nhập thấp là đối tượng thụ hưởng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11/2023.
Trên cơ sở kết quả rà soát, đề xuất của các Bộ, cơ quan Chủ Chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tổng hợp, nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh các chỉ tiêu giao cho các bộ, ngành, địa phương tại Quyết định số 652/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ bảo đảm phù hợp tình hình thực tiễn; đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc (nếu có), báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý III/2023.
Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung các Thông tư quy định về kinh phí sự nghiệp thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Văn phòng Chính phủ đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ nêu trên theo quy định.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Chính phủ và các Bộ, cơ quan Trung ương đã khẩn trương, quyết liệt chỉ đạo và ban hành 1 nghị định, 2 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 5 thông tư, 4 văn bản hướng dẫn và nhiều văn bản khác để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại các địa phương.
- Cà Mau: Sẽ xây mới, sửa chữa 4.400 căn nhà
- Mở ra nhiều cơ hội để các doanh nghiệp trong nước tiếp cận với các công nghệ, giải pháp, sản phẩm tiên tiến, hiện đại
- Việt Nam đang có nhiều thuận lợi trong việc thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm
- An Giang: Ứng dụng chuyển đổi số là chìa khóa góp phần tạo nên một nền nông nghiệp thông minh, bền vững, hiệu quả