Đất đai

Tiếp tục đề xuất miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030

Ngô Chức (Tổng hợp) - 06:50 23/12/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Tại công văn lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết kéo dài thời gian miễn thuế này đến hết năm 2030. Nếu được thông qua, Nghị quyết này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2026.

Theo Bộ Tài chính, dự án Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN) được xây dựng nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm nông nghiệp, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Đồng thời, tiếp tục phát huy kết quả đạt được của chính sách miễn thuế SDĐNN. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết của Quốc hội để kéo dài thời gian thực hiện miễn thuế SDĐNN theo quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12, Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH15 đến hết ngày 31/12/2030.

Nếu được thông qua, Nghị quyết sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2026.

Bộ Tài chính nhận định đây là giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ trực tiếp người nông dân, khuyến khích đầu tư vào sản xuất nông nghiệp và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Từ khi thực hiện đến nay, chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đã góp phần khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, thúc đẩy tập trung đất đai để sản xuất quy mô lớn và hiện đại hóa cơ cấu kinh tế nông thôn.

Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, tổng thuế được miễn giảm qua các giai đoạn như sau: Giai đoạn 2003-2010: Trung bình khoảng 3.268,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2011-2016 trung bình khoảng 6.308,3 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2017-2020 trung bình khoảng 7.438,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2021-2023 trung bình khoảng 7.500 tỷ đồng/năm.

Dự kiến, số thuế được miễn mỗi năm tới khoảng 7.500 tỷ đồng. Đây là hình thức hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân, tạo thêm nguồn lực tài chính cho khu vực nông nghiệp, nông thôn nhằm mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác