Thảo luận

Tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp gắn với phát triển hợp tác xã và liên kết chuỗi giá trị

(Tapchinongthonmoi.vn) - Những năm qua nông nghiệp đã trở thành “cứu cánh” hay “trụ đỡ” của nền kinh tế. Tăng trưởng của ngành luôn duy trì ở mức khá 2,0-3,0% năm, kể cả trong thiên tai, đại dịch xảy ra; sản lượng lương thực duy trì trên mức 50 triệu tấn, trong đó riêng lúa đạt 43-44 triệu tấn/năm, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực trong nước và còn dư để xuất khẩu.

Tại sao phải tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp gắn với phát triển hợp tác xã và liên kết chuỗi giá trị?
Tuy nhiên nông nghiệp Việt Nam vẫn có những điểm yếu cố hữu, điều mà các chuyên gia Ngân hàng thế giới gọi đó là “gót chân A-sin” nông nghiệp Việt Nam. Điều này được thể hiện: (1) Sự “lạm dụng” phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và khai thác quá mức khiến cho nguồn lực đất đai, nước ngọt suy kiệt và ô nhiễm, các hệ sinh thái và đa dạng sinh học suy giảm đe dọa khả năng phát triển bền vững; (2) Do chạy năng suất, theo sản lượng nên vấn đề nâng cao chất lượng nông sản ít được quan tâm, giá thành cao khiến sức cạnh tranh sản phẩm thấp. Đặc biệt, nông dân sản xuất trong cơ chế thị trường xong không biết hoặc không hiểu thị trường; (3) Doanh nghiệp và nông dân cần nhau nhưng lại không thể xây dựng quan hệ bền vững; năng suất, sản lượng liên tục tăng mà thu nhập của nông dân lại tăng chậm; (4) Người sản xuất cần vốn, cần khoa học kỹ thuật nhưng ngân hàng và các tổ chức chuyển giao khoa học lại khó tiếp cận đến hàng triệu hộ nhỏ. 

Thành lập hợp tác xã kiểu mới là xu hướng tất yếu trong nông nghiệp.
Để thoát khỏi “lời nguyền” này chỉ có cách chúng ta phải tổ chức lại sản xuất như chỉ đạo của Bộ trưởng Lê Minh Hoan: “Đó là mệnh lệnh!”. Để vượt qua lời nguyền thì phải vượt qua tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát và phải kết nối thành chuỗi, trong chuỗi này có sự hợp tác của những người hợp tác với nhau trên cơ sở các tổ chức nông dân (hợp tác xã, tổ nhóm nông dân, hội quán,…); trong chuỗi đó có sự hợp tác của cộng đồng doanh nghiệp, hình thành tư duy hợp tác và tư duy liên kết theo chuỗi. Nông dân là người bắt đầu quy trình sản xuất và là người bắt đầu chuỗi này. Tổ chức lại sản xuất chính là phải “tư duy và tổ chức lại” nền nông nghiệp theo định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp và các tổ chức nông dân, hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị nông sản. 
Mục tiêu của việc đổi mới tư duy và tổ chức lại sản xuất, kinh doanh nông nghiệp định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp, phát triển tổ chức nông dân và liên kết chuỗi là để: i) Khắc phục điểm yếu, hạn chế của ngành nhất là trong quản trị chất lượng và kế hoạch sản xuất định hướng nhu cầu thị trường, tăng giá trị đầu ra, giảm giá thành qua đó tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp; ii) Giữ lại được các giá trị và tăng thu nhập cho khu vực nông nghiệp bằng việc sản xuất lớn về quy mô và tích hợp các giá trị, thay vì chỉ sản xuất nguyên liệu thì cần mở rộng cả sơ chế, chế biến, bảo quản, thương mại sản phẩm nông nghiệp và tận dụng, sử dụng các phế, phụ phẩm nông nghiệp. iii) Tận dụng các lợi thế vùng miền, sự đa dạng sinh học phát triển nền nông nghiệp sinh thái, tích hợp đa giá trị (nhất là khía cạnh văn hóa bản địa và du lịch nông nghiệp nông thôn).
Nội dung tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp 
Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030 tại Quyết định số 150/QĐ-TTg đặt ra yêu cầu tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp được xác định dựa trên 3 trục chính đó là: (1) Phát triển các tổ chức của nông dân (THT, HTX nông nghiệp); (2) Sản xuất theo hợp đồng và việc xây dựng chuỗi giá trị nông sản; (3) Phát triển vùng nguyên liệu nông sản đạt chuẩn. 
Về phát triển các tổ chức của nông dân (THT, HTX nông nghiệp)
Không một nền nông nghiệp hoạt động hiệu quả nào lại không cần phải tổ chức lại nông dân (dưới hình thức kinh tế tập thể - collective economy là các THT, HTX). Ở những quốc gia phát triển trung bình có 60 - 80% người dân tham gia HTX, cá biệt có quốc gia số lượng thành viên HTX cao hơn dân số do mỗi cá nhân có thể là xã viên của nhiều HTX khác nhau. HTX là sản phẩm của kinh tế thị trường với chức năng là giúp cho hoạt động kinh tế của các thành viên trở nên hiệu quả hơn do thông thường các HTX đảm nhiệm các hoạt động mà cá nhân mỗi hộ tự làm không hiệu quả bằng (ví dụ như dịch vụ tưới tiêu, dịch vụ mua chung, bán chung vật tư, phân bón, sản phẩm nông nghiệp để được triết khấu và bảo hành chất lượng hàng hóa) hoặc nâng cao khả năng đàm phán giá cả với các đối tác bên ngoài và tránh bị ép giá. HTX nông nghiệp ở nông thôn còn mở rộng các dịch vụ khác (kể cả dịch vụ phi nông nghiệp) để nâng cao lợi ích cho thành viên và cộng đồng ở nông thôn. Trong chuỗi giá trị sản phẩm nông sản, hợp tác xã là tác nhân ở đầu chuỗi đảm nhận việc tổ chức các dịch vụ trong cả công đoạn trước, trong và sau quá trình sản xuất nông nghiệp, có mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ, sản phẩm đầu vào, đầu ra, hoạt động không giới hạn bởi địa giới hành chính. 

Nông dân là thành viên HTX đang thu hoạch rau an toàn. Ảnh minh họa
Mục tiêu của HTX không phải là tìm kiếm lợi nhuận mà là tìm cách nâng cao lợi ích và phúc lợi cho thành viên và cộng đồng dân cư nông nghiệp, nông thôn. HTX cần vận động được càng nhiều nông dân tham gia HTX càng tốt. Hiện nay, HTX có vai trò quan trọng đặc biệt trong phát triển nông nghiệp và nông thôn. Đặc biệt là nhiệm vụ tổ chức nông dân cùng nhau sản xuất theo quy trình an toàn và kiểm soát nội bộ chất lượng sản phẩm; thực hiện truy xuất nguồn gốc; cung cấp dịch vụ chất lượng và cạnh tranh để hạ giá thành sản phẩm; đầu mối liên kết tiêu thụ sản phẩm cho thành viên và người dân; tiếp nhận chuyển giao công nghệ và thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. 
Đến hết tháng 12/2022, cả nước có khoảng 19.500 hợp tác xã nông nghiệp (HTX NN) và 91 Liên hiệp HTX NN. Theo Thông tư số 09, có khoảng 60% HTX NN được đánh giá xếp loại khá, tốt; 30% loại trung bình; còn lại 10% yếu kém. Đặc biệt nhiều mô hình mới xuất hiện trong đó phải kể đến 4.028 HTX tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, trên 2.000 HTX NN ứng dụng CNC, công nghệ số, 2.297 HTX NN thành lập DN trong HTX, 145 HTX NN hoạt động trực tiếp gia XNK và khoảng 1.200 HTX là chủ thể tham gia sản xuất và sở hữu khoảng 40% sản phẩm OCOP cả nước. Các hợp tác xã bước đầu đã thu hút được sự quan tâm của giới trẻ, những người đã qua đào tạo về làm việc. Thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho các HTX (theo Thông tư 340/TT-BTC) cả nước đã thu hút được trên 833 lao động qua đào tạo cao đẳng, đào tạo về làm việc cho các HTX nông nghiệp.
Mặc dù vậy, chất lượng hoạt động của khu vực KTTT, HTX vẫn được xem là còn nhiều hạn chế. Quy mô thành viên và quy mô vốn, doanh thu của các HTX còn nhỏ. Hạ tầng, nhất là hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh như kho bãi, nhà xưởng, cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản còn sơ sài. Đặc biệt là năng lực quản lý, quản trị sản xuất kinh doanh của các HTX. Khả năng tiếp cận vốn khó khăn do tài sản chung của HTX nhỏ bé, không có tài sản thế chấp; quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh chưa minh bạch.
Nhiệm vụ phát triển HTX nông nghiệp giai đoạn tới cần tập trung đó là:
Một là,
thống nhất về mô hình và phương thức hỗ trợ phát triển HTX: i) Ưu tiên hỗ trợ phát triển HTX có quy mô lớn, đông thành viên; quan tâm đến lợi ích cả về kinh tế, xã hội, môi trường và phúc lợi cho người dân nông thôn; giới hạn hoạt động của HTX theo lợi thế vùng nguyên liệu, không giới hạn địa giới hành chính; ii) Hỗ trợ phát triển HTX từ đơn chức năng sang đa chức năng, tích hợp đa giá trị. Từ chú trọng đầu vào sang kết hợp chú trọng đầu ra; từ chuỗi cung ứng sang chuỗi giá trị; iii) Về phương thức hỗ trợ: Tập trung hỗ trợ phát triển gắn với chuỗi liên kết, vùng nguyên liệu; Đào tạo và phát triển nhân lực; Ứng dụng công nghệ, tiêu chuẩn, GAP, công nghệ số; Hỗ trợ hạ tầng sản xuất kinh doanh nhất là các cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản, kho bãi tập kết nguyên liệu.
Hai là, tuyên truyền, hướng dẫn nhằm “đổi mới tư duy” trong hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp với các nội dung: i) Phát triển HTX trong định hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; ii) Phát triển HTX gắn với các Chương trình MTQG; Chuyển đổi số; OCOP; môi trường; du lịch nông thôn của Chính phủ và Bộ NN&PTNT; iii) Chuyển đổi sang tư duy Win-Win trong liên kết với doanh nghiệp, tạo ra các hệ sinh thái trong sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã; iv) Kiến tạo môi trường dân chủ, thân thiện, đẩy mạnh trao quyền (tham khảo mô hình Hội quán ở Đồng Tháp); v) Cả hệ thống chính trị vào cuộc: Gắn kết với các cơ quan, đoàn thể chính trị (Hội Nông dân; Hội Phụ nữ; Đoàn Thanh niên;…) cùng hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Ba là, triển khai hiệu quả một số chương trình, đề án, dự án của Bộ NN&PTNT giai đoạn 2021-2025 trên cơ sở nâng cao vai trò vị thế của HTX trong các chuỗi giá trị và vùng nguyên liệu như: Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; Đề án nâng cao năng lực thích ứng với Biến đổi khí hậu của hợp tác xã nông vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Chương trình đào tạo nghề giám đốc HTX nông nghiệp, cấp chứng chỉ sơ cấp nghề Quốc gia; Đề án thí điểm phát triển khuyến nông cộng đồng; các dự án hợp tác quốc tế: GIZ, WB,….
Bốn là, tổ chức thực hiện thành công các cơ chế chính sách đã được Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành tại các văn bản như: Nghị quyết 20 của BCH Trung ương Nghị quyết số 09/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 20; Nghị quyết Chính phủ về phát triển HTX trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 (đang trình Chính phủ phê duyệt); Quyết định số 854/QĐ-TTg về Đề án nâng cao năng lực HTX nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL; Quyết định số 167/QĐ-TTg: Lựa chọn nhân rộng mô hình HTX điển hình; Quyết định 340/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển hợp tác xã giai đoạn 2021-2030; Quyết định 1318/QĐ-TTg: Kế hoạch 2021-2025; Quyết định 1804/QĐ-TTg về Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2021-2025. Quyết định 801/QĐ-TTg về bảo tồn và phát triển làng nghề.
Về sản xuất theo hợp đồng và việc xây dựng chuỗi giá trị nông sản
Đây là nội dung lớn thứ 2 trong “Tổ chức sản xuất, kinh doanh ngành Nông nghiệp định hướng liên kết chuỗi giá trị” đang được triển khai ở các địa phương trong cả nước mà trọng tâm là thực hiện các nội dung quy định tại Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5/07/2018 của Chính phủ.
Đến hết năm 2022, cả nước có 2.038 chuỗi liên kết được xây dựng theo quy định Nghị định 98 kể từ 2018 đến nay, trong đó có 1.250 HTX nông nghiệp tham gia. Theo Nghị định 98, có 07 hình thức liên kết được phân loại theo hình thức liên kết giữa các công đoạn trong chuỗi từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tuy nhiên, trên thực tế, các hình thức tố chức liên kết chuỗi là rất đa dạng và được hình thành dựa trên nhu cầu cụ thể của từng khu vực, từng ngành hàng hoặc từng nhóm chủ thể. Theo thống kê của các tỉnh, hiện có: 815 chuỗi liên kết từ sản xuất - sơ chế, chế biến - tiêu thụ sản phẩm với 290 HTX nông nghiệp tham gia; có 770 chuỗi liên kết sản xuất- tiêu thụ sản phẩm với 361 HTX nông nghiệp tham gia; 367 chuỗi liên kết chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm với 208 HTX tham gia.
Triển khai Nghị định số 98, đến nay đã có 60/63 tỉnh, thành phố phê duyệt danh mục các ngành hàng, sản phẩm quan trọng, chủ lực cần khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết. Các tỉnh, thành phố đã phê duyệt được 933 dự án, kế hoạch liên kết. Có 28/63 tỉnh, thành phố phê duyệt 579 dự án liên kết và 16/63 tỉnh, thành phố phê duyệt 354 kế hoạch hỗ trợ liên kết. Tổng kinh phí các dự án được duyệt là 1.921 tỷ đồng (bình quân 3,3 tỷ đồng/dự án), trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ là 767 tỷ đồng (chiếm 40%), còn lại 60% kinh phí do các doanh nghiệp, HTX và người dân đối ứng. Trong số các dự án liên kết được phê duyệt, có 536 HTX và 213 doanh nghiệp tham gia.
Mặc dù Nghị định số 98/2028/NĐ-CP được triển khai gần 5 năm qua và đã có những kết quả khá tốt ở một số địa phương nhưng việc triển khai còn chậm, kinh phí bố trí thực hiện hỗ trợ liên kết còn rất hạn chế. Việc tìm kiếm tư vấn có đủ kinh nghiệm hỗ trợ phát triển liên kết cũng không dễ dàng. Một số điều kiện quy định để được hưởng chính sách liên kết quá chặt chẽ, ví dụ như quy định phải có thời gian liên kết ổn định 3 năm hoặc 3 chu kỳ sản xuất. Ngoài ra, do tỷ lệ (%) hỗ trợ của Nhà nước trong dự án liên kết thấp (30% vốn đầu tư) nên HTX khó có khả năng đối ứng và doanh nghiệp ít quan tâm. Vì thế nhiệm vụ thời gian tới cần: i) Tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền về các nội dung quy định trong nghị định 98/2018/NĐ-CP. Hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn mà các địa phương, doanh nghiệp, HTX và người dân đang gặp phải; ii) Nghiên cứu, rà soát đánh giá và chuẩn bị để tổ chức Hội nghị sơ kết nhằm đánh giá kết quả 5 năm triển khai Nghị định; iii) Tiếp tục theo dõi, cập nhật và tổng hợp đầy đủ kết quả thực hiện của các địa phương báo cáo Chính phủ hàng năm; iv) Ưu tiên hỗ trợ, củng cố các HTX tham gia các dự án, kế hoạch phát triển chuỗi liên kết theo theo quy định tại Nghị định 98 (chính sách về đào tạo, tập huấn, thu hút cán bộ, hỗ trợ hạ tầng, hỗ trợ xúc tiến thương mại, cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc,…).
Về tổ chức sản xuất trên cơ sở phát triển vùng nguyên liệu nông sản
Hiện nay, Bộ NN&PTNT đã ban hành “Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2021-2025” (Quyết định 1088/QĐ-BNN-HTTT ngày 28/3/2022) tập trung thuộc địa bàn 14 tỉnh với các sản phẩm chủ lực như: Cây ăn quả, lúa gạo, gỗ lớn rừng trồng, thủy sản (tôm). Theo yêu cầu Đề án, 1 vùng nguyên liệu nông, lâm thủy sản đạt chuẩn cần đảm bảo 6 yêu cầu đó là: (1). Nâng cấp và phát triển hạ tầng vùng sản xuất đồng bộ, hiện đại; (2). Củng cố và phát triển các tổ chức của nông dân (THT, HTX) trong vùng nguyên liệu; (3). Phát triển lực lượng khuyến nông cộng đồng; (4). Phát triển các hợp đồng liên kết chuỗi tiêu thụ nông sản gắn với tín dụng và bảo hiểm nông nghiệp; (5). Hỗ trợ các dịch vụ công trong vùng nguyên liệu; (6). Chuyển đổi số trong vùng nguyên liệu.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT thăm vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng tại tỉnh Quảng Trị.
Nhiệm vụ phát triển một vùng nguyên liệu nông - lâm - thủy sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đó là:
Một là, nâng cấp và phát triển hạ tầng vùng sản xuất đồng bộ, hiện đại, bao gồm: i) Hạ tầng giao thông kết nối vùng sản xuất với trục giao thông chính, nhà máy chế biến, đường nội khu, đường lâm sinh, đường phân khu cản lửa, bờ bao, bờ vùng kết hợp với giao thông; ii) Hệ thống mương máng, công trình thủy lợi nhỏ; hệ thống dẫn nước, hồ chứa nước nhỏ; hệ thống tưới tiết kiệm nước; nạo vét kênh rạch phục vụ giao thông thủy kết hợp với tưới tiêu trong vùng nguyên liệu; iii) Các công trình phụ vụ kinh doanh thương mại nông sản: Nhà xưởng, cơ sở sơ chế, chế biến, kho, silo bảo quản, sân kho, bãi tập kết nguyên liệu; cơ sở ươm cây con giống cho cụm HTX liên kết với doanh nghiệp.
Hai là, củng cố và phát triển các tổ chức nông dân (THT, HTX): i) Đào tạo tập huấn nâng cao năng lực quản lý, quản trị hoạt động của HTX. Đào tạo, tập huấn cho thành viên HTX về quy trình sản xuất an toàn, đáp ứng yêu cầu nhà máy và doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm; ii) Hỗ trợ trực tiếp HTX các hạ tầng phục vụ sản xuất - kinh doanh của HTX theo quy định tại Quyết định số 1804/QĐ-TTg; iii) Tuyên truyền, vận động nông dân tham gia HTX; iv) Hỗ trợ thu hút cán bộ qua đào tạo cao đẳng, đại học về làm việc cho HTX nông nghiệp; v) Tư vấn phát triển kế hoạch sản xuất kinh doanh cho các HTX; cung cấp thông tin thị trường đầu vào, đầu ra; vi) Hỗ trợ cấp mã số vùng trồng, xây dựng nhãn mác, thương hiệu sản phẩm của các HTX; vii) Hỗ trợ chuyển đổi số cho các HTX.
Ba là, phát triển lực lượng khuyến nông cộng đồng: i) Khuyến nông cộng đồng là cầu nối giữa nông dân, HTX, doanh nghiệp với các cơ quan, chính quyền địa phương trong các vùng nguyên liệu; ii) Xây dựng các mô hình khuyến nông phù hợp với yêu cầu về quy trình sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu; iii) Phát triển đội ngũ khuyến nông cộng đồng thực hiện nhiều chức năng như: Khuyến nông; tuyên truyền vận động nông dân tham gia HTX; tư vấn phát triển sản xuất kinh doanh; hỗ trợ thực hiện xác nhận, chứng nhận, cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và cung cấp thông tin thông tin thị trường; kết nối cung ứng vật tư thiết bị phục vụ sản xuất, kinh doanh cho HTX, hộ nông dân.
Bốn là, phát triển các hợp đồng liên kết chuỗi tiêu thụ nông sản gắn với tín dụng và bảo hiểm nông nghiệp: i) Phát triển các hợp đồng liên kết chuỗi tiêu thụ nông sản (contract farming) trong vùng nguyên liệu theo quy định của Nghị định số 98/2018/NĐ-CP; ii) Về tín dụng: Ưu tiên các phương thức cho vay theo dòng tiền (tín chấp bằng hợp đồng nông sản kết hợp với hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp) và tín dụng hỗ trợ phát triển sinh kế của ngân hàng chính sách; iii) Về bảo hiểm: Ưu tiên thí điểm các gói bảo hiểm thương mại trong nông nghiệp đi kèm với cho vay theo dòng tiền.
Năm là, hỗ trợ các dịch vụ công trong vùng nguyên liệu: Theo chức năng chuyên môn của các ngành như trồng trọt, chế biến, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư sẽ hỗ trợ cung cấp các dịch vụ công trong vùng nguyên liệu như: i) Xác nhận, chứng nhận các tiêu chuẩn, hợp chuẩn chất lượng, tem nhãn (Ocop, sinh thái, hữu cơ,…) cho sản phẩm nông nghiệp; ii) Hỗ trợ cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; iii) Đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ tiên tiến, công nghệ số; iv) Cung cấp thông tin vùng trồng, thông tin thời tiết và thị trường; v) Các dịch vụ công khác (nếu có).
Sáu là, chuyển đổi số trong vùng nguyên liệu: Các hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số cũng sẽ được ưu tiên thực hiện trong vùng nguyên liệu như: i) Xây dựng các bản đồ nông nghiệp số (đất đai, thời tiết, khí hậu, phân bố cây trồng, giống, đa dạng sinh học,…); ii) Bản đồ hóa kế hoạch sản xuất, luân canh, rải vụ cây trồng theo năng lực tiêu thụ và chế biến; iii) Truy xuất nguồn gốc sản phẩm; iv) Quan trắc môi trường (đất, nước…). 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác