Tôm Cà Mau vượt khó, xuất khẩu đạt 1,1 tỷ USD
Sản lượng tôm tăng
Những ngày này, người dân các xã Tân Bằng, Biển Bạch (huyện Thới Bình, Cà Mau) đang tất bật thu hoạch tôm càng nuôi xen trong ruộng lúa - tôm. Bà con hỗ trợ nhau cùng thu hoạch nên không khí rất rôm rả. Do tác động của dịch Covid-19, giá tôm càng giảm khoảng 10% so với cùng kỳ nhưng năng suất tôm nuôi vẫn đạt cao. Gia đình ông Lê Văn Thịnh (xã Tân Bằng) nhờ trúng mùa mà nguồn thu từ hơn 2ha đất canh tác, ước vẫn được khoảng 60 triệu đồng, không giảm so với cùng kỳ.
“Tôm càng năm rồi ở đây 1 hecta thả khoảng 10.000 con, thu được 150 – 200kg. Năm nay có kinh nghiệm, lượng tôm thả nhiều hơn, mỗi hecta thả khoảng 30.000 con. Đến đầu tháng 12 thu hoạch, tát cạn bắt những con lớn trước, sau đó, tiếp tục cho nước vào nuôi tiếp. Đến tháng 2 năm sau, thu hoạch đợt nữa, từ đó, cho năng suất cao. Đất mình đã nuôi tôm sú, rồi làm lúa thì đưa con tôm càng vào thì chỉ tốn tiền con giống chứ không tốn chi phí nào khác”, ông Lê Văn Thịnh chia sẻ.
Trong bối cảnh bị tác động của dịch Covid-19, người dân nuôi xen tôm càng trong mô hình lúa - tôm đã từng rất lo lắng về đầu ra. Đến nay, mặc dù giá tôm thấp nhưng thu hoạch bao nhiêu bán được bấy nhiêu, sản lượng cũng đạt khá nên bà con rất vui.
Còn tại vùng chuyên canh tôm thuộc các huyện Phú Tân, Đầm Dơi, Năm Căn,... của tỉnh Cà Mau tình hình cũng tương tự. Ông Nguyễn Minh Luân (người dân nuôi tôm siêu thâm canh ở xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân) cho biết, sản xuất năm nay thuận lợi nhưng giá cả bấp bênh. Vụ mùa đầu năm, bà con nuôi nhiều thì bị dịch, giá giảm; vụ sau lo dịch, bà con ít nuôi thì giá tăng. Đặc biệt, các loại vật tư thủy sản cũng tăng giá, thêm phần khó khăn cho người nuôi tôm.
“Nếu mua được giống tốt về nuôi nhanh lớn thì đạt 100 con, giá được 80.000 – 85.000 đồng/kg thì có lời ít. Còn nếu con tôm bị chậm lớn hoặc xảy ra rủi ro thì chắc chắn lỗ, chỉ cần tôm chậm lớn là lỗ. Bây giờ thức ăn cũng lên, thuốc cũng lên, thậm chí giá điện cũng tăng hơn trước”, ông Nguyễn Minh Luân nói.
Tuy nhiên, những người dân gắn bó với nghề nuôi tôm thâm canh ở Cà Mau có niềm an ủi là thời tiết thuận lợi, nuôi dễ thành công và vụ mùa cuối năm nay giá cả ổn định. Chính những điều đó đã giúp sản lượng tôm của tỉnh Cà Mau năm nay vẫn đạt hơn 218.000 tấn, tăng 4% so với năm ngoái, nhưng không đạt kế hoạch đề ra.
Xuất khẩu tôm vượt kế hoạch
Việc duy trì được hoạt động nuôi tôm, đảm bảo nguồn cung nguyên liệu đã góp phần giúp lĩnh vực xuất khẩu tôm là thế mạnh của tỉnh Cà Mau vững bước. Kim ngạch xuất khẩu tôm của tỉnh 2021 ước đạt hơn 1,1 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ và vượt kế hoạch đề ra.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Cty Cổ phần Chế biến Xuất nhập khẩu thủy sản Minh Cường cho biết, sau giãn cách xã hội, các doanh nghiệp đồng loạt đẩy mạnh sản xuất nên xảy ra khan hiếm nguyên liệu, sau đó không lâu thì ổn định lại.
Ông Tuấn đánh giá, xuất khẩu tôm năm 2021 “khó trong nhưng thuận ngoài”. Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch làm chi phí sản xuất, chi phí vận chuyển tăng. Thuận lợi là các nước trên thế giới đồng loạt mở cửa, thị trường rộng mở. Năm nay, giá trị xuất khẩu của Cty Minh Cường vẫn tăng trưởng nhưng không đạt kế hoạch đề ra, đặt biệt, lãi sẽ giảm sâu.
“Thị trường rất tốt, mình làm không đủ hàng cung cấp. Vấn đề khó khăn năm nay là thiếu công nhân và thực hiện chống dịch. Riêng việc test covid-19 định kỳ thì cứ 3 ngày/lần, mỗi lần hết khoảng 20 triệu đồng. Xuất khẩu so với năm trước không giảm, giá trị xuất khẩu cao hơn năm trước”, ông Tuấn cho hay.
Tại Cà Mau, trong thời điểm đầu giãn cách xã hội, mọi doanh nghiệp đều phải dừng hoạt động. Tuy nhiên, sau đó không lâu, những doanh nghiệp xuất khẩu tôm đảm bảo được các biện pháp phòng chống dịch được trở lại sản xuất. Ông Dương Vũ Nam, Phó Giám đốc Sở Công Thương Cà Mau cho biết, chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trước tiên là chống dịch hiệu quả, sau đó là đảm bảo hoạt động sản xuất. Thế mạnh trong sản xuất thủy sản của tỉnh là con tôm nên rất được quan tâm.
Phân tích về tình hình xuất khẩu tôm, ông Nam cho rằng, năm 2021 hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp gặp không ít khó khăn nhưng bên cạnh đó có những thuận lợi nhất định. Chính phủ đã kịp thời ban hành chủ trương “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” đã mang lại hiệu quả cao trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu. Những lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do nước ta tham gia ký kết (CPTPP, EVFTA, UKVFTA…) giúp tạo lợi thế cạnh tranh, mở rộng thị trường. Các nước trên thế giới khống chế dịch và mở cửa giúp nhu cầu hàng hóa hồi phục. Đặc biệt, giá mặt hàng xuất khẩu tôm chủ lực của tỉnh tăng cao, phần nào giúp doanh nghiệp bớt khó khăn, giúp xuất khẩu tôm tăng trưởng.
“Bây giờ doanh nghiệp hoạt động bình thường nhưng doanh thu và lợi nhuận sẽ giảm. Các chi phí thực hiện chống dịch như ba tại chỗ, tình hình vận chuyển hàng hóa và chi phí logistics tăng lên. Chi phí lớn quá nên lợi nhuận sẽ không thể đạt như thường niên. Xuất khẩu giờ rất tốt, giá và thị trường rộng mở, sản xuất bao nhiêu là nước ngoài mua hết. Bây giờ thị trường Mỹ vẫn đứng đầu, rồi đến EU, thị trường EU có chiều hướng tăng mạnh. Xuất khẩu năm nay tăng khá nhiều”, ông Dương Vũ Nam nêu rõ.
Hiện nay, bên cạnh các thị trường truyền thống: Ðông Âu, Trung Ðông, Trung Quốc, Hàn Quốc, Cà Mau tiếp tục mở rộng sang các thị trường xuất khẩu thủy sản lớn: EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ. Địa phương hướng đến phát triển xuất khẩu sản phẩm tôm tại các thị trường tiềm năng thông qua các hiệp định thương mại đã được ký kết, tăng cường xúc tiến thương mại.
Trong bối cảnh bị dịch bệnh tác động nặng nề, việc duy trì được chuỗi cung ứng, các hoạt động sản xuất đến xuất khẩu đã giúp ngành nuôi và chế biến tôm xuất khẩu trở thành điểm sáng phát triển kinh tế của tỉnh Cà Mau./.
Theo VOV