Tôn vinh và tri ân các “Nhà khoa học của Nhà nông”
Đồng chí Bùi Thị Thơm – Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức chương trình Tôn vinh “Nhà khoa học của Nhà nông” lần thứ Tư năm 2022. Ảnh Trần Quảng
Thưa Phó Chủ tịch, ngày 10/12 tới đây, Chương trình Tôn vinh Nhà khoa học của Nhà nông” lần thứ Tư được tổ chức tại Hà Nội. Đề nghị đồng chí cho biết sự kiện năm nay có những điểm gì khác so với những lần trước?
- Đây là năm thứ 5 kể từ khi Trung ương Hội NDVN tổ chức Chương trình tôn vinh “Nhà Khoa học của Nhà nông” lần đầu tiên vào năm 2018. Tuy nhiên, lần tổ chức năm nay là lần thứ Tư, vì năm 2021 phải tạm hoãn do điều kiện cả nước phòng chống đại dịch Covid-19. Vì vậy, Ban Tổ chức và hai cấp Hội đồng (Hội đồng xét chọn cấp tỉnh/bộ/ngành và Hội đồng thẩm định ở cấp Trung ương) có điều kiện thời gian thẩm định kỹ hơn. Điều kiện khó khăn của đại dịch Covid-19,về mặt nào đó, cũng là một “phép thử” để những công trình nghiên cứu, sáng kiến, giải pháp của các Nhà khoa học của Nhà nông có thêm cơ hội kiểm nghiệm, chứng minh giá trị thực tế.
Vì vậy, những điển hình được lựa chọn tôn vinh là rất xứng đáng!
Đối tượng và tiêu chuẩn được tham gia Chương trình “Nhà Khoa học của Nhà nông” lần thứ Tư được quy định cụ thể như thế nào, thưa Phó Chủ tịch?
- Theo Quy chế xét chọn đã được Ban Thường vụ T.Ư Hội NDVN ban hành, đối tượng tham gia xét chọn dành cho tất cả các công dân Việt Nam (từ 18 tuổi trở lên) không phân biệt thành phần, tôn giáo, giới tính, dân tộc, trình độ học vấn.
“Nhà khoa học” được xét tôn vinh theo Quy chế này là những người có học hàm, học vị khoa học được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công nhận, hoặc người không có học vị nhưng có kết quả nghiên cứu khoa học, sáng kiến, giải pháp, quy trình kỹ thuật, công nghệ được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Như vậy, họ có thể là nông dân, nhà quản lý, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, miễn là có đủ điều kiện xét chọn.
Để đủ điều kiện được xét chọn, ứng viên cần đáp ứng 4 tiêu chuẩn. Trong đó có 2 tiêu chuẩn chuyên môn là có phát minh, sáng chế, sáng kiến đã được các cuộc thi cấp chứng nhận, sản phẩm đã được nông dân ứng dụng rộng rãi, có hiệu quả; tích cực tham gia tập huấn, chuyển giao các thành tựu, tiến bộ khoa học kỹ thuật, mô hình sản xuất và tiêu thụ nông sản có hiệu quả. Ngoài ra, ứng viên phải là người có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống lành mạnh, chấp hành nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước...
Những tiêu chí quan trọng nào để ứng viên được công nhận và tôn vinh “Nhà Khoa học của Nhà nông” thưa đồng chí?
-Những người có phát minh, sáng chế, sáng kiến đã được chứng nhận bởi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc đã được xác nhận áp dụng có hiệu quả trên diện rộng là tiêu chí cơ bản, được đánh giá cao. Những Nhà khoa học được xét chọn cần có phát minh, sáng chế, sáng kiến đã được các cuộc thi cấp chứng nhận, sản phẩm đã và đang được nông dân áp dụng rộng rãi có hiệu quả trong sản xuất, tiêu thụ hàng hóa. Hoặc những người sáng tạo trong tổ chức chuyển giao, tập huấn cho nông dân các thành tựu khoa học, kỹ thuật tiến bộ, mô hình sản xuất và tiêu thụ nông sản đạt hiệu quả cao, được tổ chức Hội NDVN các cấp và các cơ quan quản lý nhà nước công nhận.
Trong đó, sản phẩm có tác động tích cực đến đời sống cộng đồng nông dân càng lớn càng được xem là ưu thế quan trọng trong việc xét chọn tôn vinh.
Thưa đồng chí, Chương trình này xét tôn vinh danh hiệu Tập thể nhà khoa học như thế nào?
-Trong phạm vi Chương trình tôn vinh Nhà khoa học của Nhà nông, Nhà khoa học được xét chọn tôn vinh với danh tính cá nhân và chỉ được tôn vinh một lần trong đời. Như vậy, Quy chế của Chương trình chưa áp dụng đối với xét chọn, tôn vinh tập thể hay nhóm nhà khoa học.
Trường hợp thành tựu trí tuệ được thực hiện bởi một nhóm người, thì Hội đồng xét chọn đánh giá trên cơ sở những đóng góp, ảnh hưởng của cá nhân người được xét chọn trong công trình nghiên cứu, giải pháp mang lại giá trị cho nông dân. Trong trường hợp không thể bóc tách rạch ròi thành tựu của cá nhân được xét tôn vinh mà thành tựu trí tuệ chung đó rất xứng đáng được tôn vinh, thì chỉ khi có văn bản đồng thuận của tất cả các tác giả, tập thể nghiên cứu/chuyển giao của thành tựu trí tuệ ấy thống nhất cử cá nhân đại diện, hồ sơ xét chọn mới hợp lệ.
Thưa Phó Chủ tịch, trường hợp một nhà khoa học công tác ở đơn vị thuộc Bộ NNPTNT nhưng đang thường trú ở địa phương, thì sẽ được xét chọn như thế nào?
-Theo Quy chế của Chương trình, mỗi đơn vị cấp tỉnh, bộ, ngành có thể chọn đề cử nhà khoa học có địa chỉ thường trú tại địa phương; nơi đặt trụ sở chính của bộ, ngành đó; hoặc chọn đề cử nhà khoa học đến từ bộ, ngành, địa phương khác, miễn là có đóng góp lớn cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xứng đáng được xét tôn vinh.
Trường hợp cùng một nhà khoa học được 2 hay nhiều tỉnh, Bộ, ngành cùng đề cử vào danh sách tôn vinh gửi về Hội đồng thẩm định Trung ương, Ban Chỉ đạo Chương trình xét chọn, tôn vinh “Nhà Khoa học của Nhà nông” sẽ xem xét kỹ trước khi quyết định ứng viên đại diện cho đơn vị đề cử nào; có đề cử bổ sung hoặc không đề cử bổ sung ứng viên.
Trong trường hợp đặc biệt liên quan đến số lượng người được tôn vinh và hồ sơ xét chọn tôn vinh theo từng năm, Ban Thường vụ T.Ư Hội NDVN là cơ quan cao nhất có quyền xem xét, quyết định.
Xin đồng chí cho biết thêm về quy trình lựa chọn “Nhà khoa học của Nhà nông” để đảm bảo chọn đúng người xuất sắc tiêu biểu?
- Như tôi đã trao đổi, Quy trình lựa chọn “Nhà khoa học của Nhà nông” được thực hiện qua hai cấp. Thông qua việc đề cử, Hội đồng xét chọn cấp tỉnh do Hội Nông dân cấp tỉnh chủ trì phối hợp với Sở NN&PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp hội Khoa học và kỹ thuật cấp tỉnh tổ chức lựa chọn.
Ở các bộ, ngành như Bộ NNPTNT và Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) có Hội đồng xét chọn tương ứng, có giá trị tương đương với Hội đồng xét chọn cấp tỉnh.
Kết quả xét chọn, đề cử được gửi về Hội đồng Thẩm định Trung ương do Thường trực Trung ương Hội NDVN chủ trì, với sự tham gia của đại diện Bộ NN&PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ và lãnh đạo VUSTA. Hội đồng thẩm định còn có sự tham gia của nhiều nhà khoa học có uy tín cao trong các lĩnh vực của ngành Nông nghiệp để đảm bảo xem xét đánh giá đa chiều, đầy đủ hơn.
Trân trọng cảm ơn đồng chí Phó Chủ tịch!
- Xây dựng 3 chương trình công tác, 6 đề án; nhiều văn bản, kế hoạch cụ thể hóa các Nghị quyết
- Đoàn công tác Trung ương Hội Nông dân Việt Nam làm việc tại Lai Châu
- Cán bộ Hội tiên phong thực nghiệm, hướng dẫn hội viên nông dân sản xuất phân vi sinh
- Hội Nông dân các địa phương chủ động, tích cực, sáng tạo hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam