Khởi nghiệp sáng tạo

Trang trại tiền tỷ của chàng kỹ sư máy tính

Hồng Minh - 07:04 13/03/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Sinh ra trên vùng đất khắc nghiệt, anh Nguyễn Thanh Tuấn (xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, Quảng Nam) từ bỏ công việc của một kỹ sư máy tính ở thành phố để về quê lập nghiệp. Trên vùng cát cháy, anh đã lập nên trang trại tổng hợp cho lợi nhuận 2 tỷ đồng mỗi năm.
Anh Nguyễn Thanh Tuấn giới thiệu nhông giống tại trang trại.

Về quê lập nghiệp

Sinh ra ở vùng quê nghèo, cũng như bao thanh niên khác, Nguyễn Thanh Tuấn quyết tâm học tập để tìm một con đường cho tương lai. Sau khi tốt nghiệp Khoa Công nghệ thông tin (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh), anh Tuấn được vào làm tại một doanh nghiệp tại thành phố.

Sau hơn 3 năm làm việc ở một số công ty tại TP. Hồ Chí Minh nhưng tâm nguyện chưa thành, năm 2004, Nguyễn Thanh Tuấn quyết định về quê hương làm nông nghiệp. Trở về quê một thời gian thì khu công nghiệp Chu Lai triển khai, gia đình tôi bị thu hồi hết đất sản xuất, nhường chỗ cho sự phát triển khu kinh tế mở Chu Lai. 

“Sau những đêm trằn trọc không ngủ, tôi quyết định mua mảnh đất ở đồi D35 phía Tây xã Tam Hiệp để làm trang trại. Biết chuyện, bố mẹ tôi kịch liệt phản đối, ai cũng bảo chỉ có những kẻ điên mới đâm đầu vào mua khu đất đó. Không ai ủng hộ, tiền trong túi không còn một xu, nhưng không nao núng tinh thần, tôi quyết làm bằng được, sẽ cải tạo khu đất này thành một trang trại đầy sức sống” anh Tuấn nhớ lại.

Niềm tin của Nguyễn Thanh Tuấn càng được tiếp sức bởi giai đoạn này Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách mới liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhiều hỗ trợ đến với nông dân như: Vốn, cây trồng, con vật nuôi, tập huấn kĩ thuật chăn nuôi, trồng cây lâm nghiệp… Chính quyền địa phương quan tâm động viên nông dân đẩy mạnh phát triển kinh tế và làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình. Được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, các cấp Hội Nông dân, anh Tuấn mạnh dạn vay vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân 500 triệu đồng để phát triển kinh tế.

Trên ngọn đồi cát, anh Tuấn bắt tay xây dựng trang trại tổng hợp với diện tích gần 7.000m2. Hiện nay đang mở rộng trên 20.000m2 để trồng cây ăn quả, trồng rau trong nhà lưới, chăn nuôi tổng hợp như: Heo cỏ miền núi, vịt trời, gà Đông Tảo, nhông cát, kỳ đà, rắn mối, dê sinh sản, gà sao, gà thả vườn,…Trang trại có tầm 50 con kỳ đà giống, mỗi con có trọng lượng gần chục kilogam; 5.000 con kỳ nhông cát; 20.000 con gà ta; 3.000 con gà sao; hàng ngàn con vịt trời, vịt xiêm, gà Đông Tảo. 

Anh Tuấn cho hay, anh đã lai tạo được con nhông Bình Thuận với nhông cát trắng Tam Hiệp cho ra giống “nhông” có năng suất cao, đáp ứng được yêu cầu thả nuôi ở các địa phương khí hậu khắc nghiệt như ở miền Trung, đất Quảng. Anh cũng đang đảm nhận tiêu thụ sản phẩm và cung cấp con giống đến các hộ nuôi nhông trong tỉnh và các địa phương: An Giang, Đồng Nai, Bình Dương,  Đà Nẵng, Huế... 

Mỗi năm anh cung cấp giống cho nông dân trên địa bàn khoảng vài chục ngàn con vịt trời, nhông cát, gà Đông Tảo… Với sự kiên trì, quyết tâm vừa làm, vừa học tập kinh nghiệm, lấy ngắn nuôi dài, từ mô hình nhỏ, chăn nuôi ít con giống đến nay trang trại cho doanh thu trên 7,5 tỷ đồng, trừ các khoản chi phí, lãi ròng trên 2 tỷ đồng mỗi năm. 

Trang trại Ân Cát trở thành điểm tham quan học tập của nhiều nông dân trên địa bàn.

Trả nợ quê hương

Khởi nghiệp thành công trên chính quê hương mình, cũng là lúc Nguyễn Thanh Tuấn sẻ chia để góp phần nhân rộng những mô hình làm giàu từ nông nghiệp. “Tôi đặt tên Trang trại Ân Cát để cảm ơn đồng đất quê nhà đã cho tôi làm nên cơ nghiệp như ngày hôm nay”, anh Tuấn chia sẻ.

Trang trại của anh đã trở thành điểm thu hút những nông dân tham quan, học hỏi. Để lan tỏa kinh nghiệm, anh Tuấn đã phối hợp với Trung tâm dạy nghề Thanh niên tỉnh Quảng Nam, Trường Trung cấp nghề Nam Quảng Nam, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân - Hội ND tỉnh Quảng Nam tập huấn cho hơn 500 hội viên nông dân về kĩ thuật chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. 

Hiện tại, trang trại của anh đã giải quyết được 15 lao động thường xuyên và lao động thời vụ với mức lương cơ bản khoảng 6 triệu đồng/tháng/người. Hàng năm, hướng dẫn thực tập cho hơn 20 sinh viên các trường Cao đẳng, Đại học trong và ngoài tỉnh về quy trình nuôi nhông trên cát. Sản phẩm nhông cát nhiều lần được tham gia hội chợ các nước hành lang kinh tế Đông-Tây, thường xuyên tham gia các Hội chợ do Hội ND tổ chức và đạt nhiều thành tích cao. 

Bên cạnh đó, anh Tuấn còn đầu tư nghiên cứu viết giải pháp cải tiến mới trong quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng nhông cát đạt hiệu quả và đạt giải Khuyến khích của hội thi “ Sáng tạo khoa học kỹ thuật lần thứ 5” tỉnh Quảng Nam và đạt giải 3 hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật nhà nông toàn quốc. Năm 2016, anh đã xây dựng một đề tài “Du nhập và nuôi thích nghi gà Đông Tảo tại huyện Núi Thành” được Hội đồng khoa học huyện Núi Thành chấp thuận và đánh giá cao. Đầu năm 2017, anh tiếp tục đăng ký đề tài khoa học cấp tỉnh về “Trồng rau thủy canh trong nhà kính”.

Ngoài việc phát triển kinh tế, với cương vị là Chi hội phó Hội ND, anh Tuấn luôn có ý thức xây dựng tổ chức Hội và các tổ chức chính trị, xã hội, luôn gương mẫu đi đầu tham gia tích cực các phong trào do Hội phát động tại địa phương, vận động hội viên nông dân tham gia sinh hoạt đầy đủ. Anh còn phối hợp với Hội ND tổ chức cho hội viên tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm làm ăn... Hàng năm anh cũng tích cực tham gia nhiều các hoạt động từ thiện cùng với các cấp Hội tại địa phương, đóng góp cho chương trình xây dựng nông thôn mới, ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 với số tiền hàng trăm triệu đồng... Anh cũng giúp cho 10 hội viên nông dân thoát nghèo bền vững. 

Với những nỗ lực vượt khó, từ năm 2011 đến nay, Nguyễn Thanh Tuấn được các cấp Hội ND bình chọn là Nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh. Anh cũng được trao tăng nhiều bằng khen của UBND tỉnh, Hội ND các cấp, Trung ương Đoàn... Đặc biệt, năm 2015, anh vinh dự được tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, năm 2016, anh được tôn vinh Nông dân Việt Nam xuất sắc.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác