Triển vọng kinh tế bền vững từ rừng
Thay đổi nhận thức người dân
Để rừng Yên Bái mãi là “vàng” bên cạnh các chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp của Chính phủ, tỉnh Yên Bái cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất ngành Lâm nghiệp và đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Nổi bật là những chính sách giao đất, giao rừng, triển khai có hiệu quả các dự án trồng rừng, khuyến khích các thành phần kinh tế trồng và phát triển vốn rừng; hỗ trợ vốn vay, thủ tục để các thành phần kinh tế đầu tư dây truyền máy móc để chế biến gỗ rừng… đã thay đổi căn bản nhận thức của người dân về bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời khuyến khích được người dân tích cực tham gia trồng rừng, tạo nên phong trào rộng khắp trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Nhờ đó, nông dân Yên Bái đã tự tin làm chủ trên phần đất lâm nghiệp được nhà nước giao, thoát nghèo và làm giàu từ cây lâm nghiệp. Mỗi năm, đồng bào các dân tộc Kinh, Mông, Tày, Dao, Cao Lan… trên toàn tỉnh Yên Bái đã trồng mới được 150.000ha rừng. Rừng đã phủ màu xanh, bạt ngàn từ các huyện Yên Bình, Văn Yên, thành phố Yên Bái đến các huyện miền núi cao như Trạm Tấu, Mù Căng Chải.
Ông Bàn Văn Vay, người dân tộc Dao ở thôn Khe Vài (xã Trung Tâm, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) cho biết: Gia đình ông có gần 10ha đất, trước đây theo phong tục tập quán chỉ trồng cây ngô, cây sắn, lúa nương… Gần 20 năm nay được nhà nước vận động phát triển kinh tế lâm nghiệp, gia đình ông đã trồng keo, bồ đề và quế. Giờ đây, mỗi năm gia đình đã có thu nhập ổn định vài trăm triệu đồng từ việc khai thác gỗ rừng trồng.
Trở thành nông dân sản xuất giỏi từ trồng rừng
Bắt đầu trồng rừng từ những năm 2000, đến nay, ông Lê Mai Hiền thôn Tiến Minh (xã Minh Nguyên, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) đã có trên 100ha rừng trồng. Cũng chính từ kinh tế rừng mà ông Hiền rất vinh dự trở thành 1 trong 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020 do Hội Nông dân Việt Nam trao tặng.
Ông Hiền chia sẻ: Bén duyên với nghề rừng từ khá sớm, năm 2000, khi còn đang làm Bí thư Chi đoàn của thôn, nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế từ rừng trồng, ông đã bàn với gia đình mạnh dạn bỏ tiền mua gom hơn 50ha rừng của các hộ dân trong xã, để trồng keo, bạch đàn và bồ đề.
Rừng trồng thì phải 5-7 mới thu hoạch, để lấy ngắn nuôi dài cứ vài ba đồi cây gần nhau, dưới chân đồi ông lại thiết kế san gạt, cải tạo thành ao để nuôi cá… Dưới tán rừng, ông Hiền còn đầu tư nuôi thêm trâu, bò, dê tạo thành mô hình kinh tế tổng hợp cho thu nhập ổn định.
Trồng rừng được vài năm, bán gỗ nguyên liệu, ông lại tiếp tục mua thêm 50ha rừng nữa của các hộ dân của xã Tân Nguyên và xã Trung Tâm (huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái), nâng diện tích đất rừng của gia đình lên trên 100ha.
Sẵn nguồn nguyên liệu từ rừng keo, bạch đàn và bồ đề, ông Hiền đã mạnh dạn đầu tư mở xưởng chế biến ván bóc. Xưởng chế biến với công suất tiêu thụ trên 3.000m3 gỗ tròn/năm đã tạo công ăn việc làm cho 15 lao động địa phương với mức lương từ 7 - 7,5 triệu đồng/người/tháng.
“Hiện nay mô hình trang trại tổng hợp và cơ sở kinh doanh chế biến gỗ từ rừng trồng mỗi năm đã mang về doanh thu hơn 10 tỷ đồng, trừ chi phí cho lãi hơn 3 tỷ đồng”, ông Hiền cho hay.
Phát triển bền vững với rừng gỗ lớn FSC
Tại huyện Yên Bình (tỉnh Yên Bái) với trên 33.000ha rừng trồng. Trong những năm qua, người dân đã chủ động bám đất, bám rừng để sản xuất lâm nghiệp, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Ông Nguyễn Hùng Anh - Thôn Đồng Tâm (xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) cho biết: Với 5ha diện tích rừng những năm qua gia đình đã tập trung trồng cây cây keo. Sau chu kỳ từ 6 - 7 năm, rừng trồng cho thu nhập từ 80 - 120 triệu đồng/ha. Đầu ra cho sản phẩm gỗ cũng rất thuận lợi vì thương lái đến tận nơi thu mua. Để nâng cao hiệu quả từ rừng trồng, gia đình cũng đang tích cực triển khai trồng rừng gỗ lớn FSC.
Chia sẻ về lợi ích kinh tế từ rừng FSC, ông Nguyễn Văn Tám người thôn Miếu Hạ (xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) cho hay: Gia đình ông có 4ha rừng trồng với keo, lát, xoan. Thực hiện trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC, thay vì việc trồng rừng 6-7 năm rồi khai thác, gia đình đã kéo dài chu kỳ tới 10 năm, nhưng khi khai thác giá bán đã được gấp đôi so với giá gỗ cùng loại.
Theo ông Nguyễn Tiến Dĩnh - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Yên Bình (tỉnh Yên Bái): Để phát triển lâm nghiệp thời gian qua người dân trên địa bàn chủ yếu trồng keo, bồ đề, bạch đàn. Mỗi năm, toàn huyện Yên Bình khai thác gỗ rừng trồng khoảng 220.000m3 gỗ. Toàn huyện Yên Bình hiện có trên 150 doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào xưởng sản xuất, chế biến gỗ rừng trồng như ván dán, ván ép, viên nén năng lượng...
Để nâng cao hiệu quả cho rừng trồng, huyện Yên Bình cũng đang tích cực hướng dẫn, vận động các chủ rừng phát triển rừng theo tiêu chuẩn FSC, nhằm đảm bảo hướng mở cho thị trường xuất khẩu, ông Dĩnh cho biết thêm. Tham gia trồng rừng theo chứng chỉ FSC đã đem lại lợi ích về kinh tế, cụ thể là gỗ có chứng chỉ FSC luôn bán được giá cao hơn với gỗ không có chứng chỉ này. Không những vậy, trồng rừng FSC còn bảo vệ môi trường, bảo vệ được sức khoẻ của con người.
Trong quá trình trồng rừng FSC không được sử dụng thuốc diệt cỏ, phải có đồ bảo hộ lao động cho người khi chăm sóc rừng… Nhờ vậy sức khoẻ của những người tham gia trồng rừng cũng đã được bảo vệ và nâng cao rõ rệt.
Nhằm khuyến khích phát triển lâm nghiệp theo chuỗi giá trị, phát triển bền vững, mang lại giá trị kinh tế cao gắn với xây dựng nông thôn mới, trong thời gian tới tỉnh Yên Bái tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, tỉnh tiếp tục phát triển rừng trồng theo hướng quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng FSC trên địa bàn toàn tỉnh để nâng cao chất lượng cũng như giá trị gỗ khi xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Đồng thời đưa tiêu chí về quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng FSC vào chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị của từng địa phương.
Trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC đã giúp các chủ rừng ở Yên Bái bán gỗ được giá gấp đôi so với các hộ không có chứng chỉ rừng FSC. Không những vậy, trồng rừng FSC còn bảo vệ môi trường, bảo vệ được sức khoẻ của con người.