Diễn đàn

Triển vọng từ mô hình nông nghiệp kết hợp sản xuất điện mặt trời

07:09 05/07/2021 GMT+7

Trong chuyến đi của đoàn công tác với chủ đề về năng lượng tái tạo do Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh (Green ID) tổ chức, chúng tôi đã tham quan nhiều mô hình nông nghiệp kết hợp với sản xuất điện mặt trời tại các tỉnh Bạc Liêu, An Giang. Cho thấy, nếu đầu tư khai thác hợp lý, năng lượng mặt trời sẽ hỗ trợ đắc lực cho các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông trại quy mô lớn.

Mô hình trồng dưa leo kết hợp sản xuất điện mặt trời của gia đình ông Chau Hon ở Tri Tôn, An Giang.

Điện mặt trời trên đầm nuôi tôm

Tại tỉnh Bạc Liêu, chúng tôi được tận mắt chứng kiến những đầm tôm kết hợp sản xuất điện mặt trời. Một cánh đồng nuôi tôm rộng 5,6ha ở ấp Thống Nhất (xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình) giờ đây đã trở thành “nhà máy phát điện” với san sát những tấm pin năng lượng mặt trời. Đầu tư dự án này là Công ty Cổ phần Solan Việt Nam do bà Nguyễn Thị Châu Giang làm giám đốc. Trực tiếp quản lý dự án là anh Vũ Văn Thành (Hà Nội), vào đây từ đầu năm 2020.

Anh Thành cho biết, diện tích này trước kia bà con ở đây nuôi tôm, doanh nghiệp đến đây thuê lại. Khu vực nuôi tôm thâm canh có nhiều ao để sử dụng nước theo quy trình khép kín, gồm các ao chứa nước, lắng lọc và ao nuôi. Pin năng lượng mặt trời lắp trên hệ thống giàn xây dựng ở các ao nước. Các giàn pin điện mặt trời đã được bắt đầu triển khai lắp đặt từ tháng 2/2020, đến nay đã đóng điện một khu vực rộng 1ha có công suất 1MW. Những khu vực khác có công suất khoảng 3MW đang gấp rút hoàn thiện, dự kiến đến ngày 15/12/2020 sẽ lên lưới điện toàn bộ.

“Dự án được ký kết hợp đồng với điện lực huyện Hòa Bình; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 5 năm đầu, 5 năm tiếp theo chỉ đóng 50%. Tất cả chính sách Nhà nước hỗ trợ tôi thấy là ổn cho một doanh nghiệp đầu tư về điện mặt trời. Với giá thành sản xuất từ 1.500-1.600 đồng/kWh và giá bán điện hiện nay hơn 1.940 đồng/kWh, ba tháng nay, mỗi ngày Công ty thu được khoảng 10 triệu đồng, là chưa tính lợi nhuận sẽ nuôi tôm bên dưới sau khi hòa lưới điện ổn định. Một héc ta đầm tôm, đầu tư 13,5 tỷ đồng lắp đặt các giàn pin điện mặt trời, với giá bán điện hiện nay tính cả chi phí quản lý thì mỗi năm thu khoảng 3 tỷ đồng, mất khoảng 5,5 – 6 năm sẽ thu hồi vốn đầu tư. Thời gian sau đó, khoản thu mỗi năm 3 tỷ đồng sẽ là lợi nhuận ròng, bởi không còn phải tính khấu hao chi phí đầu tư nữa, trong khi không phải đầu tư nguyên liệu cho sản xuất điện, chi phí bảo trì cũng không nhiều”, anh Thành nói.

Cũng theo anh Thành, việc lắp đặt pin năng lượng mặt trời vừa góp phần tạo nguồn năng lượng sạch, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia vừa hỗ trợ cho việc nuôi tôm thêm hiệu quả. Thời gian vận hành và thu hoạch nhà máy điện trong 25 năm. Ngoài thu lợi từ bán điện, chủ đầm vẫn có thu nhập từ nuôi tôm như trước đây.

Tại vùng nuôi tôm ở huyện Hòa Bình, không chỉ Công ty Sola đầu tư dự án điện mặt trời, mà hiện có hơn 20 đầm tôm của nông dân cũng đang đầu tư theo mô hình như vậy, trên khai thác điện mặt trời, bên dưới nuôi tôm.
Ông Lê Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bạc Liêu cho biết, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có 12 công ty, 2 đơn vị sự nghiệp, 318 hộ dân đang thực hiện mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, cùng nhiều mô hình nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh. Từ nhiều năm nay, phần lớn các trang trại đã sử dụng hệ thống thiết bị dùng điện mặt trời chạy máy sục ôxy nuôi tôm. Nay rất nhiều chủ đầm nuôi tôm đã và đang đầu tư bài bản hệ thống sản xuất điện mặt trời, vừa để tự cung cấp điện phục vụ nuôi tôm, còn thừa thì bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Toàn tỉnh Bạc Liêu có tổng diện tích nuôi tôm 140.000ha, trong đó nuôi siêu thâm canh 1.845ha, còn lại là 1.575 ao hồ nuôi. Bình quân mỗi ha nuôi tôm cho thu nhập một năm lên đến trên dưới 1-1,2 tỷ đồng. Nếu đầu tư mô hình “2 trong 1” vừa nuôi tôm vừa sản xuất điện, thu nhập sẽ tăng lên gấp 2-3 lần. Những khi gặp rủi ro, tôm bị dịch bệnh, thì thu nhập từ điện mặt trời sẽ bù đắp cho thua lỗ của tôm.

Hệ thống ảnh từ IMG 7046 đến IMG 7080 là điện mặt trời trên đầm tôm ở Bạc Liêu.

Những “điểm nghẽn” cần tháo gỡ

TS. Trần Hữu Hiệp nguyên là cán bộ của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, hiện ông là chuyên gia cố vấn Nhóm đối tác chuyển dịch năng lượng bền vững ĐBSCL thuộc Trung tâm Sáng tạo xanh (GreenID) cho biết, phương thức sản xuất nông nghiệp kết hợp sản xuất điện mặt trời là giải pháp rất hay để tăng lợi nhuận trên cùng diện tích đất nông nghiệp. Đồng thời đạt được mục tiêu giữ ổn định đất sản xuất nông nghiệp, không cho phép chuyển đổi đất sang các mục đích khác. Kết quả nghiên cứu điển hình tại thành phố Cần Thơ xác định 9 loại cây trồng, vật nuôi có thể phát triển kết hợp sản xuất điện mặt trời: Cây lúa, bắp, đậu nành, mè, rau, khoai mì, gia súc/gia cầm, cá và tôm. Lợi ích hàng đầu của mô hình này là tạo ra “nguồn thu kép” cho nông dân bằng việc bán điện mặt trời cho lưới điện quốc gia và chủ động nguồn năng lượng tại chỗ cho sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Điện mặt trời có thể ứng dụng để thắp sáng vuông tôm, ao cá, vườn cây thanh long; hoặc sử dụng cho các công cụ cơ điện hay vận tải thủy nội bộ; dùng làm điện tiêu dùng cho hộ gia đình, trang trại; kiểm soát nhiệt độ nước hiệu quả hơn, giảm tình trạng bốc hơi nước, ức chế rong tảo sinh sôi…

Theo ông Hiệp, thực tiễn triển khai đầu tư phát triển điện mặt trời ở các địa phương đang vướng nhiều điểm nghẽn. Vướng mắc trước hết từ nền tảng pháp lý, cơ chế chính sách và quy định hiện hành. Dù hàng loạt chính sách phát triển năng lượng tái tạo thời gian qua đã có sự bứt phá mạnh mẽ, nhưng so với yêu cầu thực tiễn, chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng mang tính bùng nổ của công nghệ điện mặt trời. Hiện vẫn chưa có quy định, chính sách, quy chuẩn đối với việc sử dụng đất cho mục đích vừa sản xuất nông nghiệp và sản xuất điện mặt trời, càng chưa có quy định nếu sản xuất “hai trong một” như vậy thì có phải thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất hay không? Sự yếu kém của hạ tầng lưới điện là một điểm nghẽn, đa số các đường dây, TBA từ 110-500 kV nhiều nơi quá tải.

“Vì vậy, kiến nghị Chính phủ cần rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định pháp luật liên quan điện mặt trời. Cần tháo gỡ các vướng mắc liên quan về đất đai cho việc đáp ứng mục tiêu kép – phát triển điện mặt trời và nông nghiệp” ông Hiệp bày tỏ.

“Từ nhiều năm nay, phần lớn các trang trại đã sử dụng hệ thống thiết bị dùng điện mặt trời chạy máy sục ôxy nuôi tôm. Nay rất nhiều chủ đầm nuôi tôm đã và đang đầu tư bài bản hệ thống sản xuất điện mặt trời, vừa để tự cung cấp điện phục vụ nuôi tôm, còn thừa thì bán lên lưới điện của EVN” – (Ông Lê Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bạc Liêu.)

Chu Khôi

Tin cùng chuyên mục
Tin khác