Thị trường chứng khoán: Bước vào “sóng hồi”, khối ngoại tích cực mua ròng
Khối ngoại có xu hướng "quay đầu" mua ròng
Quan sát trong nhiều giai đoạn giảm điểm mạnh của VN-Index trong quá khứ, khi chỉ số xuất hiện các tín hiệu hồi phục, dòng tiền khối ngoại cũng sẽ trở lại trạng thái mua ròng trong tuần đó. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức nước ngoài lớn cũng nhận thấy định giá của VN-Index tương đối rẻ trong giai đoạn hiện nay, do vậy việc các nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại mua ròng thị trường đang phản ứng đúng các dấu hiệu phục hồi tích cực của thị trường chứng khoán.
Anh Nguyễn Hoàng Tùng – Giám đốc Công ty Chứng khoán Agribank miền Nam nhận định: “Trong các tháng gần đây, dòng tiền nhà đầu tư F0 được dẫn dắt tâm lý khá tốt từ dòng tiền khối ngoại. Vì vậy tôi cho rằng sự trở lại của nhóm này sẽ hỗ trợ tích cực tới thanh khoản cũng như điểm số của VN-Index trong tuần tới”.
Bên cạnh đó, thị trường đang trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 với nhiều doanh nghiệp báo lãi kỷ lục, tuy nhiên có thể thấy những sự tăng trưởng này hầu như đều được dự báo trước và đã phản ánh vào giá cổ phiếu, không nhiều cổ phiếu phản ứng mạnh khi tin tức được công bố chính thức. Theo thông tin từ Phòng phân tích Công ty Chứng khoán Funan, có thể nhận thấy một vài cổ phiếu trong rổ VN30 có diễn biến giá tích cực trong tuần rồi nhưng mang tính điều phối thị trường hơn là động lực tăng xuất phát từ yếu tố nội tại, điển hình như SAB với 5 phiên tăng liên tiếp, trở thành cổ phiếu tăng tốt thứ 2 trong rổ này tuần qua. Bên cạnh đó là các mã xăng dầu (GAS và PLX) hay bán lẻ và công nghệ (MSN, MWG, FPT) có tuần phục hồi sau nhịp điều chỉnh sâu trước đó cũng góp phần tác động tích cực lên chỉ số chung.
Kết quả cuộc họp của FED có thể sẽ ảnh hưởng đến thị trường
Tuần tới dự kiến tâm lý thận trọng vẫn sẽ bao trùm thị trường, giới đầu tư đón đợi phiên họp tháng 7 của FED và quyết định lãi suất tiếp theo từ tổ chức này, khi mà lạm phát Mỹ tháng 6 vừa rồi vẫn tiếp tục đạt đỉnh mới 9,1% (dù tốc độ tăng đã chậm lại), các ngân hàng trung ương khác đã bắt đầu hành động cứng rắn hơn (ECB vừa quyết định tăng 0,5 điểm phần trăm, nhiều hơn mức dự báo trước đó là 0,25 điểm phần trăm). Nhận định về khả năng ảnh hưởng của thông tin này, anh Nguyễn Hoàng Tùng chia sẻ thêm: “Giai đoạn này, cơ hội giải ngân vào các nhịp điều chỉnh với nhóm ngân hàng (kỳ vọng kết quả kinh doanh của nhóm này vẫn sẽ tiếp tục khả quan), nhóm xây dựng (trước diễn biến giá thép xây dựng tiếp tục giảm gần đây và Chính phủ đốc thúc đầu tư công nửa cuối năm), nhóm thực phẩm - đồ uống (nhu cầu tiêu thụ tăng lên trong mùa du lịch, nghỉ lễ). Bên cạnh đó cũng có thể bám sát dòng tiền khối ngoại để giải ngân và nắm giữ, vì về cơ bản các mã được khối này lựa chọn đều là các mã cơ bản, có độ an toàn cao, trong khi mặt bằng định giá đã không còn đắt đỏ”.
Về mặt kỹ thuật, VN-Index duy trì được độ cao sau phiên bùng nổ theo đà ngày 20/7 là yếu tố tích cực, tuy nhiên việc chỉ số mở GAP trong phiên đó và lực bán trở lại gây ảnh hưởng vào cuối tuần cho thấy khả năng chỉ số sẽ có một tuần điều chỉnh, vùng giá sẽ có xu hướng quay lại kiểm định khu vực đã tạo khoảng trống giá ở mức 1.180 đến 1.185 điểm.
Trao đổi với Tạp chí Nông Thôn Mới, anh Lê Hoàng Tân (ảnh) – Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Asean cũng đã đưa ra những nhận định cho thị trường trong những tuần sắp tới: "Quan sát thị trường cho thấy, dòng tiền vẫn tập trung vào các nhóm ngành khá quen thuộc mà tôi đã nhắc tới trong tuần trước đó là: Bất động sản khu công nghiệp, logistic, phân bón hóa chất và năng lượng. Các cổ phiếu có sự phục hồi tốt trong tuần rồi bao gồm IDC, BCM, SZC, KBC, HAH, GMD, DGC, REE… Nhóm cổ phiếu bán lẻ, công nghệ cũng thu hút dòng tiền trở lại khi công bố kết quả kinh doanh ấn tượng như PNJ, FPT, DGW. Nhóm thủy sản mặc dù công bố kết quả kinh doanh tăng trưởng rất mạnh trong quý 2 nhưng giá cổ phiếu không tăng do lo ngại khả năng lợi nhuận đã tạo đỉnh. Hiện giá cá tra nguyên liệu đã giảm hơn 10% và sản lượng xuất khẩu bắt đầu giảm tốc trong tháng 6.
Nhóm ngân hàng, chứng khoán sau đợt phục hồi tuần rồi đã chuyển sang trạng thái đi ngang tích lũy. Đây là 2 nhóm ngành có giá trị vốn hóa lớn trên sàn nên ở giai đoạn thị trường thiếu hụt dòng tiền sẽ rất khó để tăng mạnh. Đồng thời, trong tuần NHNN cũng bắn đi tín hiệu sẽ không nới thêm “room” tăng trưởng tín dụng trong năm nay.
Với thanh khoản hiện nay rơi vào khoảng từ 10 đến 15 nghìn tỷ/phiên cho thấy dòng tiền chỉ xoay chuyển qua lại giữa các nhóm cổ phiếu và dòng tiền lớn vẫn chưa thực sự trở lại. Đây cũng là lý do để tôi cho rằng sóng tăng đợt này chỉ là sóng hồi kỹ thuật. Các diễn biến tiếp theo sẽ phục thuộc rất lớn vào các chuyển biến kinh tế vĩ mô thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Chiến lược hợp lý hiện nay cho nhà đầu tư là có thể tăng tỷ trọng cổ phiếu để tận dụng sóng hồi, sau đó theo dõi thị trường 1 cách thận trọng và sẵn sàng hạ tỷ trọng khi 1 trong 2 điều kiện là điểm số (đạt vùng 1.170+-10 điểm) hoặc sóng hồi đã kéo dài đủ từ 3 đến 4 tuần".