Tài chính – Ngân hàng

TTCK: Nhóm cổ phiếu bất động sản lung lay

Tú San - 08:38 20/02/2023 GMT+7
Sau phiên họp ngày 17/2/2023 giữa Chính phủ và các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) với kỳ vọng Chính phủ sẽ có phương án hỗ trợ doanh nghiệp BĐS vượt qua thời điểm khó khăn mà không mang lại tín hiệu tích cực khi Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận “không ai giải cứu ai” nhằm thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh. TTCK cũng phản ứng lại với một vài mã cổ phiếu BĐS ở tình trạng “múa bên trăng” (trắng bên mua)

Cổ phiếu BĐS đang trong thời kỳ sóng gió

Trong tuần vừa qua, thủ tướng Phạm Minh Chính cùng với các lãnh đạo của Chính phủ trực tiếp chủ trì hội nghị để bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Và như lời của các doanh nghiệp trình bày, nếu không có biện pháp hỗ trợ từ các cơ quan chức năng thì nhiều doanh nghiệp bất động sản có nguy cơ phá sản, chứng tỏ một thực tế là ngành Bất động sản đang thực sự gặp khó khăn và tình hình đang càng tồi tệ cũng như vượt quá khả năng giải quyết của họ.

Điều này sẽ gây ra một hệ lụy vô cùng lớn khi ngành Bất động sản là một trong những động lực chính thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây. Theo đó, các ngân hàng cũng sẽ phải chịu tác động không hề nhỏ khi dư nợ của nhóm này chiếm hơn 20% tổng dư nợ của toàn nền kinh tế. Mức độ rủi ro về việc nợ xấu tăng cao đang hiện hữu trước mắt và đòi hỏi sự linh hoạt xử lý để đem lại lợi ích hài hòa cho các bên liên quan.

Trên thị trường chứng khoán, nhóm các cổ phiếu bất động sản niêm yết không tránh khỏi vòng xoáy đó khi nhiều doanh nghiệp ghi nhận trường hợp mất thanh khoản, không đủ lượng tiền để thanh toán các khoản nợ hay lãi trái phiếu. Điều này dẫn đến hiện tượng các cổ phiếu bị bán tháo mạnh trong tình trạng “trắng bên mua” như NVL, PDR khiến thị giá giảm mạnh hơn 70% trong năm 2022 và đầu năm 2023. Còn các cổ phiếu ngân hàng, mặc dù báo cáo kết quả kinh doanh 2022 đều khả quan khi lợi nhuận vẫn duy trì ở mức cao nhưng các số liệu đang bắt đầu xấu đi khi tỷ lệ nợ xấu tăng cũng như hệ số CASA giảm, thể hiện rõ ở việc đa số ngân hàng đều báo lãi quý 4 kém tăng trưởng hơn so với các năm trước. Việc giảm lãi suất để hỗ trợ các doanh nghiệp và không còn các chính sách tiền tệ hỗ trợ như đợt dịch Covid sẽ làm giảm lợi nhuận ngân hàng trong năm 2023.

Ông Lê Hoàng Tân – Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Asean

Nhận định về nhóm ngành BĐS, ông Lê Hoàng Tân – Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Asean cho rằng: “Trước các diễn biến của thị trường cũng như chưa có các biện pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn của Chính phủ. Tôi cho rằng các cổ phiếu bất động sản sẽ còn gặp rất nhiều thách thức và việc tháo gỡ các khó khăn này không thể tiến hành trong một sớm một chiều, vì vậy nhà đầu tư nên “né” nhóm cổ phiếu này trong năm 2023 để ưu tiên đầu tư vào các nhóm ngành có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận như thép, đầu tư công .Tuy nhiên, không phải là không có cơ hội đối với nhóm bất động sản, đặc biệt là các nhà đầu tư dài hạn sẵn sàng nắm giữ thời gian vài năm. Lúc đó, cổ phiếu của các công ty bất động sản có cơ cấu tài chính lành mạnh, vay nợ ít, quỹ đất nhiều như KDH, NLG, IDC sẽ là những cổ phiếu thật sự hấp dẫn khi giá cổ phiếu đã gần như chạm đáy trong năm 2023 này”.  

Thị trường vẫn chưa có nhịp điều chỉnh lớn

Tiếp nối đà giảm từ tuần trước, thị trường tiếp tục điều chỉnh trong 2 phiên giao dịch đầu tuần trước khi hồi phục trở lại vào các phiên cuối tuần về quanh mốc 1.059 điểm tương ứng tăng nhẹ 0,38%. Song tâm lý giao dịch trở nên thận trọng hơn khi thanh khoản bình quân trên cả 3 sàn sụt giảm 8% đạt khoảng 10.100 tỷ đồng.

Về diễn biến các nhóm ngành, phần lớn các nhóm ngành đều hồi phục nhẹ trở lại trong đó đáng chú ý là nhóm dầu khí khi khối lượng giao dịch kèm giá tăng với mức tăng 3,4%. Xét theo vốn hóa, tỷ trọng giá trị giao dịch bình quân tăng ở nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, giảm ở nhóm vốn hóa lớn song cả 3 chỉ số đều tăng điểm trong tuần qua. Cụ thể chỉ số VN30 tăng 0,5%; chỉ số VNMIDCAP tăng 0,4% và chỉ số VNSMALLCAP tăng 1% (số liệu từ Agriseco)

Về diễn biến dòng tiền theo góc độ từ các nhà đầu tư thì sau chuỗi nhiều tuần mua ròng liên tiếp, khối ngoại đảo chiều bán ròng với giá trị khoảng 370 tỷ đồng trong tuần này tập trung vào các mã STB; DXG; VIC. Chiều ngược lại top 3 mã khối ngoại vào ròng mạnh nhất bao gồm PVD; HPG; MSN Trong khi đó, tự doanh mua bán khá cân bằng song vẫn nghiêng về bên bán với giá trị bán ròng trên cả 3 sàn đạt khoảng 5 tỷ đồng. Top các mã tự doanh bán ròng nhiều nhất bao gồm NVL; DGW; EIB trong khi đó KDH; STB; VPB là 3 mã khối này vào ròng nhiều nhất. Ngược xu hướng với 2 khối trên, nhà đầu tư cá nhân trong nước quay trở lại thị trường trong tuần giao dịch vừa qua khi khối này vào ròng khoảng 430 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thái Quốc – Phó Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Agribank – Chi nhánh miền Nam

Trao đổi với PV Tạp chí Nông Thôn Mới, ông Nguyễn Thái Quốc – Phó Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Agribank – Chi nhánh miền Nam cho biết: “Sau khi lui về vùng hỗ trợ 1.030 điểm, thị trường có nhịp hồi phục liên tiếp 3 phiên đưa VN-Index về quanh mốc 1.060 điểm. Mặc dù cải thiện về mặt điểm số song thanh khoản chưa thuyết phục khi sụt giảm cả về giá trị và khối lượng giao dịch cho thấy các phiên hồi phục mang tính chất kỹ thuật hơn là đảo chiều xu hướng. Với việc VN-Index đóng cửa phiên cuối tuần bằng cây nến Doji thể hiên sự lưỡng lự, chúng tôi cho rằng áp lực bán sẽ có xu hướng mạnh lên trong các phiên sắp tới khi chỉ số tiến dần vào vùng cản 1.060 – 1.075 điểm. Trong kịch bản tích cực hỗ trợ 1.050 điểm được bảo toàn, chỉ số có thể vận động theo xu hướng sideway trong biên độ 1.050 - 1.075 điểm. Trái lại trong kịch bản kém khả quan, thị trường có thể quay lại xu hướng giảm trung hạn với hỗ trợ gần nhất quanh vùng 1.030 điểm”.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng liệu có còn dẫn dắt thị trường?

Theo thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng thì sau khi NHNN đã họp và đã thống nhất với 4 ngân hàng thương mại, NHNN sẽ dành một gói tín dụng cho lĩnh vực nhà ở xã hội trị giá 120.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay cả người xây dựng và người mua nhà thấp hơn từ 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ. Ngay sau đó, một số ngân hàng đã có động thái hạ lãi suất cho vay từ 1-3% như Agribank, SeAbank, MB, Techcombank, Bản Việt…cho các gói tín dụng.

Với động thái này, ông Lê Hoàng Tân nhận định thêm: “Đối với nhóm ngân hàng, tôi cho rằng việc đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng trong năm 2023 này không phải là lựa chọn hợp lý khi triển vọng tăng trưởng lợi nhuận không cao. Chúng ta chỉ thực sự tham gia vào nhóm ngân hàng này khi Vn-Index trải qua các cú sập mạnh vì dù sao đây cũng là nhóm ảnh hưởng nhất tới toàn thị trường, thị trường muốn tăng mạnh bắt buộc phải có sự tham gia dẫn dắt của các cổ phiếu ngân hàng. Các lựa chọn ưu tiên sẽ là các ngân hàng có chỉ số tài chính tốt, CASA cao, nợ xấu thấp và có các lợi thế cạnh tranh riêng như MBB, TCB, VPB”.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thái Quốc cũng cho rằng: “Với các cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng, nhà đầu tư cần ưu tiên nhóm quốc doanh khi các ngân hàng này có thanh khoản tốt, bộ đệm vốn cao và chất lượng tài sản lành mạnh. Về xu hướng thị trường thời gian sắp tới, có thể dòng tiền sẽ tiếp tục phân hóa và hướng đến nhóm vốn hóa vừa và nhỏ trong bối cảnh thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức thấp. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng nên lưu ý với nhóm vốn hóa lớn do được khối ngoại mua ròng mạnh trong giai đoạn trước và hiện khối ngoại đang có dấu hiệu đảo chiều bán. Ngoài ra, trong bối cảnh rủi ro điều chỉnh còn hiện hữu, nhà đầu tư vẫn nên thận trọng trước quyết định giải ngân, đồng thời giữ danh mục ở vị thế tiền mặt an toàn”.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác