TTCK: Nhóm Ngân hàng đang tạo đà trở lại
Tuy nhiên, điểm trừ của thị trường trong tháng đầu tiên của năm chính là mức thanh khoản không đồng thuận khi giá trị giao dịch bình quân 3 sàn sụt giảm 25% so với tháng 12/2022. Chỉ số VN-Index trong tháng 1/2023 đi theo xu hướng tăng giá, phần lớn nhờ vào hỗ trợ của khối nhà đầu tư nước ngoài khi họ tiếp tục mua ròng trên 3.700 tỷ đồng trên sàn HSX. Thanh khoản bình quân tháng 1/2023 trên sàn HSX tiếp tục duy trì ở mức thấp, ước đạt gần 9.000 tỷ đồng/phiên, thấp hơn 23% so với tháng 12/2022.
Ông Trịnh Quốc Tài - Chuyên viên tư vấn đầu tư Công ty CP Chứng khoán Agribank - Chi nhánh Miền Nam cho biết: “Việc thanh khoản duy trì ở mức thấp kéo dài một phần do (1) Nửa đầu tháng 1, thị trường rơi vào vùng trũng thông tin khi các tin tức về tình hình tài chính các doanh nghiệp chưa xuất hiện nhiều trong khi (2) Nhu cầu giao dịch của các nhà đầu tư có phần hạn chế khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đến gần. Do đó, với động lực dòng tiền tham gia thị trường chỉ tới từ khối nhà đầu tư nước ngoài, việc thị trường biến động tăng giá trong biên độ hẹp chưa tới 1%/phiên trong tháng đầu năm là điều có thể hiểu được”.
Ở các phiên đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Âm lịch, các doanh nghiệp đã bắt đầu công bố số liệu báo cáo tài chính quý 4 với sự phân hoá tương đối rõ nét. Đa phần các nhóm ngành đều giảm lợi nhuận sau thuế (LNST) so với cùng kỳ chủ yếu là các ngành hàng đang vào chu kì đi xuống như bất động sản, tài nguyên cơ bản, hóa chất. Chiều ngược lại một số ít nhóm như nhóm ngân hàng quốc doanh, công nghệ thông tin hay nhóm tiện ích ghi nhận LNST tăng trưởng so với cùng kỳ. Điều này đã phản ánh một phần lên đà tăng giá của các doanh nghiệp trong những phiên cuối tháng 1 và đầu tháng 2/2023. Thêm vào đó, ở chiều hướng tích cực thì cuộc họp mới đây của FED về điều hành lãi suất cũng cho thấy tín hiệu hạ nhiệt đà tăng lãi suất với mức tăng 0,25% (thấp hơn so với 4 lần tăng 0,75% liên tiếp và mức tăng 50 điểm cơ bản hồi tháng 12/2022 kỳ vọng sẽ đem lại tín hiệu khả quan tới tâm lý nhà đầu tư). Đồng thời, nhiều khả năng dòng tiền của khối nhà đầu tư tổ chức, nước ngoài sẽ tiếp tục tham gia trong thời gian tới hỗ trợ thị trường.
Ông Lê Hoàng Tân – Phó TGĐ Công ty Chứng khoán Asean nhận định: “Trong tuần trước, hầu hết các doanh nghiệp đều đã công bố kết quả kinh doanh năm 2022 với các kết quả không mấy tích cực. Ngoại trừ nhóm ngân hàng vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá tốt thì các nhóm ngành còn lại như bất động sản, thép, bán lẻ đều cho số liệu không tốt. Thậm chí các doanh nghiệp lớn như HPG, PDR, DXG còn báo lỗ kỷ lục trong quý cuối cùng của năm 2022. Điều này là dẫn chứng cho việc nền kinh tế Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nhất định từ cuộc khủng hoảng toàn cầu, cho thấy năm 2023 này sẽ không mấy dễ dàng”.
Mới đây Tổng cục Thống kê đã công bố báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 01/2023. Trong đó một số chỉ tiêu đang giảm so với cùng kỳ năm trước như: 1/ Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 01/2023 giảm 8% so với cùng kỳ năm trước. 2/ Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 01/2023 ước đạt 25,08 tỷ USD, giảm 21,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89%. 3/ Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/01/2023 đạt 1,69 tỷ USD, giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam tháng 01/2023, ước tính đạt 1,35 tỷ USD, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy tín hiệu hồi phục của thị trường chứng khoán cũng chưa rõ ràng trong xu hướng toàn nền kinh tế đang đi xuống, việc biến động chỉ số VN-Index trong tuần này có thể sẽ rơi vào vùng thấp khi chưa có nhiều thông tin tích cực ảnh hưởng đến tâm lý đầu tư.
Ông Trương Hiền Phương – Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam cho biết: “Hiện áp lực bán đang gia tăng khi chỉ số giảm mạnh, vì thế tâm lý thị trường đang nghiêng về hướng nhà đầu tư chốt lời ngắn hạn. Chỉ số VN-Index đang đóng cửa dưới ngưỡng 1.100 điểm nên xu hướng đang nghiêng về điều chỉnh ngắn hạn. Ngưỡng 1.050 điểm sẽ là ngưỡng hỗ trợ quan trọng nếu đóng cửa dưới ngưỡng này thì xu hướng có thể điều chỉnh giảm tiếp và khả năng sẽ lùi về vùng 900 điểm. Ngược lại, nếu chỉ số tiếp tục được giữ vững trên 1.050 thì xem như đợt điều chỉnh vừa rồi đã kết thúc và chỉ số sẽ tiếp tục tăng lên mục tiêu kế tiếp quanh 1.200 điểm. Nhà đầu tư có thể cân nhắc mở lại vị thế mua khi chỉ số vượt 1.100 điểm”.
Cùng quan điểm trên, ông Lê Hoàng Tân cũng cho rằng: “Về tuần giao dịch này, chúng tôi nhận thấy chưa có cơ hội rõ ràng khi thị trường đang ở trạng thái lơ lửng giữa mốc 1.050-1.100 điểm. Sẽ không có quá nhiều đột biến trong tuần tới, thanh khoản thị trường càng ngày càng giảm. Kịch bản dễ xảy ra nhất là Vn-Index tiếp tục điều chỉnh và về mốc 1.050 điểm, sau đó sẽ có những phiên hồi phục. Nhóm các cổ phiếu lớn ảnh hưởng đến chỉ số sẽ chưa có nhiều cơ hội để đầu tư. Các cơ hội chỉ xuất hiện ở các nhóm vốn hóa nhỏ như đầu tư công, bảo hiểm, hàng không… Tuy nhiên, nhà đầu tư chỉ nên tham gia giao dịch với tỷ trọng tương đối (30-50%) tài khoản, xác định lướt sóng ngắn hạn. Nếu không kiếm lời được sẵn sàng cắt lỗ để chuyển qua mã khác. Không ăn thua đủ với thị trường trong những trạng thái lơ lửng này khi tỷ lệ sinh lời chưa cao”.
Ông Trịnh Quốc Tài cũng đồng tình về khả năng Vn-Index sẽ về vùng giá thấp hơn trong tuần sắp tới: “Trong tuần này, chúng tôi nghiêng về kịch bản VN-Index sẽ đi ngang và phân hoá, dự kiến chỉ số sẽ dao động quanh vùng 1.040-1.100 điểm”.