Tài chính – Ngân hàng

TTCK: Tăng trưởng dòng tiền đang tạo niềm tin cho nhà đầu tư

Tú San - 08:06 08/08/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Tuần giao dịch vừa qua thị trường chứng khoán (TTCK) đã có nhịp tăng khá mạnh khi VN Index kéo dài gần như xuyên suốt cả tuần, kết tuần VN Index đóng cửa tại 1.252,74 điểm (đã tăng 46 điểm so với tuần trước), thanh khoản của thị trường được cải thiện rõ rệt. Khối ngoại và tự doanh trong nước đã “mua ròng” 4/5 phiên trong tuần qua với giá trị bình quân đạt 250-400 tỷ đồng tại mỗi phiên, điều này đang lấy lại niềm tin rất lớn cho những nhà đầu tư cá nhân.

Thị trường tuần qua hầu hết các nhóm ngành đều bật tăng, các nhóm ngành như bất động sản (BĐS), chứng khoán (CK) tiếp tục dẫn đầu trong nhịp hồi phục trong kênh giá của thị trường, việc thanh khoản trở lại trên thị trường khiến nhóm cổ phiếu chứng khoán đang  được kỳ vọng tích cực trong ngắn hạn. Dẫn đầu là nhóm cổ phiếu đầu ngành chiếm thị phần lớn trong ngành chứng khoán như SSI +16.16%, VND +15.1%, MBS +12.11%,… nhóm ngành BĐS cũng tăng trưởng tốt bên cạnh những thông tin ngoài luồng từ tháo gỡ nút thắt room tín dụng cho BĐS, những ông lớn đầu ngành bật tăng tốt NVL +8.59%, VHM tăng nhẹ gần 4% cho tới nhóm midcap DXG +10.28%, HDC +5.7%, NTL +3.57%. (Thông tin từ phòng phân tích Công ty CP Chứng khoán Funan).

Tạp chí Nông Thôn Mới đã phỏng vấn ông Nguyễn Hoàng Tùng – Giám đốc Công ty Chứng khoán Agribank miền Nam về khả năng hồi phục của thị trường trong ngắn hạn.

Thị trường trong nước dù để mất điểm ở phiên cuối tuần nhưng vẫn có tuần khởi đầu tháng 8 tăng điểm, đây cũng là tuần tăng thứ 4 liên tiếp của chỉ số VN-Index, dòng tiền cũng có phần sôi động hơn. Theo ông, những chuyển động tích cực này liệu có tiếp diễn trong tuần tới?

Ông Nguyễn Hoàng Tùng: “Theo tôi, tuần vừa qua, chỉ số VN-Index đã xuất hiện nhịp bứt phá từ vùng hỗ trợ ngắn hạn, đi kèm với thanh khoản cải thiện gần 40% so với tuần trước đó. Động lực dòng tiền không thể không nhắc tới nhóm khối ngoại và tổ chức trong nước, khi họ đã mua ròng 4/5 phiên trong tuần qua với giá trị bình quân đạt 250-400 tỷ đồng tại mỗi phiên mua ròng. Tôi cho rằng, sự hỗ trợ của dòng tiền lớn sẽ giúp tâm lý thị trường tích cực hơn trong giai đoạn tới, đặc biệt khi VN-Index tuần vừa qua đã lấy lại được xu hướng tăng giá trung hạn. Mặc dù vậy, chỉ số VN-Index cũng đang bước vào vùng gap 1.250-1.280 điểm, và có thể sẽ cần thêm thời gian để thị trường hấp thụ được nguồn cung cổ phiếu tại vùng kháng cự này. Vì vậy, tôi cho rằng, VN-Index vẫn sẽ tiếp tục xu hướng tăng giá nhưng trong biên độ hẹp vào tuần tới”.

Với những diễn biến tích cực của điểm số và thanh khoản trong vài tuần trở lại đây cho thấy tâm lý của nhà đầu tư mặc dù còn khá thận trọng nhưng phần nào đã bớt lo ngại từ các yếu tố vĩ mô như lạm phát, tăng trưởng tín dụng… Ông đánh giá như thế nào về khả năng các ngân hàng sẽ được nới room tín dụng và tác động như thế nào đến TTCK trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Hoàng Tùng: “Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ giữ tốc độ tăng trưởng tín dụng của ngành Ngân hàng là 14% trong năm nay, tuy nhiên điều này không đồng nghĩa với việc sẽ không nới room tín dụng với toàn bộ ngân hàng. Theo tôi, các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt, bộ đệm an toàn vốn cao và đang thực hiện các nhiệm vụ của NHNN giao sẽ có khả năng được nới room cao hơn trong thời gian tới. Tôi cho rằng thông tin này có thể tạo ra tác động tích cực tới thị trường chứng khoán, do ngân hàng vẫn là nhóm ngành có tỷ trọng lớn trên thị trường, xét về vốn hoá. Việc nới room tại các ngân hàng sẽ tạo ra dư địa tăng trưởng kết quả kinh doanh lớn hơn và có thể giúp giá cổ phiếu ngân hàng tăng trong thời gian tới”.

Sau một thời gian giao dịch khá trầm lắng, nhóm cổ phiếu chứng khoán đã có phiên lội ngược dòng thành công và tăng tốc mạnh vào cuối tuần qua khi hầu hết các mã chứng khoán đều “xanh”. Ông nhìn nhận như thế nào về cơ hội đối với nhóm chứng khoán ở giai đoạn hiện tại?

Ông Nguyễn Hoàng Tùng – Giám đốc Công ty Chứng khoán Agribank miền Nam.

Ông Nguyễn Hoàng Tùng: “Đa số các cổ phiếu chứng khoán đã có phiên tăng điểm khá tốt vào cuối tuần qua và một số cổ phiếu nằm trong nhóm dẫn dắt thị trường cùng với thanh khoản lớn cho thấy nhóm cổ phiếu này vẫn hút tiền và được nhà đầu tư quan tâm. Với việc (1) Tình hình vĩ mô ổn định và tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp dự báo vẫn ở mức cao, (2) Dự kiến áp dụng giao dịch T+2 ngay cuối tháng 8, cùng với (3) Hệ thống giao dịch mới sẽ sớm được vận hành, nhóm chứng khoán được kỳ vọng sẽ có sự cải thiện về mặt thanh khoản trong thời gian tới. Bên cạnh đó, hầu hết cổ phiếu đã chiết khấu sâu 70% từ đỉnh và khả năng kết quả kinh doanh quý 2 đã được phản ánh vào giá trong nhịp giảm sâu vừa qua. Điều này khiến hệ số P/B của hầu hết các công ty chứng khoán đã dưới 2, thậm chí nhiều cổ phiếu còn dưới 1, kéo theo mức định giá trở nên hấp dẫn hơn đáng kể so với giai đoạn bùng nổ hồi cuối tháng 11 năm ngoái”.

Các mã cổ phiếu dòng Chứng khoán, Ngân hàng, BĐS đang "xanh" trở lại

Theo ông, đâu là chiến lược phù hợp ở giai đoạn này và nhà đầu tư nên phân bổ tỷ trọng đầu tư như thế nào?

Ông Nguyễn Hoàng Tùng: “Theo tôi, nhà đầu tư có thể theo sát diễn biến dòng tiền của khối nhà đầu tư lớn trong giai đoạn này. Trong tuần qua, khối này đã mua ròng mạnh tại nhóm ngân hàng, chứng khoán và bất động sản. Đây đều là các nhóm ngành có tỷ trọng lớn trong rổ chỉ số VN-Index và dự báo vẫn còn nhiều câu chuyện tăng trưởng nửa cuối năm nay. Do vậy, với kỳ vọng chỉ số vẫn trong đà hồi phục thời gian tới, những nhịp điều chỉnh của thị trường là cơ hội tốt để nhà đầu tư có thể tích luỹ thêm cổ phiếu. Bên cạnh đó, trong bối cảnh rủi ro lạm phát vẫn còn cao, nhà đầu tư có thể mua vào các cổ phiếu đầu ngành có yếu tố phòng vệ lạm phát, thuộc nhóm dầu khí, bảo hiểm hay điện nước. Về tỷ trọng phân bổ vốn, tôi cho rằng hiện tại chưa phải là thời điểm phù hợp để sử dụng margin do vẫn còn nhiều biến số vĩ mô cần được theo dõi chặt chẽ. Vì vậy, nhà đầu tư vẫn nên chủ động nắm giữ tỷ trọng tiền lớn hơn cổ phiếu để có thể giải ngân từng phần trong giai đoạn tới”.

Xin cảm ơn ông về nội dung buổi phỏng vấn.

Anh Nghĩa Trần – Admin của diễn đàn ChungKhoanPro

Tuần qua, nhóm ngành thuỷ sản đã có những tín hiệu bật tăng trở lại, một số yếu tố thuận lợi từ việc nhập khẩu nguyện vật liệu cho đến xuất khẩu sang thị trường nước ngoài đã khiến cho các cổ phiếu nhóm này lấy lại điểm sau thời gian sụt giảm. Ông Nghĩa Trần – Admin của diễn đàn ChungKhoanPro đã đưa ra nhận định riêng cho nhóm ngành này:

Với thị trường chứng khoán của Việt Nam trong thời gian qua, các công ty thuỷ hải sản hầu như đã đạt đỉnh trong đầu tháng 6 và đều bị ảnh hưởng nhất định với thị trường chung trong tháng 7. Báo cáo tài chính quý 2 của các công ty thuỷ hải sản hàng đầu đều cho thấy kết quả kh quan nhưng sang đầu quý 3 dưới tác động của lạm phát, giá dầu tăng cao và ảnh hưởng kéo dài của chiến tranh Nga - Ucraina đã tác động đến giá nguyên liệu chăn nuôi, thế dự báo lợi nhuận tương lai không còn tươi sáng. Tại thị trường Mỹ báo cáo tháng 6 cho thấy số liệu nhập khẩu tôm tăng nhẹ so với năm ngoái và là điểm gây bất ngờ cho sự ảm đạm do suy giảm của thị trường ở tháng 5. Các thị trường mới như Nhật Bản đang đòi hỏi khả năng tinh chế cao hơn nhưng đó cũng không phải là vấn đề khó với các nhà sản xuất trong nước. Riêng Trung Quốc hiện vẫn được xem là nước nhập khẩu chính đối với ngành thuỷ hải sản Việt Nam cũng đã có tín hiệu nhập khẩu gia tăng sau khi giảm dần các đợt giãn cách trên diện rộng tại các thành phố lớn.

Bước qua đầu tháng 8 trước những triển vọng tích cực của ngành từ Thông tư 06/2022/TT-BNNPTNT sửa đổi, bổ sung về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản cũng đã giải quyết những vướng mắc lớn mang tính đột phá sau 7 năm qua, làm giảm bớt gánh nặng trong chi phí, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu trong bối cảnh nguồn nguyên liệu trong nước không ổn định và thiếu hụt theo mùa vụ, trong khi nhu cầu xuất khẩu của thị trường thế giới gia tăng.

Từ đó, các công ty như MPC, ASM đã lấy lại xu thế tăng ngắn hạn và tiếp cận kháng cự trung hạn, trong tuần này nếu vượt MA50 và xác định mốc hỗ trợ thì đây sẽ là tiền đề kéo mạnh nhóm ngành này tăng trở lại. Trong đó, các mã đang nằm dưới vùng Fibo 0,2 có khả năng mang lại lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư, điển hình là ANV, IDI, FMC cũng như ông lớn Vĩnh Hoàn (VHC). Ngoài MPC và ASM là những công ty có câu chuyện riêng trong thời gian qua thì động lực cuối cùng trên thị trường chứng khoán chính là dòng tiền, trong tuần trước sự gia tăng về khối lượng giao dịch của ANV cũng là tâm điểm của ngành với sự kỳ vọng xoay chuyển dòng tiền giữa các mã. Với thị trường hiện nay, theo tôi VNIndex sẽ có nhịp điều chỉnh để test lại hỗ trợ ở mức 1.230 điểm trước khi bước vào nhịp tăng tiếp theo, nhà đầu tư cần nắm bắt những cơ hội mua vào những nhịp chỉnh của thị trường để mang lại hiệu quả tốt nhất.

 

 

 

 

 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác