Tư tưởng vượt trội, tầm nhìn sâu rộng của Tổng Bí thư về đại đoàn kết dân tộc
"Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc" là cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa mới ra mắt. Cuốn sách là "cẩm nang" về lý luận, thực tiễn, mang tầm lịch sử về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn hiện nay, qua đó giúp cho cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị nghiên cứu, vận dụng vào thực tiễn. Cuốn sách cũng là cơ sở chính trị để quán triệt xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa 13) về Đại đoàn kết toàn dân tộc.
Cuốn sách "Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc" gồm ba phần. Phần thứ nhất tập trung làm rõ Đại đoàn kết toàn dân tộc - Sức mạnh nội sinh, nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong phần thứ hai, cuốn sách đề cập đến việc phát huy vai trò nòng cốt chính trị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ở phần thứ ba nêu bật việc phát huy vai trò của các tầng lớp nhân dân, các địa phương, đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc đổi mới đất nước.
Thông tin về quá trình biên soạn, biên tập, xuất bản cuốn sách, ThS. Phạm Thị Thinh, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật cho biết, cuốn sách hệ thống hóa chỉ đạo của Tổng Bí thư về xây dựng khối đại đoàn kết và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới. Phần thứ nhất có bài tổng quan là bài mới nhất. Ở bài viết này, Tổng Bí thư đã khái quát vai trò của xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, những bước phát triển tư duy lý luận của Đảng trong thời kỳ đổi mới về việc xây dựng khối đại đoàn kết và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết qua các nhiệm kỳ Đại hội; những kết quả, thành tựu nổi bật của việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ đổi mới.
Cuốn sách đã tổng kết thực tiễn, bổ sung, nâng tầm lý luận về sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, được nghiên cứu, phân tích sâu sắc, tập hợp tư liệu, hình ảnh, bài viết, bài phát biểu tiêu biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân. Đó là những tư tưởng vượt trội, tầm nhìn sâu rộng, biện chứng, thực tiễn về đại đoàn kết toàn dân tộc với văn phong mộc mạc, dễ hiểu, dễ nhớ, sâu lắng, đi vào lòng người.
Ông Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định, ngay từ đầu Đảng ta xác định muốn sự nghiệp cách mạng thành công thì phải tin, dựa và phát huy sức mạnh toàn dân tộc; phải khẳng định "lấy dân là gốc". Những quan điểm này được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kế thừa, phát huy nâng lên và ngày càng hoàn thiện. Tổng Bí thư, trong những bài phát biểu của mình khẳng định: Đại đoàn kết là nhân tố quyết định thắng lợi bền vững của sự nghiệp cách mạng nước ta.
Nội dung cuốn sách toát lên tư tưởng lớn, tình cảm chân thành của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng và phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trên cương vị đứng đầu Đảng ta, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều chuyến công tác về thăm và làm việc tại các địa phương, cơ quan, đơn vị ở nhiều địa bàn khác nhau, từ miền núi, biên giới đến miền biển; từ nhà máy đến ruộng đồng. Đến đâu, Tổng Bí thư cũng dành thời gian thăm hỏi, động viên Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình có công với cách mạng, các đồng chí thương bệnh binh, các cụ cao tuổi, các cháu thiếu niên, nhi đồng, đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo...
Những lời thăm hỏi, động viên đó có sức lan tỏa mạnh mẽ, thể hiện sự quan tâm, tình cảm yêu thương, đồng cảm của người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước ta với các tầng lớp nhân dân, để lại ấn tượng sâu sắc.
Ông Lù Văn Que, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc chia sẻ: "Cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về đoàn kết toàn dân tộc, tôi có suy nghĩ thế này: Đảng, Bác Hồ có chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc. Nếu chúng ta thực hiện tốt chính sách này sẽ tạo thêm sức mạnh đại đoàn kết và tôi tin rằng sẽ có đại đoàn kết và có đại thành công trong xây dựng và bảo vệ đất nước ta giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc. Tôi tin rằng đồng bào các dân tộc sẽ phấn khởi thêm, để thấy rõ Đảng, Nhà nước trước sau như một, tăng cường đoàn kết toàn dân tộc và các dân tộc thiểu số cũng phấn khởi và tin tưởng trong sự nghiệp đoàn kết này".
Cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được ra mắt đúng vào dịp kỷ niệm 93 năm thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam có giá trị đặc biệt. Cuốn sách là "cẩm nang" về lý luận, thực tiễn, mang tầm lịch sử, về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn hiện nay. Đây cũng là tài liệu quý về xây dựng, phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho biết, cuốn sách đã chỉ ra những bài học hết sức quý báu. Ngày nay Đảng ta tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ trong hệ thống Mặt trận phải luôn tôn trọng dân, gần dân, học dân, hiểu dân, chuyển tải những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân đến với Đảng, Nhà nước để xây dựng đất nước chúng ta ngày càng văn minh và vững mạnh".
Việc xuất bản cuốn sách "Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định sự đồng lòng, đoàn kết của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân để thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đây được coi là "cẩm nang" về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là vũ khí sắc bén để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đồng thời, giúp các ngành, các cấp, các địa phương, cán bộ, đảng viên và đông đảo nhân dân, đồng bào các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài hiểu rõ, nắm vững, nêu cao tinh thần yêu nước, đóng góp công sức, trí tuệ, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Theo VOV
- Cà Mau: GRDP nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước
- Bình Dương phấn đấu trở thành đô thị loại I và thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030
- Đến năm 2030, phấn đấu trên 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn trái áp dụng IPHM
- Vĩnh Long: Định hướng cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới