Học hỏi làm giàu

Tỷ phú nông dân 2 lần được tôn vinh

Bài, ảnh: Cẩm Em - 07:01 23/12/2021 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Từ một nông dân bình thường, ông Nguyễn Quốc Hùng đã miệt mài lao động, tích cóp hàng năm để có được tài sản lên đến hàng trăm công ruộng ở vùng Thoại Sơn (tỉnh An Giang). Năm 2015, ông Hùng được bình chọn và nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” với mô hình sản xuất lúa giống. Năm 2021, ông Hùng được bình chọn và vinh dự nhận danh hiệu này lần thứ 2 với mô hình trồng bưởi da xanh.
Từ một nông dân trồng lúa giỏi, ông Hùng tiến thêm một bước trở thành nông dân trồng bưởi da xanh giỏi ở vùng đất Thoại Sơn, tỉnh An Giang. 

Từ “Vua lúa” xứ Óc Eo…

Nhắc đến ông Nguyễn Quốc Hùng (cư ngụ thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) người dân vùng Bảy Núi, An Giang ai ai cũng nể phục. Ông Nguyễn Quốc Hùng (68 tuổi) nhớ lại, ông xuất thân từ gia đình có truyền thống làm nông. Sau khi lập gia đình, vào những năm vừa giải phóng, vùng đất Óc Eo hoang hoá, ngập phèn nên việc canh tác lúa không hiệu quả. Nhiều hộ gia đình đã bán đất để chuyển đi nơi khác sống, nhưng vợ chồng ông Hùng vẫn chịu khó bám đất, quyết không buông cây lúa. Thu nhập hàng năm từ việc chắt chiu lao động hàng ngày, ông Hùng dành dụm mua đất mở rộng canh tác. 

Dần dà, vợ chồng ông mua được hơn 32ha đất ruộng liền kề. Trong quá trình trồng lúa quy mô hàng hóa, nhờ được nhà nước hướng dẫn và chuyển giao khoa học kỹ thuật nên trình độ sản xuất của những nông dân như vợ chồng ông Hùng dần được nâng cao. Trong khi nhiều hộ dân xung quanh bỏ cuộc với cây lúa thì ông hầu như mùa lúa nào cũng trúng vụ, chỉ có điều giá lúa hàng hóa cứ bấp bênh.

Năm 2001, nhận thấy nhu cầu lúa giống rất lớn, ông Hùng bắt đầu nuôi ý định sản xuất lúa giống để bán. Thế là năm 2006 trang trại nghiên cứu, sản xuất lúa giống của ông ra đời, sau trở thành Công ty lúa giống Hùng Hạnh. Để đầu tư cho Công ty lúa giống ông Hùng đầu tư kho bãi chứa hàng, mua máy cày, máy ủi, máy gặt đập liên hợp, lò sấy, máy tách hạt giống, máy kéo; cải tạo hệ thống tưới tiêu và sử dụng tất cả 32ha đất chuyển sang sản xuất lúa giống chất lượng cao theo quy trình khép kín. Việc kinh doanh lúa giống ngày càng hiệu quả, lượng khách hàng đặt hàng ngày càng cao, ông Hùng quyết định liên kết với các tổ hợp tác trong vùng để mở rộng sản xuất. 

Ông phối hợp với Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long lấy giống lúa nguyên chủng về giao cho nông dân trồng lúa theo quy trình kỹ thuật của công ty, sau đó thu mua lại lúa với giá cao hơn giá thị trường 1.000/kg.

Đến năm 2008 ông Hùng đã có 200ha diện tích đất sản xuất lúa giống, với sản lượng hàng năm khoảng 10.000 tấn, cung cấp lúa giống khắp Đồng bằng sông Cửu Long và bán cả sang Campuchia. Tổng doanh thu mỗi năm của công ty đạt bình quân 4,3 tỉ đồng, lợi nhuận đạt khoảng hơn 1 tỉ đồng.

Bưởi da xanh của ông Hùng được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao và được đưa vào tiêu thụ tại hệ thống một số siêu thị. 

… đến “Trùm bưởi da xanh” vùng Bảy Núi

Kinh doanh lúa giống đến năm 2016, ông Hùng chuyển sang trồng cây ăn trái để việc chăm sóc nhẹ nhàng hơn. Tìm hiểu nhiều mô hình cây ăn trái, nhưng cuối cùng sau chuyến đi tham quan mô hình trồng bưởi da xanh ở Bến Tre, ông Hùng quyết định chọn cây giống bưởi da xanh để chuyển đổi hướng canh tác.

Vùng đất Bảy Núi này từ xưa đến giờ cây bưởi da xanh chưa từng có mặt, nhưng sau khi nghiên cứu thổ nhưỡng, kỹ thuật kỹ càng, đến giữa năm 2016, ông Hùng đã mạnh dạn lên liếp chuyển đổi 5,3ha đất trồng lúa kém hiệu quả tại xã Vọng Thê sang trồng trên 3.000 gốc giống bưởi da xanh giống Bến Tre. Ngay từ đầu ông Hùng xác định trồng bưởi sạch để đăng ký thương hiệu, nên ông Hùng đã mày mò học tập kỹ thuật trồng bưởi da xanh từ khắp nơi để chăm sóc vườn bưởi. Vườn bưởi da xanh nhà ông Hùng được bón phân hữu cơ và chăm bón theo tiêu chuẩn VietGAP.

Năm 2019, sau 4 năm chăm sóc, vườn bưởi của ông Nguyễn Quốc Hùng đã cho đợt trái chiến đầu tiên và ngay năm đó ông bắt đầu đăng ký VietGAP. Đến năm 2020 ông đăng ký sản phẩm bưởi da xanh của gia đình mình làm sản phẩm OCOP và được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao của tỉnh. Ông tiếp tục đưa bưởi da xanh của mình vào các siêu thị trong tỉnh như Coopmart, Tứ Sơn và các chợ đầu mối để tiêu thụ.

Năm 2020, từ 5,3ha bưởi da xanh ông thu hoạch được trung bình từ 50-60 tấn bưởi, với giá từ 60.000-70.000 đồng/kg. Năm 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 làm đầu ra gặp khó, ông Hùng nghiên cứu kỹ thuật cho bưởi ra trái rải vụ, không cho trái chín như hàng năm mà cho trái chín quanh năm. Người dân nơi đây gọi ông là “Trùm bưởi da xanh vùng Bảy Núi”.

Cứ hàng tuần ông đều cắt bưởi chín cung cấp cho các đầu mối và siêu thị với sản lượng chia nhỏ vài tấn. Lúc khó khăn nhất do dịch bùng phát trong tỉnh, ông được Hội Nông dân xã kết hợp với Bưu điện tỉnh hỗ trợ đầu ra mỗi đợt vài tấn. Nhờ vậy, từ đầu năm đến nay gần 60 tấn bưởi da xanh của ông không bị động đầu ra, nhưng có lúc giá thị trường giảm còn 25.000-30.000 đồng/kg. Tuy vậy trừ chi phí, nhân công ông thu  lợi nhuận vẫn cao hơn trồng lúa.

Theo tính toán của ông Hùng, một cây bưởi trung bình có thể cho khoảng 20kg trái chín/vụ. Nhờ đầu tư hệ thống bơm tưới tự động nên ông cũng nhẹ công chăm sóc và giảm được lượng phân bón. Trong những vụ đầu thu hoạch, trừ tất cả các chi phí, 3.000 cây bưởi da xanh của ông Hùng cho lợi nhuận từ 4 đến 5 lần so với trồng lúa trước kia.

Không những chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông Hùng còn góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Hơn 20 năm nay ông Hùng duy trì thuê 7 hộ gia đình làm việc thường xuyên cho gia đình mình trên cánh đồng trồng lúa và trên các vườn trồng bưởi da xanh cũng như các công việc liên quan đến việc xuất bán 2 loại nông sản này. 

Để các hộ gia đình yên tâm làm việc lâu dài, ông Hùng đã xây sẵn 7 căn nhà kiên cố trên đất gia đình mình cho 7 hộ gia đình nhân công ở. Hàng ngày các thành viên lao động của các hộ gia đình đi làm được ông Hùng trả lương theo giờ. Đối với con cái của các hộ gia đình này được vợ chồng ông hỗ trợ tiền học phí, tập vở, giấy bút... 

Với những thành tích lao động trên, ông Nguyễn Quốc Hùng được công nhận Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp nhiều năm liền. Năm 2015 ông là 1 trong 63 gương mặt nhà nông tiêu biểu được bình chọn, trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” và vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Đặc biệt năm 2021 thêm một lần nữa ông Nguyễn Quốc Hùng vinh dự nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác