Tỷ phú nông dân làm giàu từ ương cá giống
Mày mò ương cá giống
Năm 1982, ông Phạm Văn Quất làm công nhân tại Trại cá giống huyện Thanh Miện. Trong thời gian làm việc ở đây, ông đã đúc kết được một số kinh nghiệm trong sản xuất, phòng trừ dịch bệnh cho cá giống, vì thế năm 1996 ông xin nghỉ về nhà quyết chí làm giàu. Ban đầu, ông vay tiền nhận đấu thầu 14 sào đất bãi trũng của xã để đào ao sản xuất cá giống. Trong 2 năm đầu do chưa có nhiều kinh nghiệm nên tỷ lệ trứng được thụ tinh chỉ đạt khoảng 60-70%, chất lượng cá giống chưa cao. Trong khi thị trường tiêu thụ thu hẹp chủ yếu trong tỉnh và một số tỉnh lân cận nên số lượng cá giống bán ra chưa nhiều.
Với lòng quyết tâm, ông Quất tiếp tục vay tiền mở rộng quy mô, đồng thời tích cực học hỏi kinh nghiệm của những người nuôi cá giống có hiệu quả ở trong và ngoài tỉnh, tham dự các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật do Hội Nông dân (ND) các cấp tổ chức. Ông Quất tâm sự: “Với vốn liếng và kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được, năm 2000 tôi tham gia nhận thầu 1,5 ha vốn là khu lò gạch cũ của xã với các thùng đấu đào đất nham nhở chuyển sang đào ao nuôi thủy sản. Nhiều người lúc đó cho rằng tôi sẽ không thành công nên gọi tôi là “ông Quất khùng”.
Thế rồi hàng năm ông Quất tích tụ ruộng đất mở rộng sản xuất, chăn nuôi, đến nay gia đình có 3 khu ao với tổng diện tích là 7,2ha, tổng cộng có 29 ao nuôi (gồm 10 ao nuôi cá giống bố mẹ để sinh sản và 19 ao ương nuôi cá bột, cá hương, cá giống). Lợi nhuận thu được qua các năm được tái đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ sản xuất: Toàn bộ diện tích ao nuôi được bê tông kiên cố hóa, trang bị hệ thống bể cá đẻ, thiết bị ấp nở trứng giống, đầu tư nhập giống bố mẹ.. với tổng số vốn đầu tư trên 30 tỷ đồng.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi cá giống, ông Quất cho biết: “Mỗi năm tôi lại chọn lọc và nhập cá giống bố mẹ mới để lai tạo, tránh hiện tượng đồng huyết, kết hợp với các trang thiết bị ấp nở giống hiện đại vì thế con giống khỏe mạnh, chất lượng cao. Đồng thời, tôi chỉ dùng nước giếng khoan cho việc nuôi cá giống do địa phương sẵn có nguồn nước ngầm rất trong, không độc tố, ngoài ra nước giếng khoan rất mát về mùa Hè, ấm về mùa Đông, dùng cho ương nuôi cá giống không cần sử dụng thêm biện pháp chống nóng hoặc rét cho cá”.
Cùng với đó, ông Quất thường xuyên nắm vững và dự báo thị trường để xây dựng kế hoạch sản xuất của từng chủng loại con giống. Trong sản xuất cá giống, ông Quất cũng quan tâm đến việc phòng trừ dịch bệnh, chỉ dùng các chế phẩm sinh học và thức ăn công nghiệp cho cá từ các nhà sản xuất có uy tín; cập nhật các tiến bộ kỹ thuật nhân nuôi cá giống mới. Ông tự mày mò, nghiên cứu sản xuất ra con giống chép lai F1 (50% giống chép Séc, 50% giống chép Indonesia) và chép lai F2 (25% máu giống chép Séc, 25% máu giống chép Hungary, 50% máu giống chép Indonesia) có tốc độ lớn nhanh, mẫu mã đẹp, được thị trường ưa chuộng. Lợi nhuận thu được đối với trang trại gia đình ông Quất trong những năm qua từ 1,2 -1,7 tỷ đồng/năm.
Luôn tích cực tham gia các phong trào của Hội
Ông Phạm Văn Quất còn là sáng lập viên Hợp tác xã (HTX) thủy sản Dung Quất gồm 16 thành viên. Diện tích ao sản xuất, ương nuôi cá giống của HTX là 17 ha. Trong giai đoạn 2016-2019, riêng sản xuất giống cá chép lai, hàng năm HTX đã sản xuất được 150 triệu con cá bột, 20 triệu con cá hương, 3 triệu con cá giống cỡ nhỏ, 4,5 triệu con cá giống lớn.
Không những làm giàu cho gia đình, ông Quất còn được biết đến là người tích cực tham gia các phong trào của địa phương, của Hội ND. Ông tham gia BCH Hội ND xã Cao Thắng nhiệm kỳ 2012 - 2018; hàng năm gia đình ông đã hỗ trợ cho 15-20 hộ nghèo, hộ khó khăn về giống cá, thức ăn thủy sản theo phương thức trả chậm và bao tiêu sản phẩm cá giống, tư vấn hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, hỗ trợ thông tin thị trường tiêu thụ cá thịt… Số tiền cung ứng giống, thức ăn trả chậm từ 2-3 tỷ đồng/năm. Trung bình hàng năm đã giúp đỡ từ 5-6 hộ thoát nghèo.
Ngoài ra, gia đình ông Quất còn nhận đỡ đầu, nuôi 2 cháu mồ côi ăn học đến tuổi trưởng thành; tạo công ăn việc làm cho 4 cựu quân nhân với mức lương từ 7-12 triệu đồng/tháng; tạo công ăn việc làm cho 15 hội viên, ND với mức lương trên 10 triệu đồng/tháng. Hàng năm, gia đình ông đã ủng hộ số tiền từ 40-70 triệu đồng để tặng quà cho các hộ nghèo, hộ khó khăn, gia đình thương binh liệt sĩ, tặng quà các tân binh lên đường nhập ngũ và hỗ trợ các hoạt động của đoàn thể địa phương, xây dựng kết cấu hạ tầng, tu sửa nghĩa trang liệt sĩ góp phần xây dựng nông thôn mới.
Ông Lê Văn Duẩn - Chủ tịch Hội ND huyện Thanh Miện cho biết: Ông Quất rất tích cực tham gia công tác Hội và phong trào nông dân của xã, của huyện, được các cấp tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Đặc biệt là danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” do Trung ương Hội NDVN trao tặng và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Thời điểm hiện nay, do tình hình dịch bệnh Covid-19, giá bán cá giống giảm mạnh, giá đầu vào tăng cao nên trang trại của gia đình ông Quất nói riêng và các hộ gia đình, chủ trang trại cũng gặp nhiều khó khăn. Vì thế mong muốn Nhà nước, Chính phủ có cơ chế ưu đãi để giúp phát triển các trang trại; đẩy mạnh thông tin thị trường giá cả; hỗ trợ tập huấn cho ND biết cách ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kỹ năng sử dụng mạng xã hội trong tiêu thụ sản phẩm.
Hàng năm HTX thủy sản Dung Quất đã sản xuất 40 triệu con giống cá trắm cỏ, 10 triệu con giống mè trắng, mè hoa; 100 triệu con giống trôi Ấn Độ; 500 triệu con giống rô đồng, rô đầu vuông; 20 triệu con giống trê vàng, trê lai; 3 triệu con giống trắm đen để cung cấp cho thị trường. Trung bình hàng năm, tổng doanh thu của HTX khoảng 15-20 tỷ đồng.