“Viết cho ai” - Lời chỉ dẫn của Bác Hồ vẫn nguyên giá trị thời đại
Bác Hồ và các nhà báo tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 16 4 1959. Ảnh tư liệu
Nhận diện độc giả và quan tâm, phục vụ độc giả ngày càng tốt hơn là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của mỗi cơ quan báo chí, đó là học và làm theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với người làm báo cách mạng: “Viết cho ai”?.
Từ chỉ dẫn “Viết cho ai”...
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam, người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam. Trong khoảng 50 năm cầm bút, Người đã để lại nhiều bài học, nhiều kinh nghiệm quý giá và những lời chỉ dạy sâu sắc về nghề báo và kỹ năng làm báo. Bài nói đầu tiên về viết báo, làm báo của Bác là bài Cách viết tại Trường Chỉnh Đảng Trung ương, ngày 17/8/1952; rồi lần thứ hai, trong Đại hội lần thứ III, Hội Nhà báo Việt Nam, tháng 9/1962. Theo Bác, mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: “Viết cho ai xem?” chính là việc xác định đối tượng phục vụ của báo chí: “Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân”; “Viết để làm gì?” đó là mục đích “để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên báo chí phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu”; “Viết thế nào?” cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc.
“Viết cho ai?” - Đây là câu hỏi đầu tiên đặt ra mà mỗi người làm báo phải trả lời được ngay từ khi hình thành ý tưởng đề tài đến khi hoàn thành một tác phẩm báo chí và câu trả lời “Ai”- chính là độc giả mà bài viết hướng tới. “Viết cho ai?” nói rộng hơn nữa là với mỗi cơ quan báo chí được thể hiện ở tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí đó. Tôn chỉ, mục đích của tờ báo thuộc lĩnh vực nào thì sẽ hướng tới phục vụ đối tượng bạn đọc (độc giả) thuộc lĩnh vực đó hoặc những ai quan tâm đến lĩnh vực đó; cụ thể hơn là các tờ báo chuyên sâu trong lĩnh vực, phạm vi của mình.
Xét trong tổng thể trong xã hội, mỗi cơ quan báo chí có một đối tượng độc giả, nhiều cơ quan báo chí sẽ phục vụ được nhiều đối tượng độc giả khác nhau tạo nên một bức tranh báo chí sinh động, với những thông tin đa chiều, đa lĩnh vực đáp ứng nhu cầu tiếp nhận thông tin của nhiều đối tượng trong xã hội. Chính vì vậy, vấn đề tiên quyết và cốt lõi của mỗi cơ quan báo chí là phải xác định, nhận diện được độc giả của mình. Mỗi một đối tượng độc giả sẽ có nhu cầu tiếp nhận thông tin khác nhau do họ có độ tuổi; trình độ nhận thức; trình độ học vấn; kiến thức khác nhau hoặc họ cùng có chung mối quan tâm , sở thích giống nhau... nên khi nhận diện được độc giả thì sẽ quan tâm đầu tư, đáp ứng đúng, trúng nhu cầu, xác định đúng nội dung, hình thức thể hiện sẽ phục vụ tốt hơn, thu hút và “giữ chân” được lượng độc giả trung thành với tờ báo. Việc thu hút đông đảo độc giả đến với tờ báo trước hết sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin tuyên truyền của cơ quan báo chí, đồng thời tạo nguồn thu đảm bảo cho tòa soạn hoạt động.
Độc giả là thành phần rất quan trọng của tờ báo, họ chính là khách hàng mang lại nguồn thu cho tòa soạn thông qua việc trực tiếp mua báo hay gián tiếp thu hút các nhà quảng cáo trả tiền cho tòa soạn. Vì vậy độc giả có vai trò quyết định đến việc tồn tại và phát triển của tờ báo; và việc nhận diện độc giả rất quan trọng, nên chỉ dẫn của Bác Hồ “Viết cho ai?” đối với người làm báo đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời đại.
... đến nhận diện độc giả của Tạp chí Nông thôn mới
Thực tế cho thấy, xu hướng phát triển không thể khác được của báo chí Việt Nam nói riêng và báo chí thế giới nói chung là thực hiện chuyển đổi số và phát triển theo hướng xây dựng tòa soạn hội tụ, xây dựng cơ quan báo chí đa phương tiện, đa nền tảng… Mới đây, ngày 6/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg về phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” khẳng định: Chuyển đổi số báo chí nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số.
Quyết định này của Chính phủ sẽ tạo động lực cho quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí diễn ra rất nhanh và mạnh mẽ. Là cơ quan báo chí, Tạp chí Nông thôn mới không thể đứng ngoài xu thế chung đó. Dù hiện tại còn nhiều khó khăn nhưng không có cách nào khác buộc Tạp chí phải thực hiện chuyển đổi số và xây dựng tòa soạn hội tụ. Để thực hiện được mục tiêu này, Tạp chí Nông thôn mới đã không ngừng nỗ lực đổi mới cả về tổ chức bộ máy và các hoạt động dần đáp ứng với các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu độc giả phần lớn là cán bộ, hội viên nông dân. Tuy nhiên, đối với Tạp chí Nông thôn mới để hoàn thiện chuyển đổi số và xây dựng tòa soạn hội tụ còn là một bước tiến dài. Vì muốn xây dựng cơ quan Tạp chí chuyên nghiệp và hiện đại, thì công nghệ là một trong những vấn đề rất quan trọng; rồi đội ngũ nhân sự phải có đủ năng lực chuyên môn để thực hiện nhiệm vụ… đòi hỏi tòa soạn phải có nguồn lực đầu tư rất lớn, trong khi các nguồn thu của Tạp chí những năm gần đây đều giảm, mức độ tự chủ về tài chính ngày càng phải tăng lên. Kinh phí hạn hẹp không có điều kiện đầu tư máy móc, phương tiện, trang thiết bị hiện đại, nâng cấp hạ tầng website để thực hiện nhiệm vụ; nguồn kinh phí cho đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ thường xuyên cho phóng viên, biên tập viên hạn chế; khó thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu đổi mới do mức lương, thu nhập và các chế độ đãi ngộ còn thấp…
Sự cạnh tranh thông tin ngày càng khốc liệt, ảnh hưởng đến khả năng thu hút các nguồn lực phục vụ cho phát triển của báo chí nói chung và Tạp chí Nông Thôn Mới nói riêng. Nhu cầu, phương thức tiếp cận thông tin của độc giả thay đổi, thì “cung” - những sản phẩm báo chí, những người làm báo - cũng phải thay đổi kịp thời thì mới có cơ hội tồn tại và phát triển. Chính điều này sẽ kéo theo sự thay đổi quyết định về vai trò của từng loại hình báo chí: Báo chí in dần thu hẹp diện phát hành, ngược lại báo chí điện tử trở thành loại hình chủ đạo của báo chí. Tuy nhiên, đối với Tạp chí Nông thôn mới thì Tạp chí in vẫn có thể là ấn phẩm hấp dẫn, thu hút độc giả nếu tiếp tục được đầu tư nâng cao chất lượng nội dung thông qua việc tổ chức các chuyên đề chuyên sâu nội dung gắn chặt với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Hội Nông dân, giai cấp Nông dân Việt Nam mang tính chất nghiên cứu, tổng kết lý luận thực tiễn với các tác giả là các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu đầu ngành...
Không ngừng đổi mới và thúc đẩy chuyển đổi số báo chí
Tạp chí điện tử Nông thôn mới, song song với đổi mới nâng cao chất lượng nội dung cần luôn luôn phải cập nhật, đổi mới, thực hiện đa dạng các hình thức truyền tải thông tin; không chỉ theo hình thức truyền thống là chỉ dùng phần text và ảnh minh họa mà phải đẩy mạnh việc đăng tải các bài viết trình bày dưới dạng: Longform, Iforgraphic, truyền hình, video, clip... Cùng với đó là cách thức phát hành tạp chí điện tử không chỉ dừng lại trên Tạp chí Nông thôn mới mà hướng tới mở rộng ra các nền tảng khác như: Fanpage, Facebook, Youtube, Tiktok... có như vậy mới thu hút và giữ chân được độc giả trung thành với Tạp chí.
Một buổi trao đổi nghiệp vụ cho phóng viên, biên tập viên Tạp chí Nông thôn mới. Ảnh Bảo Minh
Cùng với các giải pháp quyết liệt, đồng bộ để thực hiện chuyển đổi số thì Tạp chí Nông thôn mới cũng như các cơ quan báo chí trong nước muốn phát triển thì rất cần sự quan tâm một cách thiết thực từ Nhà nước và cơ quan chủ quản. Chính phủ, các cơ quan chủ quản cần có những chính sách, cơ chế cụ thể về tài chính của cơ quan báo chí; minh bạch và đồng bộ trong việc hỗ trợ kinh phí cho các cơ quan báo chí thông qua đặt hàng. Cần có sự tham gia điều tiết của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí đối với việc các cơ quan tổ chức, đặt hàng báo chí để đảm bảo đa dạng nội dung và hiệu quả tuyên truyền; để giúp cho các cơ quan báo chí nhất là các tạp chí chuyên ngành khó có điều kiện tiếp cận và thu hút các nguồn kinh phí truyền thông từ các doanh nghiệp sẽ có nguồn kinh phí ổn định, chủ động trong việc tổ chức tuyên truyền các chuyên đề nghiên cứu chuyên sâu phù hợp với tôn chỉ, mục đích. Cần có chính sách chia sẻ lợi nhuận giữa nhà mạng và báo chí. Hiện nay các nhà mạng đang thu lợi nhận lớn từ việc người dùng truy cập Internet để đọc báo điện tử, trong khi để có tác phẩm báo chí tốt, chất lượng tới bạn đọc điện tử toà soạn đã phải chi trả rất nhiều khoản chi phí nhưng không thu được kinh phí từ việc này. Để báo chí kiện toàn, hoạt động chuyên nghiệp hơn, Nhà nước, cơ quan chủ quản cần thường xuyên quan tâm, hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nhân sự lãnh đạo quản lý, phóng viên, biên tập, nhân sự kinh doanh cho báo chí.
- Cà Mau: Sẽ xây mới, sửa chữa 4.400 căn nhà
- Mở ra nhiều cơ hội để các doanh nghiệp trong nước tiếp cận với các công nghệ, giải pháp, sản phẩm tiên tiến, hiện đại
- Việt Nam đang có nhiều thuận lợi trong việc thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm
- An Giang: Ứng dụng chuyển đổi số là chìa khóa góp phần tạo nên một nền nông nghiệp thông minh, bền vững, hiệu quả