Vượt qua nỗi sợ để thành công
Đổi đời nhờ... dê
Anh Phan Thành Trung (SN 1971) kể rằng gia đình có 4 nhân khẩu (gồm 2 vợ chồng và 2 con còn nhỏ, trước khi đến với kinh tế trang trại, anh vốn là một thợ may. Nhưng theo thời gian các sản phẩm may sẵn trở nên phổ biến nên lời lãi ngày càng giảm. Từ đó anh quyết định bỏ nghề may và đi nuôi heo (lợn).
Thời gian đầu anh đầu tư trại heo khá quy mô và “cũng có ăn” nhưng đi tham quan ở Đồng Tháp, gặp một người nuôi dê giới thiệu: “Nhờ nuôi dê mà cho con học đại học khỏe re, dê nái cho 2 lứa/năm, đầu tư nhẹ, ít bệnh, nguồn thức ăn dễ kiếm” nên anh Trung tìm hiểu và quyết định “nuôi thử 2 con dê bầu”.
Nói là “nuôi thử” nhưng anh bỏ công tìm hiểu, nghiên cứu và đi rất nhiều nơi để học hỏi. Cụ thể, anh đi Chợ Lách (Bến Tre) và 3 xã cù lao của huyện Long Hồ… Thậm chí phải 3 lần đi lại trên An Khánh (Châu Thành- Đồng Tháp) để mua một cặp dê. Từ cặp dê đầu tiên sinh ra dê con, anh vỗ béo bán con đực để mua thêm con khác, nuôi con cái lấy nền gầy đàn tiếp nên đàn dê tăng dần. Anh Trung mạnh dạn chuyển trại heo thành trại dê.
Trên diện tích sản xuất là 10 công đất của gia đình, anh Trung dành 8,5 công để trồng dừa, mít kết hợp với trồng cỏ voi để nuôi dê. 1,5 công đất còn lại anh xây dựng chuồng trại để nuôi dê nái sinh sản, nuôi dê thịt. Hiện nay gia đình anh đã có 57 dê nái và 2 dê đực giống, 90 con dê thịt và 60 con dê con. Trang trại còn giải quyết 02 lao động có việc làm thường xuyên và 5 lao động theo mùa vụ.
Mô hình chăn nuôi của anh ngày càng phát triển ổn định, bình quân, sau khi trừ chi phí, gia đình anh có thu nhập trên 500 triệu đồng/năm. Hiện anh đang cung cấp dê nái giống cho các hộ chăn nuôi trong và ngoài tỉnh. Anh còn áp dụng hình thức bán trả chậm cho một số hộ thành viên trong Tổ hội Nông dân nghề nghiệp nuôi dê sinh sản và hướng dẫn xây dựng chuồng trại, kỹ thuật nuôi cho 20 hộ.
Sau quá trình tìm tòi, anh Trung đã đúc kết kỹ thuật nuôi dê không quá khó và có thể nhân rộng để nhiều hộ cùng nuôi và phát triển kinh tế. “Nuôi dê bầu chỉ vài tháng thì dê sinh sản, người nuôi mau lấy lại vốn nên hăng hái phát triển đàn. Trong khi, bắt đầu nuôi từ con dê con thì phải biết chọn dê chuẩn và mất vài ba năm. Còn phải biết con dê ở chuồng kiểu nào”- anh Trung nói.
Theo anh Trung, con dê chịu chuồng sàn, chứ không chịu nền xi măng; đóng sàn chuồng khít quá thì lá cây vướng dưới đó sẽ mục ướt, trong khi con dê thích ở khô ráo; còn thưa quá thì đi lọt giò. Con dê không sừng chui lỗ nhỏ ra máng ăn thì được; dê có sừng thì vướng. Rồi cái kích cỡ nó đứng ăn thọt mõm xuống chỗ nào nữa… Bởi vậy, ai nuôi dê thì anh bán con giống và hướng dẫn đóng chuồng, cách chăm sóc để đảm bảo cho họ nuôi đạt hiệu quả.
Nhân rộng để cùng làm giàu
Nhận thấy nhu cầu thị trường thịt dê ngày càng tăng, mặt khác con dê rất dễ nuôi, ít bệnh, vốn đầu tư ít, có thể tận dụng những phụ phẩm ở nông thôn sẵn có. Nắm bắt đượt cơ hội, 3 hộ gần nhà đã cùng anh Trung chuyển sang nuôi dê. Lúc đầu mỗi hộ nuôi vài con dê nái, trong quá trình nuôi nhận thấy nhu cầu thị trường ngàng càng cao nên các hộ mạnh dạn phát triển, tăng thêm đàn và các hộ xung quanh cũng bắt đầu nuôi phát triển tăng đàn.
Năm 2018, nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của các hộ nuôi dê, Hội ND xã đã tập hợp các hộ nuôi dê lại và thành lập Tổ hội ND nghề nghiệp chăn nuôi dê sinh sản. Tổ có 25 thành viên và anh Trung được tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng.
“Khi nhận nhiệm vụ, bản thân tôi luôn trăn trở phải tìm hướng đi mới làm sao có hiệu quả và phát triển bền vững. Từ đó tôi luôn tìm tòi, học hỏi kiến thức mới, kỹ thuật mới, tìm kiếm đầu ra trên báo, đài, mạng internet, tham quan học tập kinh nghiệm những mô hình sản xuất có hiệu quả”, anh Trung cho hay.
Thời gian đầu, khó khăn nhất của các thành viên là nguồn vốn. Anh Trung đã mạnh dạn đề xuất với Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp và Hội ND xã Thanh Đức hỗ trợ nguồn vốn để Tổ hoạt động có hiệu quả hơn và được cấp trên hỗ trợ 400 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ ND. Hiện nay hoạt động của Tổ Hội ND nuôi dê sinh sản bước đầu đạt hiệu quả kinh tế, tổng đàn dê hiện nay là 550 con. Sản lượng dê do Tổ sản xuất ra đều được thị trường tiêu thụ với giá cao, lợi nhuận bình quân 1,5 tỷ đồng/năm.
Để nâng cao kiến thức cho thành viên Tổ chăn nuôi dê sinh sản, Hội ND phối hợp với phòng Nông nghiệp, trạm Thú y mở lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về cách chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh cho đàn dê, giúp thành viên nắm vững những kiến thức cơ bản để nuôi dê có hiệu quả.
Trong chăn nuôi, các thành viên của Tổ thường xuyên giúp đỡ và hỗ trợ lẫn nhau về kinh nghiệm chăn nuôi, giúp đỡ các hộ gặp khó khăn về con giống và đầu ra của thương phẩm. Trên cơ sở đó các thành viên trong Tổ từng bước phát triển mô hình nuôi dê bền vững, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội tại địa phương. Ngoài ra Tổ nghề nghiệp còn tạo điều kiện cho 50 lao động có việc làm ổn định.
Theo ông Nguyễn Kỳ Tánh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Đức, không chỉ nỗ lực phát triển kinh tế, Tổ nghề nghiệp cũng luôn đi đầu trong các phong trào tại đia phương. Trong đó, anh Trung là người hăng hái vận động và tham gia hiến đất, góp công lao động, kinh phí trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Để ghi nhận, anh đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh tặng Bằng khen và nhiều năm liên đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.
Sau thời gian phối hợp cùng địa phương thực hiện các bước, từ cuối năm 2020, Hợp tác xã Nông nghiệp- dịch vụ Thanh Đức được thành lập do anh Trung làm Giám đốc. “Tôi mong muốn thành lập hợp tác xã để làm đồng loạt, đúng kỹ thuật và đảm bảo đầu ra, giá cả ổn định. Từ đó, làm giàu cho bản thân, gia đình rồi cùng anh em trong tổ, hội làm giàu và dần dần lan tỏa cho bà con nông dân, góp sức cho xã hội” anh Trung cho biết thêm.
Hiện nay gia đình anh đã có 57 dê nái và 2 dê đực giống, 90 con dê thịt và 60 con dê con. Trang trại còn giải quyết 2 lao động có việc làm thường xuyên và 5 lao động theo mùa vụ. Mô hình nuôi dê ngày càng phát triển ổn định, mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình anh Trung có thu nhập trên 500 triệu đồng.