Nông thôn mới

Xã Thuận Quý chú trọng đầu tư hệ thống cấp nước sạch

Vân Nguyễn - 07:20 01/08/2024 GMT+7
Qua rà soát tình hình thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao của các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận thì Thuận Quý là xã có nhiều thuận lợi khi thực hiện xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong năm 2024. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu đề ra, thì xã cần tập trung khắc phục những tồn đọng và xây dựng hệ thống nước sạch tập trung.
 Đường giao thông xã.

Cần đầu tư hệ thống cấp nước sạch tập trung 

Theo số liệu điều tra thực hiện Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh Bình Thuận năm 2023 tại Quyết định số 829/QĐ-UBND ngày 04 tháng 4 năm 2024 của UBND tỉnh Bình Thuận, tính đến cuối năm 2023, xã Thuận Quý gồm 3 thôn: Thuận Minh, Thuận Thành và Thuận Cường, có 986 hộ dân với 3.983 nhân khẩu. 

Nguồn nước sinh hoạt của nhân dân xã Thuận Quý chủ yếu từ các giếng khoan và giếng đào, chưa có hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung, nước máy nên chưa đạt chỉ tiêu 18.1 về tỷ hộ sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung. Do đó chưa đạt tiêu chí nước sạch xã nông thôn mới nâng cao theo quy định tại Quyết định 318/QĐ-TTg ngày 08 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025. 

Vì vậy, để xã Thuận Quý đạt tiêu chí nước sạch xã nông thôn mới nâng cao cần đầu tư hệ thống cấp nước sạch tập trung cho người dân xã Thuận Quý; theo đó có tối thiểu 50% hộ dân sử dụng nước máy theo quy định của Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025. 

Tuy nhiên, hiện nay xã Thuận Quý vẫn còn nhiều khó khăn trong việc đầu tư Nhà máy nước giai đoạn 1 theo Báo cáo số 161/BC-UBND ngày 21/5/2024 của UBND huyện Hàm Thuận Nam: Kết quả thử nghiệm các mẫu nước ngầm tại các giếng khoan dự kiến là nguồn nước thô cấp cho hoạt động Nhà máy nước Thuận Quý công suất 200m3/ngày đêm. 

Bước đầu lỗ khoan VCBT 11, Trường tiểu học và THCS xã Thuận Quý và lỗ khoan VCBT 12, Khu thể thao xã Thuận Quý cho thấy chỉ tiêu Nitrat đều vượt giới hạn cho phép gấp 1,6 lần. Để xử lý cung cấp nước sinh hoạt theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nước dưới đất ban hành kèm theo Thông tư số 01/2023/TT-BTNMT ngày 13/3/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường xung quanh, hiện nay, việc xử lý chỉ tiêu Nitrat còn nhiều khó khăn, công nghệ xử lý chỉ tiêu Nitrat đòi hỏi kinh phí cao; để xử lý đạt theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt giới hạn tối đa cho phép 2 mg/L phải sử dụng công nghệ hiện đại công nghệ lọc RO hay trao đổi I.on với chi phí xử lý nước cao nên không hiệu quả trong việc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. 

Ngoài ra, dự án đầu tư Nhà máy nước giai đoạn 1 theo đề nghị của UBND huyện Hàm Thuận Nam với ngân sách tỉnh hỗ trợ 9 tỷ đồng phải thực hiện theo trình tự, thủ tục thẩm tra, thẩm định, lấy ý kiến góp ý của các sở quản lý chuyên ngành trình cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án; đấu thầu, thi công, nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng lắp đặt hộ sử dụng nước máy xã Thuận Quý đạt tối thiểu 50%, khoảng 493 hộ rất khó hoàn thành vào cuối năm 2024 theo quy định. 

Thuận Quý có bãi biển đẹp và hoang sơ.

Đề xuất phương án cấp nước sinh hoạt 

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, qua kết quả khảo sát và kết quả thử nghiệm các mẫu nước ngầm tại xã Thuận Quý; việc đầu tư xây dựng Nhà máy nước Thuận Quý giai đoạn 1 từ nguồn nước ngầm sẽ không đảm bảo chất lượng nguồn nước thô cho hoạt động Nhà máy nước Thuận Quý bền vững và lâu dài. Để đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân xã Thuận Quý đạt và duy trì bền vững tiêu chí nước sạch xã nông thôn mới nâng cao đề xuất phương án đầu tư sau: Xây dựng Trạm bơm tăng áp và Mở rộng tuyến ống cấp nước xã Hàm Minh- Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam. Vị trí đấu nối, quy mô đầu tư: Tuyến ống cấp nước sạch xã Thuận Quý được đấu nối vào tuyến ống hiện có trên tuyến đường Quốc lộ 1 thuộc Hệ thống nước Thuận Nam do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý, vị trí đấu nối tại chợ Hàm Minh thuộc xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam. 

Dự án lắp đặt tuyến ống chuyển tải HDPE đường kính từ D160mm đến D200mm chiều dài khoảng 10.800m và 1 trạm tăng áp gồm các hạng mục: San nền, hàng rào trạm bơm tăng áp, đường nội bộ, thoát nước sân vườn, điện chiếu sáng, nhà quản lý vận hành, trạm bơm, bể chứa nước sạch 500m3, bể điều áp 230m3, hàng rào bể điều áp, nhà xe, nhà Clo, mái che, đường ống kỹ thuật, hệ thống điện động lực, đường dây trung thế, trạm biến áp và trang thiết bị khác.... Đồng thời, lắp đặt tuyến ống phân phối HDPE có đường kính từ D90mm đến D160mm, chiều dài khoảng 16.610m cấp nước cho các hộ dân xã Thuận Quý. 

Về nhu cầu sử dụng đất: Trạm tăng áp có diện tích là 2.800m2 do UBND xã Hàm Minh quản lý tại thôn Minh Thành, xã Hàm Minh; bể điều áp có diện tích là 2.000m2 do UBND xã Thuận Quý quản lý tại thôn Thuận Minh, xã Thuận Quý; Tổng kinh phí khái toán dự kiến: 25,9 tỷ đồng; thời gian thực hiện dự án: Từ năm 2024 - 2026; 

Dự án phải được UBND huyện Hàm Thuận Nam và các sở quản lý chuyên ngành rà soát, cập nhật và điều chỉnh các loại quy hoạch theo quy định quy hoạch sử dụng đất xây dựng Trạm tăng áp và Bể điều áp; quy hoạch đầu tư tuyến ống cấp nước sinh hoạt tại các đường giao thông nông thôn cấp nước cho dân cư.... nên cần sự phối hợp, hỗ trợ thực hiện hoàn chỉnh thủ tục trình phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án theo quy định.

Để huyện Hàm Thuận Nam có điều kiện hoàn thành tốt các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao trong năm 2024; nhất là chỉ tiêu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, UBND huyện Hàm Thuận Nam kính đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận quan tâm xem xét điều chỉnh nội dung nêu trên. 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác