Thanh Chương xây dựng nông thôn mới phải giữ được hồn cốt và giá trị truyền thống tốt đẹp của làng quê
Để rõ hơn những nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân huyện Thanh Chương trên lộ trình thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, phóng viên Tạp chí Nông Thôn Mới đã có cuộc trao đổi với ông Trình Văn Nhã – Chủ tịch UBND huyện về những thành quả, khó khăn, vướng mắc và định hướng trong thời gian tới.
PV: Qua thời gian triển khai xây dựng NTM, đến nay Thanh Chương đã đạt được những kết quả như thế nào?
Ông Trình Văn Nhã: Thanh Chương là địa bàn rộng, số đơn vị hành chính lớn với 38 xã, thị trấn. Huyện đang tập trung xây dựng lộ trình cho 37 xã về đích NTM, xây dựng thị trấn trở thành đô thị văn minh. Tuy nhiên, Thanh Chương có 5 xã biên giới, có 2 xã đồng bào tái định cư thủy điện Bản Vẽ (Ngọc Lâm và Thanh Sơn), xuất phát điểm của huyện thấp nên việc hoàn thành bộ tiêu chí NTM ở nhiều xã rất khó khăn.
Tính đến nay thanh Thanh Chương có 23 xã về đích NTM, trong đó có 1 xã biên giới (xã Hạnh Lâm), ngay từ đầu nhiệm kỳ BCH Đảng bộ huyện đã xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt cả nhiệm kỳ. Đối với những xã đã về đích NTM cần củng cố các tiêu chí để giữ vững và hướng đến xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Đối với những xã chưa về đích NTM thì quyết tâm về đích và cố gắng cuối nhiệm kỳ này đến 2025 phấn đấu toàn huyện có 35/37 xã về đích NTM.
Trong thời gian xây dựng NTM, nhân dân rất đồng tình ủng hộ, hiến đất, mở đường, đóng góp kinh phí, thực sự phòng trào xây dựng NTM ở đây thấm nhuần được phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân tự kiểm tra” điển hình có những xã khó khăn, vùng hay ngập lụt như xã Thanh Xuân, Thanh Lâm, Thanh Tùng, Thanh Hà, Thanh Mai nhưng trong thời gian vừa rồi cũng rất nỗ lực cố gắng. Có những gia đình đóng góp hơn 100 triệu đồng để làm đường (Thanh Lâm 3 hộ), các tổ tự quản hiến đất mở đường, đóng kinh phí đồng thời cùng cơ chế hỗ trợ xi măng của huyện, xã đã tạo ra không khí xây dựng NTM ở các thôn bản rất tốt.
Đến thời điểm hiện nay Thanh Chương có 3 xã về đích NTM nâng cao gồm Thanh Liên, Thanh Phong, Thanh Lĩnh. Năm nay định hướng phấn đấu thêm xã Thanh Mỹ và xã Thanh Đồng về đích NTM nâng cao, xã Thanh Lĩnh về đích NTM kiểu mẫu. Bước sang năm 2023 toàn tỉnh có 9 xã đăng ký về đích NTM, riêng Thanh Chương đăng ký 6 xã, điều đó thể hiện sự quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân Thanh Chương. Chính nhờ xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn, đời sống của bà con, môi trường sống, hệ thống giao thông điện đường, trường học, y tế có nhiều thay đổi rõ rệt. Do vậy, có thể nói đây là bài toán lớn của xây dựng NTM.
PV: Thanh Chương chủ yếu sản xuất nông nghiệp, thời gian tới huyện có những định hướng như thế nào để phù hợp với thế mạnh của địa phương và lộ trình đó được xác định như thế nào?
Ông Trình Văn Nhã: Nông nghiệp Thanh Chương có những sản vật và cũng là thế mạnh của tỉnh cho nên BCH Đảng bộ huyện xác định một số loại cây trồng chủ lực đã có lợi thế và tiếp tục phát huy. Với mục đích chuyển dần sản xuất nông nghiệp từ tư duy sản lượng sang tư duy giá trị, từ nền sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp lấy giá trị làm hàng đầu. Xác định rõ điều đó, thường trực giao cho UBND huyện thực hiện đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ. Cùng với đó có 2 đề án: Thứ nhất, là phát triển kinh tế trang trại gắn với chuỗi liên kết và chú ý an toàn sinh học; thứ 2 là chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Cây chủ lực của Thanh Chương vẫn là cây trám đen, cây chè gần 5.000 ha vẫn là chủ đạo, thứ 2, là cây cam, thứ 3 nữa là cây nguyên liệu giấy, thứ 4 xây dựng hệ thống cây bí xanh, thứ 5 là xây dựng chuỗi các sản phẩm đạt ocop và đạt tiêu chuẩn vietgap.
Thanh Chương hiện nay có nhà máy than viên nén, việc trồng rừng đạt tiêu chuẩn FSC để đảm bảo xuất khẩu được ra thị trường khó tính. Huyện có lợi thế về đất rừng với 1.113km2 cơ bản là đồi núi phù hợp để trồng rừng. Đối với những diện tích rừng trồng, rừng sản xuất thì phải chuyển đổi trồng những loại cây như rừng gỗ lớn hoặc trồng cây nguyên liệu giấy, hoặc chuyển đổi từ trồng keo sang trồng chè nếu điều kiện thổ nhưỡng phù hợp. Tuy nhiên cũng phải có lộ trình phát triển tránh tình trạng phát triển nóng bởi làm nông nghiệp là phải thử nghiệm sau đó xây dựng các mô hình rồi nhân rộng ra chứ không thể phát triển ồ ạt.
PV: Quá trình xây dựng NTM của huyện gặp những khó khăn, vướng mắc nào cần được giải quyết không, thưa ông?
Ông Trình Văn Nhã: Khó khăn nhất vẫn đang là nguồn lực để xây dựng hạ tầng và tư duy của người dân để thay đổi về phương thức sản xuất để nâng cao đời sống. Đích cuối cùng của NTM là đời sống của người dân phải được nâng lên cả về vật chất và tinh thần, chứ không phải được công nhận nhưng nhà của người dân vẫn như trước, không phải cứ ngoài đường đẹp hơn là thành công về xây dựng NTM mà cái quan trọng là đời sống người dân được nâng lên, thay đổi về chất lượng sống.
Tuy nhiên, phát triển không phải cào bằng để thay thế một diện mạo hoàn toàn khác mà phải bảo tồn được nét làng quê, tạo nên bản sắc riêng, phải giữ được nét văn hóa, phong tục, hồn cốt và giá trị truyền thống tốt đẹp của vùng quê vốn có bấy lâu nay. Do đó, xây dựng NTM không thể biến nông thôn thành thành thị được, mà phải xây dựng được những làng quê đáng sống, khung cảnh thanh bình, không khí trong lành,…
Trân trọng cảm ơn ông!