Bài học-Kinh nghiệm

Xây dựng Nông thôn mới an toàn trước thiên tai ở Hà Tĩnh

Bài 4: Chuyển đổi xanh hướng đến tương lai bền vững

Đức Cảnh - 07:19 06/11/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) – Trước sự gia tăng hàng loạt các thách thức về biến đổi khí hậu và sự cần thiết của nền kinh tế bền vững, Hà Tĩnh đã hành động chuyển đổi xanh để hoà hợp với thiên nhiên nhằm tìm kiếm tương lai thịnh vượng, an toàn. Trong thực hiện xây dựng nông thôn mới đặt mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống và khả năng chống chịu của người dân với biến đổi khí hậu.

Chuyển đổi xanh được hiểu là giảm tác động của con người đến môi trường, hạn chế phát thải để hướng mục tiêu giảm biến đổi khí hậu, giảm tác động sinh thái và thúc đẩy một tương lai bền vững; Tăng trưởng xanh là cách để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế và phát triển trong khi bảo tồn môi trường, ngăn chặn sự mất mát về đa dạng sinh học và giảm thiểu việc sử dụng không bền vững tài nguyên thiên nhiên.

Chuyển đổi xanh để thích ứng                             

Thế kỷ XX ghi nhận mức nhiệt độ tăng cao nhất trong lịch sử quan trắc thế giới kể từ thế kỷ XV. Các nhà khoa học đánh giá, trong 50 năm qua, số lượng thảm hoạ thiên nhiên đã tăng gấp 5 lần và gây thiệt hại gấp 7 lần. Hiện tượng thiên tai khiến hàng trăm triệu gia đình mất nhà cửa, phương tiện sản xuất, thành quả xây dựng đối diện thách thức đỗ vỡ.

Biến đổi khí hậu đang làm tăng các thảm hoạ thiên tai trong thời gian gần đây

Đứng trước hàng loạt các thách thức về biến đổi khí hậu do tác động tiêu cực của con người ngày càng gia tăng, chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh được đánh giá là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội không chỉ ở Việt Nam mà các quốc gia trên thế giới cũng đang thực hiện để hướng đến tương lai. Ở Hà Tĩnh, ngày 8/11/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1363/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhất quán quan điểm tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. 

Căn cứ Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 19/11/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hà Tĩnh về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai; một số định hướng, mục tiêu và giải pháp phòng ngừa, ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra; Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 18/11/2021 của Tỉnh uỷ Hà Tĩnh về đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai để thuận lợi cho hình thành các vùng nông nghiệp sinh thái trên cơ sở đó, những năm qua, tỉnh Hà Tĩnh cũng đã hoàn thiện cơ chế, chính sách về chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh.

Theo đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành đồng bộ các văn bản về chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, như: Kế hoạch số 2088/QĐ-UBND ngày 26/7/2016 của UBND tỉnh kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2016-2021; Quyết định số 778/QĐ-UBND ngày 02/4/2024 của UBND tỉnh về kế hoạch hành động tăng trưởng xanh đến năm 2030 và kế hoạch hành động số 202/KH-UBND ngày 10/6/2020 của UBND tỉnh thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Ông Võ Trọng Hải- Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh phát biểu tại Hội thảo khoa học về "Hà Tĩnh chuyển đổi xanh"

Ông Võ Trọng Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, nhấn mạnh: “Đối với Hà Tĩnh, trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, cấp uỷ, chính quyền đều xác định chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh là mục tiêu ý nghĩa không chỉ ở trước mắt mà là lâu dài. Từ quan điểm nhất quán đó, tỉnh Hà Tĩnh đã kịp thời triển khai các chủ trương của Trung ương và chủ động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn với địa phương.”

Thực tế cho thấy, Hà Tĩnh đang triển khai nhiều giải pháp về tăng trưởng xanh dựa trên xây dựng nông thôn mới. Trong đó, triển khai nhiều giải pháp tổ chức thực hiện Chương trình nông thôn mới theo hướng sinh thái, thông minh, hiện đại và bền vững phù hợp với thực tiễn của địa phương.

Cụ thể như: Công tác quy hoạch gắn với đề án xây dựng nông thôn mới được quan tâm và tập trung chỉ đạo thực hiện. Trong đó chú trọng quy hoạch cảnh quan, kiến trúc không gian nông thôn, bảo tồn và chỉnh trang các không gian làng, xã mang đặc trưng vùng miền, bảo đảm phù hợp, tạo nên sự hài hoà và thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, thay đổi quy định một số chỉ tiêu trong các tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu. Theo đó, tỉnh quy định về bộ tiêu chí Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu quy định đường có hàng rào xanh, cây xanh, hệ thống đường điện chiếu sáng, có hệ thống biển chỉ dẫn, có rãnh thoát nước; khu dân cư có mương tiêu thoát nước thải, đối với các vườn hộ, quy định 80% số hộ tổ chức sản xuất vườn hộ đảm bảo hiệu quả kinh tế, cảnh quan môi trường.

Người dân xã Điền Mỹ xây dựng nông thôn mới 

Được biết, từ xây dựng thí điểm 5 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu tại 3 vùng sinh thái, đến nay các thôn trong toàn tỉnh Hà Tĩnh đều triển khai xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu (đến nay đã có 1.189/1.626 thôn đạt chuẩn). Kết quả này đã góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình, cải thiện môi trường sống, xây dựng nhiều tuyến đường xanh-sạch-đẹp. 

Dấu ấn ngành Nông nghiệp Hà Tĩnh cũng đang từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng tuần hoàn, hữu cơ, sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn. Việc phát triển kinh tế tuần hoàn góp phần tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng tại Hà Tĩnh. 

Kết quả xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trong nông nghiệp theo hướng tuần hoàn đã xuất hiện những mô hình tiêu biểu như doanh nghiệp tư nhân Hoài Lâm, bước sang năm thứ 2 kể từ khi quyết định chuyển hướng sang xuất hữu cơ, vườn cây sinh trưởng tốt, nhiều loại sinh vật có lợi trở lại môi trường. Ở lĩnh vực chăn nuôi, nhiều mô hình đã đầu tư chăn nuôi khép kín, tận dụng sản phẩm và phụ phẩm nông nghiệp để nuôi giun quế nhằm xử lý phân thải trong chăn nuôi.

Ngoài ra, đổi mới tổ chức sản xuất nông nghiệp, đầu tư ứng dụng công nghệ cao, hình thành chuỗi liên kết sản xuất. Với các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, hiệu quả kinh tế nông nghiệp của tỉnh Hà Tĩnh đảm bảo thân thiện với môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và tác động của thị trường, hướng đến phát triển nông nghiệp toàn diện, hiện đại và bền vững. 

Được biết, đến cuối năm 2023, toàn tỉnh Hà Tĩnh có gần 2.000ha cây trồng các loại được cấp chứng nhận VietGap; 3 cơ sở nuôi trồng thuỷ sản được chứng nhận VietGap; 8 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP. Theo đánh giá, sự dịch chuyển sản xuất xanh đúng lúc trong nông nghiệp ở Hà Tĩnh sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới.

Cùng với quy định của tỉnh, một số địa phương đã có nhiều cách làm sáng tạo, như: Mô hình cụm dân cư “Sáng- xanh-sạch-đẹp-an toàn-văn minh” tại huyện Vũ Quang góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng văn minh, người dân luôn ý thức cùng chính quyền địa phương nâng “chất” các tiêu chí nông thôn mới; Mô hình “Nhà Văn hoá cộng đồng-ngôi nhà trí tuệ” tạo điều kiện cho người dân trong khu dân cư tham gia tích cực hơn vào các hoạt động văn hoá…

Hướng đến mục tiêu lớn

Hà Tĩnh xác định xây dựng nông thôn mới là cơ hội để phát triển, là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt có tác động đến nông thôn. Nhờ đó, sau 15 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tỉnh Hà Tĩnh đã đạt được nhiều kết quả: Toàn tỉnh có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; 33,1% xã  đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 8,3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 10/13 đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới. Hướng tới đến năm 2025, Hà Tĩnh trở thành tỉnh đầu tiên của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới.

Những mô hình ứng dụng công nghệ cao mang lại sự an toàn trước những thách thức biến đổi khí hậu

Trong thực hiện xây dựng nông thôn mới của Hà Tĩnh, đặt mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống. Theo TS. Bùi Thị Vân Anh, Viện Địa lý nhân văn, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, để làm được Hà Tĩnh cần hướng đến phát triển bền vững với môi trường, thích ứng an toàn với thiên tai và biến đổi khí hậu trong bối cảnh mới.

TS. Bùi Thị Vân Anh phân tích, tác động của biến đổi khí hậu đang hiện diện rõ đối với một số ngành kinh tế, như nông nghiệp: Tác động đến sinh trưởng, năng suất cây trồng, thời vụ gieo trồng, làm tăng nguy cơ lây lan sâu bệnh cho gia súc, gia cầm. Biến đổi khí hậu ngày càng tăng về tần suất và cường độ (hiện tượng bão, lốc, thời tiết khô nóng, lũ lụt, hạn hán…) làm giảm năng suất và sản lượng của cây trồng và vật nuôi.

Phát triển Nông nghiệp hữu cơ kết hợp du lịch đang được đánh giá là hướng phát triển kinh tế xanh, mang lại hiệu quả 

Hà Tĩnh là địa phương có địa hình đa dạng, tuy vậy một số xã ở các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Thạch Hà, Cẩm Xuyên nằm trong khu vực trũng… Những khu vực này có nguy cơ ngập úng hạ tầng cơ sở khi xảy ra thiên tai, điều này làm giảm chất lượng công trình, giảm độ bền và tuổi thọ công trình xây dựng.

Để có bước đi xa, hướng đến những mục tiêu lớn trong xây dựng nông thôn mới, từ thực tiễn của tỉnh, ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kiêm Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh khẳng định, cần nâng cao nhận thức, trình độ của cán bộ và người dân về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trong giai đoạn mới. Cùng với đó, xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, bền vững, nâng mức độ, chất lượng của tất cả các tiêu chí; thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng.

Du lịch nông thôn được xem là giải pháp nâng cao giá trị nông nghiệp cho Hà Tĩnh thời gian qua

“Thu hút doanh nghiệp và các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, khai thác tiềm năng lợi thế để phát triển sản xuất. Đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai để thuận lợi cho việc hình thành các vùng nông nghiệp sinh thái”, ông Nguyễn Văn Việt nói.

Mặt khác, ông Nguyễn Văn Việt nhấn mạnh việc chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội nông thôn, nhất là hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, dân sinh, như: Các công trình cấp nước sạch cho người dân, xử lý rác thải, điện, đường, trường, trạm… gắn với phát triển đô thị, từng bước bắt kịp tốc độ phát triển chung của vùng, tạo kết nối đồng bộ, nhất là kết nối liên xã, liên huyện.

Hà Tĩnh trồng rừng, phục hồi rừng tự nhiên 

Ngoài ra, Hà Tĩnh đánh giá phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp không chỉ nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, mà còn góp phần bảo tồn phát triển các giá trị văn hoá truyền thống, cảnh quan môi trường sinh thái. Quá trình xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là sau khi xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, xã nông thôn mới kiểu mẫu đã tạo ra nhiều điểm đến khá thuyết phục, có chiều sâu.

Theo kế hoạch hành động về chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh của tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2030 tiếp tục thực hiện mục tiêu chuyển đổi mô hình theo hướng xanh hoá các ngành kinh tế; áp dụng kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, bảo vệ thành quả xây dựng nông thôn mới.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác