Nông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với sản xuất theo hướng hàng hóa

Xuân Hiền - 07:05 06/07/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Sau 12 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo vùng nông thôn huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) đã có nhiều khởi sắc, cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư hoàn thiện, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên.
Tận dụng mặt nước, anh Nguyễn Văn Thoan, khu 4 xã Sơn Thủy, huyện Thanh Thủy đã đầu tư nuôi cá thương phẩm cho thu nhập gần tỷ đồng.

Lấy nông nghiệp làm bước đệm

Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, huyện Thanh Thủy đã hình thành các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững như: Liên kết sản xuất rau an toàn gắn với tiêu thụ sản phẩm, rau hữu cơ, cây ăn quả, sản phẩm chăn nuôi an toàn sinh học với các trang trại tổng hợp; liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chè phục vụ xuất khẩu...

Đồng thời, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, công nghệ cao, cơ giới hóa trong trồng trọt được đẩy mạnh, đã chuyển dịch theo hướng chuyển trọng tâm sản xuất từ số lượng sang chất lượng và giá trị, cơ cấu giống lúa từ các giống lúa thuần có năng suất chất lượng thấp chuyển sang gieo cấy các giống lúa lai, lúa chất lượng cao J02, TBR 225, HT1, Thiên ưu 8,…

Đến nay, tổng diện tích lúa chất lượng cao trên địa bàn huyện đạt trên 2.800ha chiếm 87,5% tổng diện tích gieo cấy, năng suất đạt trên 70 tạ/ha; diện tích rau màu, cây vụ đông có hiệu quả kinh tế cao tiếp tục được mở rộng như  ớt, lặc lè, măng tây, ... đẩy mạnh gieo trồng các giống ngô lai, ngô hàng hóa như NK4300, DK9955, DK 8868, ngô nếp, ngô ngọt...

Ông Nguyễn Trọng Luyện - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thanh Thủy tâm sự, ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng sản xuất như hệ thống thuỷ lợi, đường giao thông nội đồng được quan tâm; công tác hỗ trợ cho nông dân, HTX mua sắm máy móc, thiết bị để thực hiện cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn VietGAP và theo hướng hữu cơ đang thực hiện một cách tích cực...

“Cùng với đó là triển khai các chương trình, đề án, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong nông nghiệp công nghệ cao, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp nhất là liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị có bao tiêu sản phẩm cho nông dân như cây ăn quả, rau sạch, mật ong, tương... đều có tem, nhãn mác, truy suốt nguồn gốc… từ đó góp phần nâng cao giá trị hàng hóa và thu nhập của người dân. Tổng thu nhập theo đầu người đạt trên 45 triệu/người/năm”, ông Luyện chia sẻ.

Một góc Thanh Thủy hôm nay.

Sức sống mới ở Thanh Thủy

“Thời gian tới, huyện sẽ tập trung thực hiện tái cơ cấu, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp an toàn, xanh, sạch, có thương hiệu và giá trị kinh tế cao.

Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo triển khai có hiệu quả các mô hình, dự án phát triển kinh tế tại các xã, thị trấn; tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất nhằm duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới nâng cao… Đặc biệt, phát triển du lịch trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế xã hội ở địa phương”, ông Dương Quốc Lâm - Chủ tịch UBND huyện Thanh Thủy thông tin. 

Với quyết tâm bứt phá vươn lên, những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện đã quan tâm chỉ đạo, đưa ra các giải pháp đúng đắn để triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới với phương châm “đem sức dân xây dựng tương lai hạnh phúc cho dân”.

Chứng kiến sự đổi thay của quê hương từ khi xây dựng nông thôn mới, anh Trần Ngọc Tới, khu 7 xã Sơn Thủy, huyện Thanh Thủy vui vẻ nói: “Chương trình NTM đã thôi thúc người dân thay đổi tư duy, nếp nghĩ, đồng lòng cùng chính quyền xây dựng quê hương ngày càng văn minh, tươi đẹp hơn. Hàng tuần, sẽ không khó để bắt gặp cảnh người dân tham gia dọn dẹp vệ sinh, trồng hoa, cây cảnh, trang trí đường hoa tranh tường... nhờ đó môi trường nông thôn ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp hơn. Chính những điều này làm người dân chúng tôi càng thêm yêu, gắn bó với quê hương mình hơn”.

Để chương trình xây dựng NTM nâng cao có sức lan tỏa mạnh mẽ trong nhân dân huyện Thanh Thủy, làm cho cán bộ đảng viên và nhân dân nắm rõ và thấm nhuần chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và cơ chế chính sách về xây dựng NTM nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân đóng góp, dân hưởng thụ”.

Đồng thời, vận động nhân dân hiến đất, tài sản trên đất, góp công, góp của xây dựng đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa khu dân cư; xây dựng làng xóm sạch đẹp, văn minh, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và phát động phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới giữa các khu dân cư.

Tổng huy động nguồn lực để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Thanh Thủy đạt trên 1.972,866 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 361,287 tỷ đồng, tỉnh 275,839 tỷ đồng... Đặc biệt, người dân hiến trên 86.713m2, cây cối, hoa màu; 70.450 ngày công lao động làm đường giao thông, xây dựng các công trình phúc lợi, chỉnh trang nhà văn hóa thôn trị giá trên 28 tỷ đồng …

Về Thanh Thủy hôm nay, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, cảnh quan môi trường được quan tâm, cải tạo  sáng, xanh, sạch đẹp, đã tạo nên bức tranh nông thôn ở Thanh Thủy từng ngày đổi mới. Các công trình giao thông, trường học, trạm y tế, thiết chế văn hóa... xây dựng khang trang, từng bước cải thiện điều kiện sống, sinh hoạt, lao động sản xuất của người dân.

Du lịch dịch vụ thương mại được huyện Thanh Thủy xác định là một trong ba khâu đột phá đã và đang phát triển đúng hướng. Khai thác các tiềm năng lợi thế cùng với khuyến khích phát triển các loại hình dịch vụ như nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, các dịch vụ kinh doanh ăn uống..., nâng cao chất lượng sản phẩm đã tạo đà trong phát triển kinh tế.

Ngoài ra, Thanh Thủy còn có tiềm năng to lớn để phát triển du lịch tâm linh với các di tích, địa danh như Đền Lăng Sương, Tượng đài chiến thắng Tu Vũ, khu di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, di tích lịch sử Quốc gia Đình Đào Xá… cũng là vị trí trung điểm nối liền giữa các khu du lịch, di tích như lịch sử Đền Thượng... góp phần không nhỏ trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở huyện. 

Nhằm phát huy kết quả đạt được, thời gian tới huyện Thanh Thủy tập trung chỉ đạo các xã tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM để tiến tới đạt tiêu chí xã, khu NTM nâng cao, kiểu mẫu. Để sớm xây dựng Thanh Thủy trở thành thị xã du lịch trong tương lai theo đúng lộ trình. 
 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác