`Khéo` hoà giải, xóm làng được bình yên
Hoà giải khéo léo có lý có tình
Ông Trần Chí Thành - Tổ trưởng Tổ hòa giải ấp Chợ, thị trấn Cù Lao Dung (Cù Lao Dung, Sóc Trăng) nhiều năm qua cùng với các thành viên trong tổ đã có sự phối hợp nhịp nhàng với chính quyền, đoàn thể địa phương hòa giải thành rất nhiều vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp của người dân trong ấp. Ông Thành cho biết, ấp Chợ dân số đông, bình quân mỗi năm tổ hòa giải tiếp nhận, giải quyết trên 10 vụ việc lớn, nhỏ với tỷ lệ hòa giải thành đạt trên 80%.
Cũng theo ông Thành, chế độ dành cho tổ trưởng, các thành viên tuy không nhiều, nhưng tham gia công tác hòa giải chủ yếu bằng tấm lòng nhiệt huyết, muốn xóm ấp được bình yên, an ninh trật tự được đảm bảo để người dân yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế.
“Làm công tác hòa giải tưởng rằng đơn giản nhưng trên thực tế gặp rất nhiều khó khăn khi đối mặt với những trường hợp tranh chấp tài sản trong thân tộc, hôn nhân gia đình, các bên tranh chấp thường không thông cảm, có thái độ chưa đúng mực với những người làm công tác này. Trong khi đó, các mâu thuẫn muôn hình vạn trạng, đòi hỏi người làm công tác hòa giải phải thường xuyên tự nghiên cứu pháp luật, kiên trì để phân tích sự việc tình, lý rạch ròi mới mang lại hiệu quả cao trong công việc”- ông Thành chia sẻ.
Thời gian qua, để Luật Hòa giải cơ sở và các văn bản hướng dẫn có liên quan đi vào cuộc sống, Hội Nông dân huyện Cù Lao Dung thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải; tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các cuộc họp, sinh hoạt Hội, trợ giúp pháp lý lưu động cho nông dân. Hiện nay, trên địa bàn huyện Cù Lao Dung có 39 tổ hòa giải với 207 hòa giải viên cơ sở.
Khóm 4, Phường 8 (TP. Sóc Trăng) là một trong những cơ sở Hội thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở. Trung bình mỗi năm, các tổ hòa giải của khóm đã hòa giải thành trên 90% số vụ, việc phát sinh.
Ông Đoàn Quốc Khởi - Tổ trưởng Tổ hòa giải Khóm 4 chia sẻ: "Khóm có dân số đông nhất so với tất cả các khóm khác trên địa bàn phường, người dân trong khóm chủ yếu kinh doanh nhỏ lẻ, công nhân, lao động tự do. Thời gian qua, trong cộng đồng dân cư vẫn còn xảy ra mâu thuẫn, xích mích cần đến tổ hòa giải để giải quyết. Để đạt kết quả trong công tác hòa giải, các thành viên trong tổ đoàn kết, đồng lòng, nhất trí và hoạt động nhiệt tình nên nhiều vụ việc liên quan đến tranh chấp lối đi, ranh đất, hôn nhân gia đình đều được giải quyết ổn thỏa, hợp tình, hợp lý và được người dân đồng tình ủng hộ".
Hiện nay, toàn Phường 8 có 7 tổ hòa giải, trung bình mỗi tổ hòa giải có từ 3 hòa giải viên trở lên, là những người đang tham gia hoạt động trong các tổ chức đoàn thể của khóm có khả năng vận động thuyết phục cao, được nhân dân tín nhiệm, như: Mặt trận, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh và Hội Người Cao tuổi có uy tín trong cộng đồng. Để triển khai tốt Luật Hòa giải ở cơ sở, thời gian qua, UBND Phường 8 phối hợp Phòng Tư pháp, các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.
Nâng cao hiệu quả hoà giải ở cơ sở
Ông Dư Văn Thanh - Chủ tịch Hội ND TP. Sóc Trăng cho biết: “Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật luôn được Hội quan tâm, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản luật được phổ biến kịp thời. Các hoạt động hỗ trợ nông dân, trợ giúp pháp lý và giải quyết đơn thư khiếu nại của hội viên, nông dân được tăng cường, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của nông dân.
Được biết, trong 5 năm qua Hội ND các cấp trong tỉnh Sóc Trăng phối hợp các ngành, đoàn thể cùng cấp tiếp nhận 7.944 đơn yêu cầu hòa giải, tham gia hòa giải thành 6.108, tỷ lệ hòa giải thành đạt 77%.
Ông Lý Hoàng Minh - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Sóc Trăng cho biết: Thực hiện Quyết định 81 của Thủ tướng Chính phủ, các cấp Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng đã nâng cao nhận thức pháp luật cho hội viên, tham gia hòa giải ở cơ sở, góp phần hạn chế khiếu kiện vượt cấp, đảm bảo an ninh trật tự, thúc đẩy các phong trào hoạt động Hội.
Điểm nổi bật trong các giải pháp nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở mà Hội Nông dân Sóc Trăng đang triển khai đó là quan tâm bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ hoà giải viên ở cơ sở, trong đó nòng cốt là các hạt nhân CLB “Nông dân với pháp luật”. Đến nay, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh Sóc Trăng đã thành lập được 93 CLB “Nông dân với pháp luật”, với 2.651 thành viên. Khi tham gia CLB, các thành viên được cập nhật, thảo luận những kiến thức pháp luật, tư vấn giải quyết những vụ việc mâu thuẫn ngay ở khu dân cư.
“Thời gian qua, các CLB “Nông dân với pháp luật” trên địa bàn tỉnh đã tích cực phối hợp các cấp, các ngành tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức khác nhau. Riêng trong năm 2020, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã phối hợp với các CLB “Nông dân với pháp luật” tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong hội viên, nông dân ở các CLB và trong sinh hoạt chi, tổ Hội được 843 cuộc với 50.629 lượt người dự; phối hợp tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý được 260 cuộc, có 9.170 lượt người dự”- lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng thông tin.