Nông thôn mới

  Thanh Hóa: Một trong số ít tỉnh có số huyện, xã, thôn đạt chuẩn Nông thôn mới nhiều nhất cả nước

Việt Tùng - 09:58 20/12/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Với nhiều cách làm hay, sáng tạo, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh Thanh Hóa đang có những bước tiến dài, đột phá giúp tỉnh sớm về đích NTM...

Vai trò chủ thể của người dân được phát huy

Ông Cao Văn Cường – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết: Trong những năm qua, được sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương, cùng với sự tập trung chỉ đạo quyết liệt, có cách làm phù hợp, sáng tạo, đặc biệt là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả to lớn, nổi bật là nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân và nông thôn được nâng lên đáng kể; vai trò chủ thể của người dân được phát huy.

Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng được hoàn thiện, đồng bộ; các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn; trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên; nhiều vùng nông thôn trở nên giàu đẹp, văn minh, trở nên đáng sống.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 12 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có 352 xã, 700 thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM; 76 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 12 xã, 322 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 339 sản phẩm OCOP được xếp hạng từ 3-4 sao, 1 sản phẩm 5 sao. Là một trong số ít tỉnh, thành phố có số huyện, xã, thôn đạt chuẩn NTM nhiều nhất cả nước.

Bộ mặt nông thôn mới ở xã Đông Khê , huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa ngày càng khởi sắc.

Theo ông Cường, để thực hiện thắng lợi Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, thời gian tới tập trung thực hiện thật tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; có giải pháp tháo gỡ những "nút thắt", "điểm nghẽn" để tạo động lực phát triển sản xuất, thu hút đa dạng các nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, thực hiện giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội… tăng cường thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, bảo đảm tính bền vững trong xây dựng NTM.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng NTM toàn diện, nâng cao và bền vững, với phương châm "xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc". Xác định "Nông nghiệp, nông thôn và nông dân luôn giữ vai trò quan trọng, là bệ đỡ, là nền tảng trong phát triển kinh tế - xã hội". 

Vì vậy, hoạt động phát triển nông nghiệp phải xoay quanh người dân, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, chất lượng cuộc sống cho người dân. Người nông dân phải là trung tâm, là chủ thể, nông thôn phải là nền tảng, là cơ sở và nông nghiệp phải là động lực cho sự phát triển của tỉnh; Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, đẩy mạnh xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, gắn với quá trình đô thị hóa… hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại, giàu bản sắc.

Thứ ba, tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các nội dung thuộc Chương trình OCOP có thương hiệu, có giá trị và sức cạnh tranh cao; Phấn đấu đảm bảo môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, đời sống nông thôn giàu bản sắc văn hóa truyền thống, đưa làng quê nông thôn ngày càng văn minh, bình yên, đáng sống…

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng các sản phẩm OCOP đang được tỉnh Thanh Hóa triển khai hiệu quả.

Gỡ khó cho các huyện miền núi

Ngoài những thành tựu đã đạt được, việc xây dựng NTM ở 11 huyện miền núi vẫn còn nhiều khó khăn cần tập trung tháo gỡ, để miền ngược theo kịp miền xuôi. Chia sẻ về vấn đề này, ông Cao Văn Cường cho biết, trong thời gian qua, được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai tốt các Chương trình MTQG. Các mục tiêu về xây dựng NTM cũng như giảm nghèo nhanh, bền vững, bộ mặt nông thôn, miền núi có nhiều thay đổi, đời sống vật chất tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 37,5 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn 6,08%; riêng khu vực miền núi thu nhập đạt 34,6 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo là 15,19%; tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số là 19,86%.

Trên địa bàn 11 huyện miền núi đã có 61 xã (đạt 37,4%), 645 thôn (đạt 51%), bản được công nhận đạt chuẩn NTM, 7 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 51 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 79 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao (chiếm 23,3% tổng sản phẩm OCOP toàn tỉnh), trong đó có 1 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao.

Sản xuất rau sạch, an toàn đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân ở Thanh Hóa.

Tuy nhiên, việc thực hiện Chương trình xây dựng NTM ở khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa còn nhiều khó khăn, bất cập, như: Đời sống của đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao; hoạt động của Ban chỉ đạo ở một số địa phương chưa sáng tạo, thực sự quyết liệt; vẫn còn một bộ phận nhỏ cán bộ và nhân dân còn trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước. 

Theo ông Cường, hiện khu vực miền núi có 102 xã chưa đạt chuẩn NTM (trong đó, có 62 xã thuộc các huyện nghèo), vị trí địa lý, địa hình không thuận lợi, cư dân không tập trung, có nhiều tiêu chí chưa đạt chuẩn, chủ yếu là các chỉ tiêu về tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch tập trung, tiêu chí nghèo đa chiều ở mức cao, từ 42,17% đến trên 70%, có xã tỷ lệ hộ nghèo còn trên 80%...

Để miền núi phát triển được bền vững, trong đó cần tập trung giải quyết các điểm "nghẽn" trong xây dựng NTM, Thanh Hóa cần có cách làm, giải pháp phù hợp, đó là:

Cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đồng lòng, hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân; tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân.

Trung ương, tỉnh Thanh Hóa cần có cơ chế đặc thù hỗ trợ các xã, thôn, bản thuộc khu vực miền núi của tỉnh trong xây dựng NTM gắn với giảm nghèo bền vững. Đề nghị Trung ương xem xét, sửa đổi một số chỉ tiêu, tiêu chí trong Bộ tiêu chí NTM các mức độ, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa; đồng thời, cho tất cả các xã khu vực miền núi Thanh Hóa được áp dụng tiêu chí đối với vùng Trung du, miền núi phía Bắc (thay vì chỉ có các xã đặc biệt khó khăn khu vực III như hiện nay).

Ngoài ra, để Thanh Hóa sớm về đích trong Chương trình MTQG về xây dựng NTM; Trung ương và tỉnh cần có cơ chế đặc thù hỗ trợ cho các xã, thôn, bản vùng đặc biệt khó khăn để tạo động lực cho các địa phương phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững; đồng thời cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ trực tiếp về phát triển sản xuất, đào tạo nghề giúp cho người dân có sinh kế, thu nhập ổn định để vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt là phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, qua đó, giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác