4 nguyên tắc cơ bản của IFOAM về nông nghiệp hữu cơ
IFOAM (Liên đoàn các phong trào canh tác nông nghiệp hữu cơ Quốc tế) là một tổ chức phi chính phủ quốc tế được thành lập vào năm 1972, có trụ sở tại Bonn, Đức. Tổ chức này tập trung vào việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ và bền vững trên toàn thế giới, đồng thời cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng các tiêu chuẩn và quy định về nông nghiệp hữu cơ.
Các nguyên tắc quy định bởi IFOAM hướng tới mục tiêu là các hệ sinh thái cây trồng, vật nuôi được đảm bảo và tạo ra các sản phẩm chất lượng an toàn cho người sử dụng. Ngoài ra, canh tác theo nông nghiệp hữu cơ còn mang lại hiệu quả trong kinh tế, duy trì và gia tăng độ màu mỡ lâu dài cho đất. Ví dụ như phương pháp trồng rau, củ, quả không sử dụng bất kì loại hóa chất độc hại trong bảo vệ thực vật để trừ sâu, bệnh, cỏ dại cũng như phân hóa học, sản xuất hướng đến sự cân bằng sinh thái trong tự nhiên.
IFOAM hướng tới mục tiêu là các hệ sinh thái cây trồng, vật nuôi được đảm bảo và tạo ra các sản phẩm chất lượng an toàn cho người sử dụng
Tại các nước phát triển, trong nhiều thập kỷ qua, nông nghiệp hữu cơ đã cho thấy con người có thể nuôi dưỡng thế giới một cách bền vững và hài hòa với hệ sinh thái. Đặc biệt tại EU, canh tác nông nghiệp đã loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng hóa chất tổng hợp, phân bón vô cơ, các chất điều tiết sinh trưởng của cây trồng, các chất kích thích và thuốc kháng sinh trong chăn nuôi gia súc. Nông dân canh tác theo nông nghiệp hữu cơ dựa trên việc quay vòng của mùa vụ, tận dụng các phần còn lại sau khi thu hoạch, phân động vật, canh tác cơ giới nhằm duy trì độ phì nhiêu cho đất, đảm bảo cây trồng được cung cấp đủ chất dinh dưỡng đồng thời có thể kiểm soát được các loại cỏ dại, sâu, bệnh hại. Canh tác hữu cơ sẽ cải thiện và duy trì cảnh quan tự nhiên và hệ thống sinh thái nông nghiệp, tránh khai thác quá mức gây ô nhiễm môi trường, giảm thiểu việc sử dụng năng lượng và các nguồn không tái sinh. Mục đích mà nông nghiệp hữu cơ hướng tới là tối đa hóa an toàn sức khỏe và hiệu quả năng suất của cộng đồng, độc lập về đất đai, cây trồng, vật nuôi và con người.
Trong hơn nửa thế kỷ hoạt động của mình, IFOAM đã đề ra bốn nguyên tắc hướng dẫn về nông nghiệp hữu cơ: Sức khỏe, Sinh thái, Công bằng và Chăm sóc. Những nguyên tắc này không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường mà còn đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tính bền vững, đa dạng sinh học và phúc lợi tổng thể.
Sức khỏe
Nguyên tắc đầu tiên của IFOAM đưa ra là nhấn mạnh tầm quan trọng của canh tác một cách bền vững có lợi cho sức khỏe. Sức khỏe ở đây không chỉ hạn hẹp trong ý nghĩa con người mà là sức khỏe của toàn bộ hệ sinh thái, ví dụ nuôi dưỡng sức khỏe của đất để hỗ trợ đời sống thực vật và động vật. Nông nghiệp hữu cơ, với sự nhấn mạnh vào sức khỏe của đất đã đưa ra những giải pháp thực tế như nuôi dưỡng đất thông qua các hoạt động như ủ phân, che phủ cây trồng, trồng trọt hỗn hợp, luân canh cây trồng và sử dụng cây họ đậu, nông nghiệp hữu cơ duy trì và tăng cường độ phì nhiêu của đất và giảm nhu cầu đầu vào hóa học.
Đất khỏe mạnh không chỉ tạo ra các loại cây trồng giàu dinh dưỡng mà còn thúc đẩy hơn nữa nguyên tắc “Một sức khỏe”, nhấn mạnh vào mối liên hệ giữa sức khỏe con người, sức khỏe động vật và môi trường của chúng ta.
Và tất nhiên, IFOAM cũng chú trọng bảo vệ sức khỏe con người khi hướng vào việc sử dụng các thực phẩm hữu cơ sạch. Mới chỉ cách đây chưa tới 20 năm, canh tác nông nghiệp ở Việt Nam còn truyền miệng câu nói: “rau hai luống, lợn hai chuồng”, nghĩa là một luống rau trồng nhà ăn (rau hữu cơ), một luống bón phân hóa học, chất kích thích tăng trưởng để … bán cho người tiêu dùng. Quan niệm nguy hiểm và sự phụ thuộc quá mức vào phân bón tổng hợp và thuốc trừ sâu hóa chất đó đã dẫn đến suy thoái đất làm tổn hại đến chất lượng cây trồng và có thể có tác động tiêu cực đến sinh kế của một người.
Sinh thái
Nguyên tắc này cho thấy tất cả các hệ sinh thái được kết nối với nhau như thế nào và vấn đề mất đa dạng sinh học phải được chú ý ngay lập tức. Theo quan điểm của IFOAM, thay đổi sử dụng đất, sử dụng nhiều đầu vào tổng hợp và sinh vật biến đổi gen (GMO) là mối đe dọa trực tiếp đến đa dạng sinh học. Hơn nữa, các hoạt động nông nghiệp như độc canh và nông nghiệp công nghiệp tước đi đất đai của môi trường sống tự nhiên và đe dọa các thành phần của hệ sinh thái. Ví dụ như nếu một ngày, không còn các loại ong, bướm thì việc thụ phấn tự nhiên sẽ bị hủy diệt và do đó, động vật hoang dã cũng rất cần thiết cho các hệ thống thực phẩm bền vững.
Tránh sử dụng GMO và hóa chất tổng hợp, nông dân hữu cơ đã tạo môi trường sống cho côn trùng có lợi và thúc đẩy hệ sinh thái đa dạng
Để có nông nghiệp hữu cơ thì phải có những Nông dân hữu cơ, và họ chính là một thành phần quan trọng trong thúc đẩy đa dạng sinh học. Bằng cách tránh sử dụng GMO và hóa chất tổng hợp, nông dân hữu cơ tạo môi trường sống cho côn trùng có lợi và thúc đẩy hệ sinh thái đa dạng trong trang trại của họ. Bằng cách đó, chúng bảo vệ các loài thụ phấn như ong, côn trùng có ích và các động vật hoang dã khác, không chỉ duy trì môi trường mà còn góp phần mang lại năng suất cây trồng tốt hơn thông qua kiểm soát dịch hại tự nhiên.
Công bằng
Các nguyên tắc canh tác hữu cơ đặt sự công bằng vào cốt lõi của các hoạt động của họ và nó mở rộng đến cả phúc lợi không chỉ của con người mà còn các động vật tự nhiên khác. Nguyên tắc này khuyến khích một hệ thống thực phẩm công bằng hơn và cung cấp đối xử công bằng và đạo đức cho công nhân nông trại và động vật. Nhiều người Việt Nam đã từng bật cười khi nghe về việc TH True Milk cho bò tắm nước nóng, nghe nhạc thư giãn … nhưng đó chính là một phần của nguyên tắc công bằng trong canh tác hữu cơ.
Canh tác hữu cơ đặt sự công bằng vào cốt lõi của các hoạt động của họ và nó mở rộng đến cả phúc lợi không chỉ của con người mà còn các động vật tự nhiên khác
Điều này có nghĩa là đảm bảo rằng động vật được tiếp cận với đồng cỏ, cấm sử dụng thường xuyên kháng sinh và hormone tăng trưởng trong nông nghiệp chăn nuôi và tạo điều kiện nhân đạo cho vật nuôi. Ngoài ra, nguyên tắc công bằng trong canh tác hữu cơ đòi hỏi phải thiết lập các hệ thống chuỗi cung ứng thực phẩm minh bạch, công bằng và quan tâm đến môi trường và chi phí xã hội. Để bạn hình dung rõ hơn về nguyên tắc này, có thể lấy ví dụ về hàng rào thuế quan của các nước EU. Một sản phẩm được chế biến từ thực vật biến đổi gen (GMO) như ngô hay đậu tương có nguồn gốc từ Mỹ nhập vào EU sẽ vô cùng khó khăn và kể cả khi chứng minh được sự biến đổi gen đó không gây hại cho con người thì vẫn bị đánh thuế ở mức rất cao so với các sản phẩm có chứng nhận không sử dụng nguyên liệu là GMO. Đó là sự công bằng vì một phần tiền thuế đó sẽ được EU chi hỗ trợ cho các nông dân hữu cơ trên lãnh thổ của họ.
Chăm sóc
Nguyên tắc thực hành có trách nhiệm và có lương tâm mở rộng đến việc bảo vệ môi trường của Trái đất và đảm bảo hạnh phúc của các thế hệ tương lai. Về mặt thực tế, nông dân hữu cơ tuân thủ nguyên tắc này bằng cách giảm thiểu việc sử dụng hóa chất tổng hợp, bảo tồn tài nguyên nước và tăng cường hấp thụ carbon thông qua việc thúc đẩy đất khỏe mạnh hơn. Cách tiếp cận đa diện này không chỉ làm giảm lượng khí thải carbon của họ mà còn áp dụng các kỹ thuật canh tác bền vững, cuối cùng là giảm thiểu tác hại đến môi trường. Cam kết quản lý môi trường này đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy một hệ thống thực phẩm bền vững và linh hoạt hơn.
Có thể lấy ví dụ tại tỉnh Bắc Giang của Việt Nam khi người nông dân đang thử nghiệm “Canh tác lúa thân thiện với môi trường”. Phương pháp canh tác mới này đã giúp bà con nông dân tiết kiệm nguồn nước, hạn chế dịch hại, giảm số lần bón phân; từ đó, giảm đáng kể chi phí sản xuất, cây lúa giữ được năng suất, chất lượng, đặc biệt góp phần giảm phát thải khí nhà kính so với canh tác truyền thống. Trong tương lai, số tín chỉ carbon tích lũy được qua phương pháp canh tác này sẽ biến thành tiền mặt và quay về hỗ trợ cho chính bà con nông dân.
Vĩ thanh
Bốn nguyên tắc của canh tác hữu cơ không chỉ quan trọng đối với những người trực tiếp tham gia vào nông nghiệp mà còn đối với người tiêu dùng và hành tinh nói chung. Bằng cách nắm bắt các nguyên tắc này, chúng ta có thể thúc đẩy một hệ thống thực phẩm ưu tiên sức khỏe, sinh thái, công bằng và chăm sóc, dẫn đến sản xuất thực phẩm thân thiện với môi trường hơn. Một ví dụ đơn giản là khi bạn chọn mua các sản phẩm hữu cơ, bạn đã góp phần ủng hộ các nguyên tắc này, giúp tạo ra một hệ thống thực phẩm bền vững, thân thiện với môi trường và đạo đức hơn. Vì vậy, lần tới khi bạn đi chợ, hãy nhớ tầm quan trọng của những nguyên tắc này và cách lựa chọn của bạn có thể đang đóng góp cho một thế giới lành mạnh và công bằng hơn.
- Cà Mau: GRDP nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước
- Bình Dương phấn đấu trở thành đô thị loại I và thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030
- Đến năm 2030, phấn đấu trên 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn trái áp dụng IPHM
- Vĩnh Long: Định hướng cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới