Bà Rịa – Vũng Tàu: Ban hành Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh năm 2025
Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hiện có hơn 3.407 hộ/cơ sở với hơn 11.600 lao động trong đó số lao động thường xuyên chiếm 75%, lao động thời vụ chiếm 25% tham gia hoạt động ngành nghề nông thôn, được chia thành các nhóm: Chế biến, bảo quản nông thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; xử lý chế biến nguyên vật liệu; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; sản xuất muối; các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống cư dân nông thôn. Thu nhập bình quân của lao động đạt 5 triệu đồng/người/tháng.
Tổng giá trị sản lượng ngành nghề nông thôn đạt hơn 3.698 tỷ đồng; trong đó, nhóm ngành chế biến, bảo quản, nông lâm thủy sản có giá trị sản lượng lớn nhất đạt trên 1.580 tỷ đồng, chiếm 42,7%. Hiện nay, có 5 nghề truyền thống và 01 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã công nhận gồm nghề làm bún Long Kiên thuộc phường Phước Nguyên, thành phố Bà Rịa; nghề sản xuất rượu Hoà Long, xã Hòa Long, thành phố Bà Rịa; nghề làm bánh hỏi An Nhứt huyện Long Điền, nghề sản xuất muối An Ngãi huyện Long Điền; nghề sò ốc mỹ nghệ, thành phố Vũng Tàu và 01 làng nghề truyền thống bánh tráng An Ngãi, huyện Long Điền.
Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của Trung ương và tỉnh về phát triển ngành nghề nông thôn nhằm tạo điều kiện cho các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển bền vững tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập người dân góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; đồng thời bảo tồn giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch, xây dựng sản phẩm OCOP, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh năm 2025.
Theo đó, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành, các đơn vị liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện. UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân về vai trò, tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống; Tổ chức xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh năm 2025 đảm bảo các tiêu chí theo quy định; Rà soát, kiểm tra, lập danh sách đề nghị thu hồi Bằng công nhận các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận trước đó không đảm bảo các tiêu chí theo quy định; Tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại;
Đồng thời, hỗ trợ thông tin cho các doanh nghiệp, cơ sở ngành nghề nông thôn tham gia hội thi, hội chợ trong và ngoài nước để giới thiệu, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ; Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm ngành nghề nông thôn gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); hỗ trợ các sản phẩm ngành nghề nông thôn tham gia chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và các hội chợ xúc tiến thương mại; xây dựng nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý; xây dựng các điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các chợ, cửa hàng, trung tâm thương mại, các tuyến, điểm du lịch.
Triển khai có hiệu quả Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn; Xây dựng và triển khai thực hiện các dự án phát triển nghề truyền thống nhằm hỗ trợ một phần kinh phí về nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất cho các cơ sở ngành nghề nông thôn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống tạo sản phẩm đặc trưng của địa phương. Bao gồm các Dự án phát triển nghề truyền thống nấu rượu Hòa Long; Dự án phát triển làng nghề truyền thống bánh tráng An Ngãi; Dự án phát triển nghề truyền thống sản xuất muối huyện Long Điền; Dự án phát triển nghề chế biến, bảo quản nông sản, thủy sản; Dự án phát triển nghề dệt lưới; Dự án phát triển sinh vật cảnh.
Trong năm 2023, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp UBND các địa phương khảo sát, bàn giao hỗ trợ vật tư, trang thiết bị, dụng cụ sản xuất cho 26 hộ là các cơ sở ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh. Cụ thể: 15 hộ thuộc nghề truyền thống rượu Hoà Long, Thành phố Bà Rịa; 10 hộ thuộc nghề truyền thống bánh tráng An Ngãi, huyện Long Điền; 01 cơ sở thuộc nghề truyền thống sò ốc mỹ nghệ là Cơ sở sản xuất Thanh Thêm, thành phố Vũng Tàu.
Việc hỗ trợ phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh đã giúp các cơ sở tích cực đầu tư phát triển sản xuất, tăng cường hỗ trợ và thúc đẩy ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh phát triển. Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập, tạo việc làm cho lao động nông nhàn; cải thiện và nâng cao đời sống nông thôn; bên cạnh đó thực hiện Chương trình OCOP đã thúc đẩy một số sản phẩm ngành nghề nông thôn nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, đáp ứng được các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, tận dụng được nguồn nguyên liệu tại chỗ của địa phương tạo ra hàng hoá có giá trị kinh tế cao.
- Cà Mau: Sẽ xây mới, sửa chữa 4.400 căn nhà
- Mở ra nhiều cơ hội để các doanh nghiệp trong nước tiếp cận với các công nghệ, giải pháp, sản phẩm tiên tiến, hiện đại
- Việt Nam đang có nhiều thuận lợi trong việc thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm
- An Giang: Ứng dụng chuyển đổi số là chìa khóa góp phần tạo nên một nền nông nghiệp thông minh, bền vững, hiệu quả