Bà Rịa – Vũng Tàu: Khuyến khích nông dân tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, các doanh nghiệp đã thực hiện liên kết với các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) và bà con nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi trên một số loại cây trồng, gồm: hồ tiêu, lúa, ca cao, rau các loại, cây ăn quả,... với tổng diện tích 16.245 ha (trong đó: lúa 119 ha, bắp 43 ha, rau 25,5 ha, cao su 14.287 ha, ca cao 109,6 ha, hồ tiêu 992,9 ha, cây ăn quả 606,15 ha, khoai mài 60 ha...).
Trong chăn nuôi, có 29 cơ sở nuôi heo với tổng đàn khoảng 30.000 con nái và 74.000 con heo thịt; 25 cơ sở chăn nuôi gà với tổng đàn 2.500.000 con gà thịt và 160.000 con gà trứng; 09 cơ sở chăn nuôi vịt với tổng đàn 180.000 con vịt trứng sản xuất theo các hình thức liên kết. Trong nuôi trồng thủy sản có khoảng 310ha sản xuất dưới hình thức hợp tác và liên kết.
Giai đoạn 2019 - 2024, các cấp HND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tuyên truyền, vận động, hỗ trợ thành lập được 52 HTX, 121 THT. Đến nay, toàn tỉnh đang duy trì hoạt động hơn 494 tổ hợp tác và 194 HTX/12.532 thành viên, tạo việc làm ổn định cho hơn 4.800 lao động, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, 110 HTX nông nghiệp có tổng vốn điều lệ hơn 254 tỷ đồng, thu hút 2.282 lao động.
Kinh tế tập thể với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, mà nòng cốt là các HTX, THT trong những năm qua đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất. Điển hình như: Tổ hợp tác trồng nấm linh chi (xã Đá Bạc), trồng hoa (xã Láng Lớn), nuôi cá mú (xã An Ngãi), sản xuất bánh tráng mỏng (TT.Long Điền), trồng lúa hữu cơ (xã An Nhứt), tổ hợp tác ứng dụng thiết bị bay trong sản xuất nông nghiệp (xã Tân Lâm)…
Nhiều HTX trong lĩnh vực nông nghiệp đã tổ chức sản xuất quy mô lớn, chú trọng đến chất lượng sản phẩm, đầu tư cho hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm như: HTX Bưởi da xanh Hắc Dịch; HTX sản xuất Nông nghiệp-Dịch vụ Châu Pha; HTX Ca cao Châu Đức; HTX Nông nghiệp công nghệ cao Bà Rịa-Vũng Tàu; HTX Sầu riêng 9 Bê, HTX Nông nghiệp-Dịch vụ Nhân Tâm; HTX Nông nghiệp Sông Xoài...
Theo ông Trần Văn Mảng, Phó Chủ tịch HND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: Đầu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 182/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030”, phù hợp với mong muốn của nông dân và công tác Hội. Vì vậy, các cấp HND trong tỉnh tập trung phối hợp với các sở ngành, Liên minh HTX tỉnh và địa phương tiếp tục xây dựng, thành lập nhiều hơn nữa các THT, HTX.
Quan trọng nhất là Hội tiếp tục hỗ trợ các HTX, THT từ khâu tập hợp, liên kết sản xuất đến chế biến, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu. Việc vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia xây dựng và phát triển các hình thức kinh tế tập thể phù hợp với từng địa phương, lĩnh vực hoạt động là mục tiêu được HND tỉnh đặt ra trong nhiệm kỳ 2023-2028. Hội xác định, cán bộ Hội các cấp là thành viên nòng cốt để củng cố và xây dựng các câu lạc bộ, THT, HTX.
Việc tham gia vào các THT, HTX đã mang lại nhiều cái lợi cho người nông dân. Ví dụ như tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm, sản xuất tùy theo nhu cầu của thị trường, tăng thu nhập cho các thành viên trong THT, HTX. Và khi tham gia THT, HTX bà con được các cơ quan ban, ngành, chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thời gian qua, HND tỉnh đã chú trọng nhân rộng các mô hình THT, HTX có cách thức tổ chức và quản lý hay, hiệu quả để phục vụ cho công tác tuyên truyền. HND các cấp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có nhiều hình thức, biện pháp giúp các THT, HTX tiếp cận khoa học, kỹ thuật, dạy nghề, nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Song song vận động người dân tham gia các THT, HTX, tỉnh còn đẩy mạnh, hỗ trợ đưa các ứng dụng công nghệ cao vào khâu sản xuất nông nghiệp. Áp dụng sản xuất ứng dụng công nghệ cao giúp các cơ sở chủ động được mùa vụ, tăng số vụ sản xuất trong năm, kiểm soát được dịch hại, vật tư nông nghiệp đầu vào, chất lượng sản phẩm đạt một số tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, VietGAP,… đồng thời sản xuất có ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Do đó giá trị sản xuất được nâng lên rất nhiều so với sản xuất thông thường.
Tính đến tháng 9/2024, trên địa bàn tỉnh có 369 cơ sở sản xuất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, với quy mô diện tích 5.168ha, diện tích đang sản xuất 5.164ha (gồm: 55,6ha rau các loại, 8,2ha khoai môn, 36,1ha dưa lưới, 1,3ha nấm các loại, 10,1ha khoai mài, 3.166,6ha cây ăn quả, 1.715,1ha hồ tiêu, 60ha nhàu, 110ha ca cao, 0,8ha hoa lan), ước sản lượng cung cấp ra thị trường khoảng 98.406 tấn/năm. Các công nghệ áp dụng gồm: Nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tiên tiến tiết kiệm nước kết hợp điều tiết dinh dưỡng tự động. Ngoài ra, một số cơ sở có áp dụng công nghệ thủy canh; công nghệ aquaponics; công nghệ theo dõi, điều chỉnh nhiệt độ, ẩm độ theo cảm biến, sử dụng điện năng lượng mặt trời,...
Trong chăn nuôi, hiện có 141 trang trại hoạt động chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao (tổng đàn 291.163 con heo, 2.851.000 con gà thịt, 98.000 con gà trứng, 87.000 con vịt giống/thịt, chiếm tỷ lệ 43% tổng đàn gia cầm và 70%/tổng đàn heo). Các công nghệ sử dụng gồm: Trang trại thiết kế hệ thống chuồng lạnh, sử dụng chế phẩm sinh học, ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, sử dụng giống bố mẹ nhập ngoại.
Trong lĩnh vực thủy sản, có 23 cơ sở nuôi thủy sản thương phẩm và sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 429,31ha, tăng 17,15ha so với cùng kỳ gồm: 21 cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích 417,31ha và 02 cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng với diện tích 12ha. Công nghệ áp dụng sản xuất: đầu tư các hệ thống xử lý nước cấp, nước thải hiện đại, nước được xử lý và tái sử dụng tuần hoàn khép kín không xả thải ra ngoài môi trường; hình thức nuôi chủ yếu nuôi trong ao nổi, hồ tròn lót bạt có mái che, nuôi trong nhà màng, nhà kín với mật độ nuôi 250-500con/m2, sản lượng đạt từ 30-50 tấn/ha/vụ; các cơ sở nuôi tôm từ 03-04 vụ/năm.
- Cà Mau: Sẽ xây mới, sửa chữa 4.400 căn nhà
- Mở ra nhiều cơ hội để các doanh nghiệp trong nước tiếp cận với các công nghệ, giải pháp, sản phẩm tiên tiến, hiện đại
- Việt Nam đang có nhiều thuận lợi trong việc thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm
- An Giang: Ứng dụng chuyển đổi số là chìa khóa góp phần tạo nên một nền nông nghiệp thông minh, bền vững, hiệu quả