Góc nhìn

Trạm trộn bê-tông không phép ở Bắc Giang: Bến thủy nội địa cũng hoạt động không phép

Nhóm PV - 16:02 13/12/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Cùng với hàng loạt sai phạm như hoạt động không phép, không có phương án bảo vệ môi trường, khai thác nước ngầm không phép, Trạm trộn bê-tông Nghĩa Bình, Công ty cổ phần Bến Thủy hiện còn sử dụng một bến thủy nội địa không phép bên bờ phải sông Thương. Hoạt động này tiềm ẩn gây mất an toàn đường thuỷ và an toàn đê điều tại địa phương.

Sai phạm nối tiếp sai phạm

Từ bao đời nay, xã Hưng Đạo, thành phố Chí Linh, Hải Dương và xã Đồng Việt, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang cách nhau hai bờ con sông Thương. Cách phổ biến để người dân qua lại đôi bờ sông là bằng thuyền hoặc những chuyến phà chở khách tại bến phà xã Đồng Việt. Những năm gần đây, khi mật độ người và phương tiện giao thông qua lại tăng lên, nhu cầu đi lại của người dân cũng nhiều hơn nên phải chờ đợi, thậm chí còn phải đối mặt với nguy cơ mất an toàn khi lưu thông qua sông. Gần đây, những người dân thường xuyên đi qua phà Đồng Việt đã phản ánh tới phóng viên cũng như cơ quan hữu trách về sự lo lắng, bất an khi đi phà sang đoạn sông này.

Bến thuỷ nội địa không phép do Trạm trộn bê-tông Nghĩa Bình, Công ty cổ phần Bến Thủy vận hành, có mố và trụ cẩu xây lấn ra lòng sông Thương. Ảnh: Tạp chí Nông thôn mới.

Trao đổi với phóng viên, một người khách thường đi qua phà Đồng Việt (nhân vật xin không nêu tên - PV) cho biết: Khoảng cách giữa xà lan chở cát đá và phà chở người qua sông trong một số chuyến rất gần nhau. Bến phà thường tập trung nhiều người và phương tiện, xe cô tập trung ngày đêm, tiềm ẩn nguy hiểm cho người dân. Người này cho biết đã phản ánh đến cơ quan chức năng nhưng tình hình chưa được cải thiện.

Sự nguy hiểm mà người khách ấy nói đến có nguyên do một "bến thủy nội địa"  cách bến phà vài ba chục mét được xây dựng bằng bê-tông cốt thép kiên cố, kéo dài hàng trăm mét dọc bờ phải sông Thương. Hàng ngày, có nhiều xà lan dài hàng chục mét chờ đợi bốc dỡ vật liệu xây dựng vào bãi tập kết của Trạm trộn bê-tông Nghĩa Bình, Công ty cổ phần Bến Thủy. Những chiếc sà lan này có lúc dồn lại, di chuyển ngang, dọc đan xen, nhiều lúc chỉ cách phà chở đầy hành khách, phương tiện vận tải khoảng... vài mét, khiến hành khách qua phà nhiều phen gặp phải nơm nớp lo xảy ra va chạm gây tai nạn.

Trong những ngày đầu tháng 12/2023, nhóm phóng viên Tạp chí Nông thôn mới đã tiến hành tác nghiệp, ghi hình thực tế tại bến thủy nội địa này. Tại hiện trường, chúng tôi ghi nhận phản ánh của người dân là có cơ sở. Ngay tại thời điểm tác nghiệp, nhiều chiếc xà-lan dài chở cát và đá khi tiến vào khu vực bốc dỡ vật liệu xây dựng, do quá gần bến phà nên phải đi sát phà chở khách để ghép dọc vào bến thuỷ. Những chiếc xà-lan đi sau đỗ san sát nhau khiến lòng sông Thương trở nên hẹp hơn, tiềm ẩn nguy hiểm cho lưu thông.

Xà-lan chở nặng hàng, di chuyển gần phà đang chở đầy hành khách, ô tô, hàng hóa lưu thông. Ảnh: Tạp chí Nông thôn mới.

Theo tìm hiểu của phóng viên, xã Đồng Việt (huyện Yên Dũng) chỉ có duy nhất 1 bến có trong danh sách của Sở Giao thông vận tải Bắc Giang là "Bến ông Chín", của ông Nguyễn Văn Chín tại Km06+800 đến km7+00 ở bờ phải sông Thương, đang trong tình trạng “Đang hoàn thiện hồ sơ”, tức là bến không được phép hoạt động. Bến thuỷ nội địa do Trạm trộn bê tông Nghĩa Bình, Công ty cổ phần Bến Thủy do đầu tư xây dựng và khai thác, vận hành không được thể hiện và ghi nhận trong danh sách bến thuỷ nội địa của Sở Giao thông vận tải Bắc Giang, có nghĩa bến thủy nội địa này là bến không có giấy phép hoạt động.

Như vậy, đây là dấu hiệu sai phạm tiếp theo của Trạm trộn bê-tông Nghĩa Bình, Công ty cổ phần Bến Thủy. Trước đó, Công ty này đã bị UBND tỉnh Bắc Giang xử phạt số tiền lên tới 350 triệu đồng vì hoạt động sản xuất bê-tông thương phẩm không có biện pháp bảo vệ môi trường tại Trạm trộn bê-tông Nghĩa Bình tại xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang (sau khi Tạp chí Nông thôn mới có bài phản ánh). Trạm trộn này hoạt động suốt ba năm mà không có bất kỳ một giấy phép nào liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh bê-tông thương phẩm.  

Xà-lan chở vật liệu xây dựng tại bến thủy nội địa không phép ở xã Đồng Việt, tiềm ẩn nguy hiểm cho giao thông thủy. Nguồn clip: Tạp chí Nông thôn mới.

Qua tài liệu thu thập được, Công ty cổ phần Bến Thủy đã khai báo thuế với Chi cục thuế Bắc Giang – Yên Dũng lỗ lũy kế 3 năm liên tiếp, do đó không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều đó có nghĩa là Công ty cổ phần Bến Thủy không có đóng góp thuế cho Nhà nước, trong khi vẫn tổ chức xây dựng, vận hành bến thủy nội địa, hoạt động không phép nhiều năm nay, gây ảnh hưởng tới đê điều, đe doạ mất an toàn giao thông đường thủy nội địa. Những dấu hiệu sai phạm của doanh nghiệp này có tính dây chuyền, có tính chất nghiêm trọng, xảy ra trong thời gian dài, khiến dư luận đặt ra câu hỏi, liệu có chuyện bao che, lợi ích nhóm trong việc này hay không(?!).

76 bến thủy nội địa không phép tại Bắc Giang tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 23 Chương III (Bảo vệ và sử dụng đê điều) Luật Đê điều, hành lang bảo vệ đê là từ chân đê ra sông là 20m. Căn cứ Điều 33 Nghị định 08/2021/NĐ-CP (Nghị định quy định quản lý hành lang bảo vệ luồng đường thủy) quy định rõ, hành lang bảo vệ luồng đường thủy được tính từ mép nước vào bờ 10m. Trong diện tích này các tổ chức, cá nhân liên quan không được phép xây dựng công trình, chất tải vật liệu, trừ vật tư trữ phòng, chống lụt, bão. 

Bến thuỷ nội địa không phép đề cập trên đây không phải là trường hợp duy nhất tại Bắc Giang. Mặc dù đã bị cơ quan chức năng phát hiện, đình chỉ, xử lý, nhưng trên địa bàn tỉnh này, đến nay, nhiều tổ chức, cá nhân vẫn tự ý lập bến thủy nội địa và vận hành có vi phạm quy định về hành lang bảo vệ luồng thủy và đê điều… Việc xây dựng mố, trụ cẩu ra lòng sông sẽ cản trở, làm thay đổi dòng chảy con sông. Quá trình vận chuyển, bốc xếp vật liệu có thể làm rơi vãi, bồi lắng lòng sông, cản trở, gây nguy hiểm khi tàu thuyền, phà lưu thông. Thực trạng trên tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới đê điều, mất an toàn giao thông đường thủy nội địa. Hơn thế nữa, hàng hóa thông quan, phương tiện vào, rời bến không được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, tiềm ẩn nguy cơ mất trật tự an toàn giao thông, gian lận thương mại có thể xảy ra.

Ngày 15/8/2023, Thanh tra Sở Giao thông vận tải tỉnh Bắc Giang đã có Báo cáo số 74/BC-TTrS về tình hình hoạt động các bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Theo đó, toàn tỉnh Bắc Giang chỉ có 9 bến thuỷ nội địa có giấy phép hoạt động còn hiệu lực, 22 bến thuỷ nội địa có giấy phép hoạt động hết hiệu lực. Đáng chú ý, tỉnh này có tới 76 bến thuỷ nội địa không có giấy phép, mà bến thuỷ tại xã Đồng Việt là một trong số đó.

Bắc Giang hiện có 76 bến thuỷ nội địa không có giấy phép hoạt động và 22 bến thuỷ nội địa có giấy phép nhưng đã hết hạn. Ảnh chụp một phần Báo cáo số 74/BC-TTrS của Thanh tra Sở Giao thông vận tải Bắc Giang. Ảnh: Tạp chí Nông thôn mới.

Tại văn bản này, Thanh tra Sở Giao thông vận tải cũng đã nêu ra một số nguyên nhân cơ bản khiến Bắc Giang còn nhiều bến thuỷ nội địa không phép. Một số nguyên nhân cơ bản là: Một số bến thuỷ nội địa không có giấy phép vẫn hoạt động cầm chừng trong khi chờ hoàn thiện các thủ tục. Các dự án đầu tư xây dựng bến thuỷ nội địa phần lớn là các dự án nhỏ lẻ, được hình thành từ tập quán kinh doanh của các hộ gia đình cá nhân, các chủ bến, chưa có nhiều hiểu biết pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng dự án. Việc giải tỏa các bến thuỷ nội địa không phù hợp với quy hoạch hoặc chưa được chấp thuận đầu tư chưa được các địa phương thực hiện nghiêm túc, quyết liệt dẫn đến còn nhiều bến thuỷ nội địa không phép hoạt động. Việc phối hợp giải quyết các vướng mắc cho nhà đầu tư của các cơ quan chức năng còn chưa kịp thời và chưa hiệu quả, nhất là việc chấp thuận đầu tư, cấp phép xây dựng bến thuỷ nội địa.

Từ thực trạng nêu trên, có thể thấy, tình trạng không cấp phép được cho các bến thuỷ nội địa bao gồm nhiều nguyên nhân, trong đó có cả từ phía doanh nghiệp lẫn chính quyền dẫn đến 98 bến thuỷ nội địa không có giấy phép hoặc giấy phép hết hạn. Để giải quyết tình trạng này, UBND tỉnh Bắc Giang nên có hướng dẫn cụ thể cho các cơ quan chức năng liên quan khẩn trương rà soát hồ sơ, giải quyết cho các doanh nghiệp đã đủ điều kiện nhưng còn vướng mắc nhỏ. Đối với những bến thuỷ nội địa không thể cấp phép do nguyên nhân không phù hợp với quy hoạch hoặc do địa hình không thể xây dựng thì cần kiên quyết đình chỉ hoạt động, đồng thời yêu cầu chủ thể vi phạm có biện pháp dỡ bỏ và khắc phục hậu quả.

Nghị định số 139/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2022:

Theo Khoản 5, Điều 27 quy định về Vi phạm quy định về quản lý khai thác khu neo đậu có thể bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đối với hành vi khai thác khu neo đậu đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động hoặc hết thời gian hoạt động. Ngoài ra, cơ quan chức năng còn yêu cầu chủ thể vi phạm phải có biện pháp khắc phục hậu quả. Buộc phá dỡ công trình, thiết bị, báo hiệu, thanh thải vật chướng ngại đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều này.

Nếu Bắc Giang để kéo dài tình trạng bến thuỷ nội địa không được quản lý chặt chẽ, thì không chỉ có nguy cơ ảnh hưởng xấu tới an toàn đê điều, an toàn giao thông đường thủy nội địa, mà còn gây bất bình đẳng trong kinh doanh bê tông thương phẩm khi bê tông của các trạm trộn có bến thuỷ nội địa không phép có giá thành rẻ hơn các trạm bê tông phải nhập vật liệu qua đường bộ với giá cao hơn.

Việc bến thuỷ nội địa không phép do Trạm trộn bê tông Nghĩa Bình đang vận hành nói riêng, các bến thuỷ nội địa không phép khác nói chung một khi được chấn chỉnh kịp thời sẽ góp phần củng cố lòng tin của người dân vào sự nghiêm minh của pháp luật và vai trò lãnh đạo, quản lý của các cấp uỷ, chính quyền địa phương.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác