Bắc Giang: Người dân bức xúc với trạm trộn bê tông không phép ở Hiệp Hoà
Phớt lờ các quy định của pháp luật, “núp bóng” thi công đường
Ngày 11/8/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định số 1384/QĐ-UBND về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình: Đường vành đai IV (Hà Nội) qua địa phận tỉnh Bắc Giang. Công ty Cổ phần Tập đoàn xây dựng Trường Thịnh (sau đây gọi tắt là Công ty Trường Thịnh) là đơn vị trúng thầu gói thầu số 11 - Thi công xây dựng công trình tuyến nhánh 2 (điểm đầu Km0+00 giao cắt với tuyến chính tại Km10+999 thuộc xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa thuộc dự án: Đường vành đai IV (Hà Nội) địa phận tỉnh Bắc Giang).
Ngày 23/9/2019, Công ty Trường Thịnh có văn bản số 40/2019/BC-TT gửi Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hoà báo cáo sự cần thiết để xây dựng trạm trộn bê tông phục vụ thi công xây dựng công trình tuyển nhánh 2 thuộc Đường vành đai IV (Hà Nội) qua địa phận tỉnh Bắc Giang. Ngày 21/10/2019, Công ty Trường Thịnh tiếp tục gửi văn số 52/TT-VP gửi Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang và Chủ tịch UBND huyện về việc đề nghị cho phép thi công hoàn thiện trạm trộn bê tông với công suất là 120m3/h để phục vụ thi công xây dựng công trình tuyến nhánh 2 thuộc Đường vành đai IV (Hà Nội) qua địa phận tỉnh Bắc Giang.
Công ty Trường Thịnh là đơn vị trúng thầu gói thầu số 11 trên địa bàn thuộc xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa.
Ngày 25/10/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Văn bản số 3873/UBND-GT đồng ý cho Công ty Trường Thịnh lắp đặt trạm trộn bê tông để phục vụ thi công công trình tuyến nhánh 2 thuộc dự án Đường vành đai IV (Hà Nội) địa phận tỉnh Bắc Giang.
Sau khi được chấp thuận lắp đặt trạm trộn bê tông để phục vụ thi công công trình tuyến nhánh 2 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang; Công ty Trường Thịnh tiến hành lắp đặt trạm trộn bê tông và xây dựng một số công trình phụ trợ, gồm nhà điều hành, nhà bếp, nhà bảo vệ, silo trạm trộn... tại xứ Đồng Vân, thôn Cẩm Vân, xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hoà để phục vụ thi công công trình tuyến nhánh 2 thuộc dự án Đường vành đai IV (Hà Nội) địa phận tỉnh Bắc Giang
Dự án đầu tư xây dựng công trình Đường vành đai IV (Hà Nội) qua địa phận tỉnh Bắc Giang có tổng chiều dài hơn 35km, là một trong những đoạn tuyến đầu tiên của đường Vành đai IV (Hà Nội) được đầu tư xây dựng, điểm đầu nối từ cao tốc Bắc Giang - Hà Nội (khu vực thị trấn Nếnh, Việt Yên), điểm cuối là cầu Xuân Cẩm - Bắc Phú (thuộc xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa) nối với huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Sau 2 năm thi công, các nhà thầu đã hoàn thành toàn bộ khối lượng vào cuối tháng 10/2020 và bàn giao cho chủ đầu tư vào đầu tháng 11/2020.
Công ty Trường Thịnh đã có văn bản cam kết tự tháo dỡ toàn bộ trạm trộn và các công trình phụ trợ để hoàn trả hoàn trả mặt bằng sau khi hoàn thành dự án, thời gian xong trước ngày 30/10/2020.
Tuy nhiên, đến nay công trình nêu trên chưa được tháo dỡ theo như đã cam kết, thậm chí còn kịp thay đổi tên từ Công ty Trường Thịnh thành Công ty Cổ phần Bến Thủy. Không những vậy, trạm trộn không phép này tiếp tục sản xuất suốt 3 năm qua với thương hiệu bê - tông Nghĩa Bình, xả thải ra môi trường, xe tải chở bê tông từ trạm trộn này cũng đã "góp phần" làm hỏng một số đoạn đường nông thôn mới.
Hoạt động bất chấp sự quản lý của chính quyền huyện
Ngày 27/12/2022, UBND huyện Hiệp Hòa đã ban hành Kế hoạch số 249/KH-UBND về việc kiểm tra công tác quản lý nhà nước về quản lý đầu tư xây dựng; hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện. Phải 10 tháng sau, vào ngày 27/10/2023 Tổ Kiểm tra mới có báo cáo chi tiết về vấn đề này.
Theo đó, ngày 24/8/2021, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định số 896/QĐ- UBND chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Xây dựng nhà máy sản xuất bê tông tươi và cấu kiện bê tông đúc sẵn cho của Công ty Cổ phần Bến Thủy tại thửa đất mà Công ty Trường Thịnh đã lắp đặt trạm trộn bê tông từ năm 2019, địa chỉ Xứ Đồng Vân, thôn Cẩm Vân, xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hoà.
Khu đất Công ty Cổ phần Bến Thủy hoạt động sản xuất bê tông thương phẩm hiện vẫn đang là đất nông nghiệp.
Ngày 18/8/2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định số 190/QĐ- SKHĐT chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án Xây dựng nhà máy sản xuất bê tông tươi và cấu kiện bê tông đúc sẵn (điều chỉnh lần thứ 01). Đến nay, Công ty Cổ phần Bến Thủy đang sử dụng các công trình Nhà điều hành, nhà bếp, nhà bảo vệ, silo trạm trộn... để hoạt động kinh doanh bản hàng bê tông thương phẩm. Tuy nhiên, ngoài Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư thì Công ty này không có bất kỳ một giấy phép liên quan đến sản xuất bê tông thương phẩm nào khác. Đoàn kiểm tra đã công bố về nhiều vi phạm nghiêm trọng của Công ty này như toàn bộ các công trình đang sử dụng như nhà điều hành, nhà bếp, nhà bảo vệ, silo trạm trộn... để hoạt động kinh doanh không có giấy phép.
Hình ảnh (cắt từ clip) xe trộn bê tông Nghĩa Bình rời trạm trộn của Công ty Bến Thủy do phóng viên ghi nhận hồi 17:00 ngày 16/11/2023
Tổ Kiểm tra cũng đã có văn bản kiến nghị cụ thể như: Yêu cầu Công ty cổ phần Bến Thủy dừng ngay mọi hoạt động kinh doanh liên quan đến dự án nhà máy sản xuất bê tông tươi và cấu kiện bê tông đúc sẵn; chỉ được phép hoạt động khi đầy đủ các điều kiện về đất đai, môi trường, cấp giấy phép xây dựng và văn bản kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu của cơ quan chuyên môn về xây dựng; chỉ đạo Công ty cổ phần Bến Thủy báo cáo làm rõ chủ thể quản lý, sở hữu các công trình xây dựng (nhà điều hành, nhà bếp ăn, nhà bảo vệ, silo trạm trộn) tại dự án Nhà máy sản xuất bê tông tươi và cấu kiện bê tông đúc sẵn trên thửa đất đã được chấp thuận chủ trương đầu tư (địa chỉ: Xứ Đồng Vân, thôn Cẩm Vân, xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hoà).
Ngày 07/11/2023, UBND huyện Hiệp Hòa đã ban hành văn bản số 3371/UBND-KT&HT yêu cầu tạm dừng mọi hoạt động kinh doanh liên quan đến dự án Xây dựng nhà máy sản xuất bê tông tươi và cấu kiện bê tông đúc sẵn do Công ty cổ phần Bến Thủy làm chủ đầu tư.
Tuy nhiên, tại thời điểm phóng viên tiếp cận dự án (ngày 16/11/2023) thì mọi hoạt động kinh doanh của Công ty Bến Thủy vẫn diễn ra rầm rộ, công khai mà không chấp hành theo văn bản số 3371 của UBDN huyện Hiệp Hoà. Các xe chở bê tông thương phẩm mang thương hiệu Nghĩa Bình nặng hàng chục tấn vẫn vô tư chạy vào những con đường nông thôn mới nhỏ hẹp, gây bức xúc lớn cho người dân. Không những thế, trạm trộn bê-tông này xây không phép trên đất nông nghiệp chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, không có các biện pháp bảo vệ môi trường, xả thải không đúng quy định, vi phạm Luật Bảo vệ môi trường.
Ảnh chụp bản sao văn bản của UBND huyện Hiệp Hòa; nội dung trong văn bản này đến nay không được Công ty cổ phần Bến Thủy chấp hành. Ảnh Tư liệu.
Được biết, Công ty cổ phần Bến Thủy có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại xóm Bến, xã Đồng Việt, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Tại địa chỉ này, Công ty cũng có một trạm trộn công suất lớn, hoạt động từ 17/9/2009.
Qua quá trình hoạt động của công ty này cho thấy, các quyết định hành chính của huyện Hiệp Hòa không có tác dụng với Công ty cổ phần Bến Thủy. Vì vậy, có ý kiến cho rằng về việc có thể có "bảo kê" hoặc "chống lưng" cho công ty này hay không?
Để đảm bảo kỷ cương trong thực thi pháp luật, nhiều người dân ở huyện Hiệp Hoà mong muốn UBND tỉnh Bắc Giang khẩn trương vào cuộc, xem xét kỹ dự án của Công ty cổ phần Bến Thủy, nếu công ty có sai phạm, cần phải chấn chỉnh, xử lý theo đúng quy định của pháp luật và của các cơ quan chức năng; nếu Công ty thực sự đầy đủ điều kiện hoạt động thì nghiên cứu cấp phép cho Công ty hoạt động bao gồm các giấy phép về đất đai, môi trường, cấp giấy phép xây dựng; không để xảy ra tình trạng doanh nghiệp hoạt động không phép, "phớt lờ" chính quyền địa phương, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình xây dựng nông thôn mới và gây khó khăn cho hoạt động quản lý nhà nước của UBND huyện Hiệp Hòa.
- Cà Mau: GRDP nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước
- Bình Dương phấn đấu trở thành đô thị loại I và thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030
- Đến năm 2030, phấn đấu trên 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn trái áp dụng IPHM
- Vĩnh Long: Định hướng cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới