Thực trạng và các giải pháp phát triển du lịch miền Tây Nghệ An
Thực trạng du lịch miền Tây Nghệ An
Vấn đề đầu tiên và quan trọng bậc nhất, đó là sản phẩm du lịch của vùng Tây Nghệ An còn sơ sài, chưa đa dạng, phong phú; đặc biệt còn có sự trùng lặp, chồng chéo nhau gây sự nhàm chán cho du khách. Vấn đề này là do các huyện miền núi Nghệ An cùng nằm trong khu vực có nhiều sự tương đồng dẫn đến những văn hoá, ẩm thực và cảnh quan tương tự nhau. Từ đó chưa tạo ra được sự khác biệt để thu hút du khách, trở ngại trong việc liên kết tuyến điểm trong vùng với nhau. Vì thế, du khách thường sẽ chỉ lựa chọn đến một điểm đến thay vì trải nghiệm nhiều điểm đến trong vùng vì không có các có sản phẩm, hoạt động đa dạng, khác biệt.
Trở ngại đáng kể thứ hai là các điểm du lịch khu vực miền núi Nghệ An đa số còn nhỏ lẻ, manh mún, không theo một định hướng, quy hoạch bài bản nào, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và số lượng. Trong khi đó khoảng cách địa lý giữa các điểm du lịch trong một huyện và giữa các huyện khá xa nhau. Một trong số các nguyên nhân là do các điểm đến ở đây chủ yếu được xây dựng và phát triển bởi những hộ gia đình, cá nhân nhỏ lẻ, thiếu nhà đầu tư lớn, doanh nghiệp để tạo sự phát triển đột phá và có điểm nhấn lớn. Một số điểm du lịch do doanh nghiệp đầu tư bài bản thì vướng mắc do thủ tục hành chính phức tạp, mất thời gian hoặc các vướng mắc không được tháo gỡ kịp thời, thoả đáng. Vì vậy, các điểm đến tại Tây Nghệ hiện nay đang mới chỉ phục vụ được lượng khách nhỏ lẻ, vào những dịp lễ, Tết với lượng khách đông thì chưa thể đáp ứng tốt chất lượng, thiếu sự chuyên nghiệp, thậm chí dẫn đến tác dụng ngược.
Thứ ba, tình trạng mạnh ai nấy làm, thiếu sự liên kết và tư tưởng con hát mẹ khen hay. Vấn đề này trước hết thuộc về nhận thức từ cấp quản lý, chính quyền địa phương, chủ doanh nghiệp, hộ kinh doanh và các cá nhân. Các địa phương đa số tự ý làm theo hiểu biết và kinh nghiệm của mình, chỉ dựa vào tài nguyên, thế mạnh sẵn có của địa phương mình mà không dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, phân tích các sản phẩm tương tự của các địa phương lân cận để lựa chọn sản phẩm, cách làm mới, tránh sự trùng lặp. Các địa phương trong vùng Tây Nam vẫn chưa chủ động liên kết với địa phương khác mà chỉ tập trung phát triển các sản phẩm của địa phương mình. Đó chính là một trong số nguyên nhân dẫn đến tình trạng “chết yểu” của một số điểm đến du lịch vùng Tây Nghệ thời gian qua, khi phải đóng cửa, dừng hoạt động hoặc tồn tại một cách…. chỉ sau một thời gian rất ngắn đi vào hoạt động.
Thứ tư, vấn đề về nhân sự trong hoạt động du lịch và tính chuyên nghiệp trong dịch vụ du lịch còn yếu và thiếu. Đa số nhân sự hoạt động du lịch chưa được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, kể cả chủ cơ sở, điều hành hay nhân viên, nhân công thời vụ. Điều đó ảnh hưởng lớn tới chất lượng phục vụ du lịch. Đặc biệt tình trạng thiếu lực lượng lao động trẻ ở mức cần báo động tại các huyện miền Tây Nghệ An nói chung do hiện nay đa phần các bạn trẻ tập trung đi làm công nhân cho các công ty ở miền Bắc và miền Nam, và một số đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Một trong số lý do chính đó là “nghề” du lịch ở Nghệ An nói chung và miền Tây xứ Nghệ nói riêng chưa thực sự là một công việc ổn định, hấp dẫn, thu nhập từ các hoạt động này chưa đảm bảo cho người lao động nên chưa thu hút được lao động có chuyên môn, tay nghề cao hoặc chưa giữ được lực lượng lao động chất lượng cao được lâu dài.
Thứ năm, vấn đề truyền thông, quảng bá nói chung của du lịch Nghệ An và nói riêng của vùng Tây Nghệ còn nhiều hạn chế, chưa có sự đầu tư bài bản và hợp lý. Mặc dù thời gian gần đây cũng có nhiều nỗ lực nhưng hình ảnh du lịch Tây Nghệ vẫn chưa tới được với nhiều du khách xa. Chưa có một kế hoạch, chiến dịch truyền thông, quảng bá chiến lược, tổng thể, quy mô và liên tục trên toàn khu vực miền Tây để tạo hiệu ứng, tiếng vang, thu hút được du khách và các công ty lữ hành ở các tỉnh thành, thành phố lớn.
Một số giải pháp để thúc đẩy phát triển du lịch miền Tây Nghệ An
Quy hoạch về sản phẩm và điểm đến du lịch
Quy hoạch luôn luôn là vấn đề then chốt và cần tập trung và quan tâm hàng đầu, quy hoạch sản phẩm và điểm đến du lịch có thể giải quyết thấu đáo được các vấn đề trở ngại liên quan tới sản phẩm du lịch, cung đường, quy mô, chất lượng các điểm đến và thúc đẩy sự phát triển bài bản, chuyên nghiệp của du lịch. Phát triển các điểm đến với khoảng cách và sản phẩm du lịch phù hợp sẽ thu hút được du khách, tăng cường sự liên kết trong vùng. Đối với vấn đề du lịch tại miền Tây xứ Nghệ, Uỷ ban Nhân dân, Hội đồng Nhân dân tỉnh và các Sở ban ngành liên quan, chính quyền địa phương cần vào cuộc nghiên cứu kỹ, bàn bạc và thống nhất quy hoạch địa phương trọng tâm nào sẽ tập trung và ưu tiên phát triển du lịch, chú trọng phát triển sản phẩm du lịch gì, địa phương nào không tập trung đầu tư du lịch mà phát triển các sản phẩm, dịch vụ có thể liên kết với lĩnh vực du lịch, tránh sự dàn trải, trùng lặp và không có điểm nhấn.
Các địa phương được lựa chọn phát triển du lịch cần nghiên cứu và thống nhất loại hình, sản phẩm, dịch vụ du lịch của địa phương mình dựa trên văn hoá, bản sắc riêng, tạo sản phẩm đặc sắc, ấn tượng và hấp dẫn, tránh bắt chước sản phẩm của nhau, gây sự nhàm chán cho du khách. Việc quy hoạch điểm đến sẽ hình thành rõ cung đường, tour tuyến, từ đó sẽ định hình rõ sản phẩm chủ lực của từng điểm đến, địa phương. Ví dụ huyện Con Cuông phát triển sản phẩm du lịch sinh thái và cộng đồng văn hoá đồng bào Thái; huyện Tương Dương phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng văn hoá đồng bào Khơ Mú và làng nghề; huyện Kỳ Sơn phát triển sản phẩm du lịch chăm sóc sức khoẻ, dược liệu và trải nghiệm văn hoá đồng bào Mông, huyện Nghĩa Đàn đi theo hướng du lịch canh nông, trải nghiệm vườn hoa, cây ăn trái,...
Các huyện có cùng sản phẩm du lịch nên họp bàn cùng nhau để có định hướng và giải pháp phát triển phù hợp và bền vững. Từ đó tạo ra các lộ trình, cung đường phù hợp cho du khách trải nghiệm. Ban đầu nên thực hiện mô hình thí điểm rồi mới nhân rộng ra khi đã có thành quả nhất định. Tránh hiện tượng tự phát, mở rộng không theo quy hoạch, mạnh ai nấy làm, khó quản lý. Sau khi xác định rõ sản phẩm du lịch của mỗi địa phương trong chuỗi liên kết thì cần có định hướng xây dựng và phát triển một cách bài bản và đồng bộ theo từng loại hình sản phẩm, đặc trưng, cá biệt.
Đặc biệt, cần quan tâm tới vấn đề quy chế, nguyên tắc hoạt động của mỗi loại hình du lịch trong vận hành và quản lý sản phẩm, đáp ứng được yêu cầu của du khách. Mỗi loại hình du lịch cần có bộ khung hoạt động phù hợp với sản phẩm, mô hình du lịch đó. Ví dụ, đối với sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với văn hoá bản địa, ngay từ đầu bộ máy du lịch cộng đồng hoặc hợp tác xã du lịch cộng đồng được hình thành với quy chế hoạt động rõ ràng, thống nhất. Trong đó gồm có các tổ nhóm khác nhau, như tổ quản trị, tổ ẩm thực, tổ lưu trú, tổ văn nghệ, tổ hướng dẫn & bán hàng, v.v. Các tổ nhóm hoạt động theo nguyên tắc, quy định với những nhiệm vụ cụ thể và cách thức phân chia lợi nhuận theo quy chế đã được ban hành cũng như phải phải tuân theo các quy định về tổ chức, thực hiện, văn hoá ứng xử trong du lịch.
Đào tạo nguồn nhân lực
Cần chú trọng vào đào tạo nguồn nhân lực, tập huấn kỹ về du lịch cho cộng đồng người dân làm du lịch cũng như nhân sự du lịch trong tương lai. Thực trạng hiện nay nhân sự hoạt động trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ, kể cả đội ngũ cán bộ văn hoá, cán bộ quản lý du lịch tại các địa phương đa số còn đang yếu và thiếu nghiêm trọng. Việc đào tạo nên mang tính thực hành, thực tiễn cao, tập trung cầm tay chỉ việc, theo hướng đào tạo ngay tại địa phương với phương châm nhanh chóng, tiết kiệm và hiệu quả. Đặc biệt nên mời các nghệ nhân, doanh nghiệp, người thật việc thật đã và đang hoạt động, vận hành trong hoạt động du lịch để chia sẻ, hướng dẫn cho người mới làm. Đảm bảo được năng lực, kỹ năng cho lực lượng lao động du lịch tại địa phương, như vậy mới có thể phát triển du lịch một cách chuyên nghiệp và bền vững. Thông qua đó có thể chọn lọc những nhân tố ưu tú tại địa phương để tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nguồn nhân lực chủ chốt, lâu dài. Đồng thời thu hút các lao động người địa phương có năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch đang làm ăn xa trở về phục vụ quê hương. Ngoài ra, cần có kế hoạch, chiến lược phát triển và cơ chế ưu đãi, hỗ trợ để đảm bảo nguồn thu nhập ổn định cho người lao động tại các huyện miền núi Nghệ An thì mới giữ chân được người lao động có tay nghề làm việc lâu dài.
Đẩy mạnh kết nối, truyền thông, quảng bá du lịch
Để phát triển du lịch, kết nối là điều rất quan trọng và vô cùng cần thiết. Trước hết là kết nối với các công ty du lịch, lữ hành, nhà xe bởi vì đây là những đơn vị sẽ đưa khách du lịch tới cho các điểm du lịch thường xuyên, đều đặn và với số lượng khách lớn. Các công ty du lịch, lữ hành làm việc thường có những yêu cầu khắt khe, chuyên nghiệp đối với các điểm đến, các dịch vụ cung cấp, nhờ đó các điểm đến có thể học hỏi, nâng cao kỹ năng, cung cách, thái độ phục vụ du lịch ngày càng tốt hơn. Bên cạnh liên kết với các công ty du lịch, lữ hành thì liên kết các điểm đến với nhau cũng vô cùng quan trọng để tạo nên những sản phẩm hấp dẫn, phong phú đa dạng, đảm bảo chất lượng của mỗi điểm đến; hạn chế sự trùng lặp sản phẩm lẫn nhau, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm và đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh. Các điểm đến, các địa phương liên kết lẫn nhau còn có thể giúp nhau học hỏi, gắn kết, tăng cường tình đoàn kết cộng đồng. Chính vì vậy, việc quy hoạch ngay từ đầu địa phương nào gắn với sản phẩm đặc trưng gì là rất cần thiết, tạo sự phát triển đồng bộ và bền vững. Các điểm du lịch có thể tổ chức các buổi giao lưu, cuộc thi, phiên giao dịch, v.v. để kết nối, chia sẻ và học hỏi lẫn nhau trong cùng địa phương hoặc với địa phương khác. Để làm được điều này, cần sự định hướng, chỉ đạo và tạo điều kiện của chính quyền địa phương, các sở ngành liên quan thông qua các chương trình xúc tiến du lịch trong huyện, liên huyện, liên tỉnh, v.v. Hiện nay công ty TNHH Trung Tâm Điều Phối Du Lịch Miền Tây Nghệ An (TNT Tây Nghệ Tourist) đang là mô hình duy nhất thực hiện việc kết nối các điểm đến du lịch của Tây Nghệ, hỗ trợ việc đào tạo, liên kết và truyền thông, tạo chương trình tour kết nối giữa các điểm đến của các huyện miền Tây. Đây là mô hình cần được quan tâm để phát triển và nhân rộng.
Vai trò của truyền thông, quảng bá đối với hoạt động du lịch là vô cùng cần thiết và đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút được du khách khắp mọi miền tới với một điểm đến, đặc biệt là các điểm đến mới hình thành và khai thác. Bên cạnh các kênh truyền thông, quảng bá thông qua sở, ban ngành hay chính quyền địa phương như các hội nghị xúc tiến, hội chợ du lịch, tham quan học tập, v.v. thì tận dụng công nghệ số, mạng xã hội trong công tác truyền thông và quảng bá du lịch mang lại hiệu quả đáng kể, tiết kiệm chi phí và thời gian. Sự chia sẻ, kết nối thông tin du lịch giữa các địa phương được thực hiện mạnh mẽ, nhanh chóng, thường xuyên thông qua mạng xã hội, các trang fanpage, hội nhóm bằng cách chia sẻ các hình ảnh, video clip, thông tin tư vấn về du lịch, giúp việc lan toả vẻ đẹp của mỗi điểm đến tới nhiều du khách quan tâm. Đây cũng chính là điều kiện thuận lợi thông qua công nghệ số để cung cấp, chia sẻ thông tin du lịch trong thời đại mới, đồng thời sẽ góp phần quảng bá hiệu quả du lịch tích cực, phù hợp với xu hướng phát triển về công nghệ số với du lịch hiện nay.
Trên đây là những giải pháp để tháo gỡ các vướng mắc, trở ngại hiện nay của du lịch miền Tây Nghệ An cũng như thúc đẩy sự phát triển du lịch một cách bền vững, đúng hướng. Để làm được điều này, cần sự vào cuộc quyết liệt của UBND, HĐND các cấp, Sở ban ngành liên quan và đặc biệt sự quyết tâm thực hiện của những điểm đến, doanh nghiệp, hộ gia đình và cộng đồng hoạt động du lịch tại khu vực miền Tây Nghệ An.
- Cà Mau: GRDP nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước
- Bình Dương phấn đấu trở thành đô thị loại I và thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030
- Đến năm 2030, phấn đấu trên 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn trái áp dụng IPHM
- Vĩnh Long: Định hướng cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới